Gian nan chống khai thác cát trái phép

08:10, 04/10/2017

Lâm Ðồng đã tạm ngừng khai thác cát dọc sông Ðồng Nai. Tuy nhiên, tại khu vực xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên), tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Nghiêm trọng hơn, nhiều tàu hút cát hợp pháp do tỉnh Bình Phước cấp phép vẫn khai thác lấn sang địa phận Lâm Ðồng khiến diện tích hoa màu của người dân sạt lở.

Lâm Ðồng đã tạm ngừng khai thác cát dọc sông Ðồng Nai. Tuy nhiên, tại khu vực xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên), tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Nghiêm trọng hơn, nhiều tàu hút cát hợp pháp do tỉnh Bình Phước cấp phép vẫn khai thác lấn sang địa phận Lâm Ðồng khiến diện tích hoa màu của người dân sạt lở. Trong khi đó, việc ngăn chặn lại gặp nhiều khó khăn do đây là địa bàn giáp ranh, công tác phối hợp hạn chế...
 
Một tàu hút cát đang chạy qua một đoạn bờ sông bị sạt lở. Ảnh: H.Sang
Một tàu hút cát đang chạy qua một đoạn bờ sông bị sạt lở. Ảnh: H.Sang

Nhức nhối
 
Theo quy định tại Thông tư số 02 ngày 1/3/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì việc thực hiện thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác được thực hiện vào kỳ cuối cùng trong năm báo cáo. Trong khi đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Cát Tiên từ năm 2008 đến nay nhưng chưa được tổ chức thống kê, kiểm kê, đánh giá trữ lượng. Do đó, nguồn cát trong phạm vi cấp phép gần như đã cạn kiệt, do đó, các tàu hút cát lợi dụng khai thác cát gần bờ gây sạt lở nghiêm trọng. 
Nhức nhối có lẽ là điều mà nhiều người nhắc đến khi đề cập đến tình trạng khai thác cát dọc sông Đồng Nai đoạn qua thôn Vĩnh Ninh (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên). Đây cũng là địa bàn trọng điểm về khai thác cát dù phía tỉnh Lâm Đồng đã tạm ngưng cấp phép. Tuy nhiên, về phía tỉnh Bình Phước vẫn cấp phép cho một công ty hoạt động khai thác cát dọc đoạn sông dài 5 km tại khu vực này với thời hạn kéo dài đến hết năm 2018. Điều đáng nói là ranh giới khai thác cát phân định giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng là giữa tim dòng sông. Ranh giới này dường như rất mong manh khi tàu hút cát từ nửa bên kia con sông vẫn ngang nhiên hút lấn sang nửa bên này sông. Khi có đoàn kiểm tra, chỉ cần “rút vòi”, lái tàu về phần sông bên kia là coi như “bình yên vô sự”. 
 
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đi dọc bờ sông Đồng Nai từ trung tâm xã Phước Cát 2 qua xã Phước Thái, đến xã Vĩnh Ninh (giáp Vườn Quốc gia Cát Tiên). Cả đoạn sông dài 10 km với hàng chục tàu hút cát “bày binh bố trận”. Dưới sông, tàu hút cát chiếc neo đậu sửa chữa, chiếc đang bơm cát lên bờ. Trên bờ, phía bên tỉnh Bình Phước, máy múc, xe cơ giới hoạt động tấp nập bên cạnh những đống cát cao chất ngất. Theo lời ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, chắc có lẽ hôm nay bị “động” vì “biết” có nhà báo đến nên tàu hút cát không hoạt động tấp nập như những ngày trước (?). “Ngày bình thường, tàu hút cát hoạt động rất tấp nập, có nơi cả 2, 3 tàu cùng chụm lại một vị trí để hút cát” - ông Nam cho biết. Dù không náo nhiệt như những ngày khác nhưng vẫn có vài chiếc tàu cát hoạt động trên đoạn sông dài. Suốt 10 km bờ sông thì chỉ có 5 km đoạn giáp ranh giữa xã Đăng Hà (tỉnh Bình Phước) với thôn Vĩnh Ninh (xã Phước Cát 2) được phía tỉnh Bình Phước cấp phép. 
 
Riêng đoạn này, mỗi ngày có từ 18 đến 20 tàu hút cát tập trung về đây hoạt động. Ðoạn còn lại thuộc thôn Phước Thái là không được cấp phép nhưng nhiều tàu hút cát vẫn lén lút hoạt động bất kể ngày đêm. Ðoạn này, do nhà dân ở cách xa bờ sông nên khó phát giác, họ chỉ biết có tàu hút cát “lậu” khi đất sản xuất sát bờ sông bị sạt lở. 
 
Điều đáng nói là dù trữ lượng khai thác theo giấy phép mà tỉnh Bình Phước cấp cho công ty là hơn 310.000 m 3 và công suất khai thác 40.000 m 3/năm nhưng trên thực tế, sản lượng khai thác vượt xa so với giấy phép. Trong quá trình khai thác cát, có khoảng 10 tàu lớn (công suất từ 80 - 120 m 3/tàu) của công ty được tỉnh Bình Phước cấp phép liên tục hút cát. Thậm chí, các tàu còn tổ chức khai thác vào ban đêm và lén lút hút cát sát bờ phía bên Lâm Đồng, mật độ các tàu khai thác quá gần nhau đã gây sạt lở cả hai bên bờ sông. Với mức độ và cường độ hoạt động như vậy thì sản lượng khai thác chắc chắn vượt xa so với giấy phép. Ông Đoàn Ngọc Nam cho biết: “Cấp phép là vậy nhưng không có đơn vị nào giám sát sản lượng khai thác nên các tàu cứ thỏa sức hút. Dù theo quy định thì tàu phải cách tàu 100 m nhưng có thời điểm tàu hút cát xuất hiện dày đặc. Vào mùa khô, vị trí tàu hút cát phải cách bờ 20 m nhưng quy định này thường bị các tàu phớt lờ hoặc lợi dụng lúc mùa mưa nước dâng cao để khai thác lấn sâu vào bờ. Thời gian hút thì bất kể ngày đêm”. 
 
Phát hiện sai phạm, UBND xã Phước Cát 2 đã tổ chức nhiều đợt truy bắt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Địa bàn xa, nhận được tin báo nhưng khi đến nơi thì tàu cát dư thời gian để “tẩu thoát”. Phương tiện hạn chế, thấy tàu cát ngang nhiên hút lấn chiếm thì chỉ biết “đứng nhìn”. Ngay cả khi có xuồng máy để tổ chức truy bắt thì mọi việc cũng không dễ dàng gì. “Có khi, xuồng máy của chúng tôi áp sát tàu hút cát rồi lên tàu để làm việc thì các đối tượng còn chở chúng tôi đi suốt đoạn sông dài 20 km về địa phận xã Đăng Hà (tỉnh Bình Phước). Đến đây, chúng tôi là lực lượng chức năng của xã Phước Cát 2 gồm chủ tịch xã, xã đội trưởng, trung đội trưởng dân quân, phó công an xã còn “bị” Công an xã Đăng Hà lập biên bản, lấy lời khai. Trong khi đó, tàu hút cát vi phạm lại không bị xử lý” - một cán bộ tham gia bắt tàu cát vi phạm kể lại.  
 
Ðất trôi sông, dân “nóng mặt”
 
Trong một buổi chiều cùng Chủ tịch xã Phước Cát 2 Đoàn Ngọc Nam đi dọc bờ sông thôn Vĩnh Ninh để ghi nhận tình hình sạt lở do hoạt động khai thác cát gây ra, hàng chục người dân đã bám theo chúng tôi để phàn nàn về tình trạng đất canh tác bị trôi sông. Ông Nam chia sẻ ông mất ăn mất ngủ vì tàu cát ngày đêm hoạt động gây sạt lở bờ sông, còn người dân thì cảm thấy “nóng mặt” vì sạt lở ngày càng nghiêm trọng nhưng phía đơn vị hút cát lại cứ phớt lờ. Không chỉ bờ sông thuộc địa giới tỉnh Lâm Đồng bị sạt lở mà bờ sông phía tỉnh Bình Phước còn sạt lở nghiêm trọng hơn.
 
Một đoạn bờ sông bị sạt lở, lấn sâu rộng vào phần đất của gia đình bà Ngô Thị Phú. Ảnh: H.S
Một đoạn bờ sông bị sạt lở, lấn sâu rộng vào phần đất của gia đình bà Ngô Thị Phú. Ảnh: H.S

Dù đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng bà Ngô Thị Phú (thôn Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2) vẫn chưa hết bức xúc khi chứng kiến mảnh đất trồng cỏ nuôi bò của gia đình bị trôi sông do tàu hút cát áp sát, khai thác ngày đêm. Quan sát thực tế, một đoạn bên bờ sông có chiều dài gần 50 m, bị sạt lở từ bờ sông vào gần 20 m, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 800 m 2. Bà Phú bức xúc: “Mấy lần tàu hút cát áp sát bờ để khai thác tôi xua đuổi nhưng không được. Giờ đất vườn bị sạt lở, họ nói sẽ đền bù cho gia đình tôi nhưng mấy lần thương lượng rồi vẫn không thành”. Cũng lâm vào cảnh tương tự, vườn cây trồng rộng hàng trăm mét vuông của gia đình ông Lục Văn Thành (thôn Vĩnh Ninh, xã Phước Cát 2) bị sạt lở xuống sông. Tuy nhiên, đến nay ông cũng chưa nhận được tiền đền bù xứng đáng. “Chúng tôi chỉ mong công ty hút cát đúng địa điểm được cấp phép. Còn nếu gây thiệt hại sạt lở đất cho người dân thì phải đền bù xứng đáng cho chúng tôi. Bản thân chúng tôi chỉ muốn giữ đất để canh tác, chứ cứ sạt lở thế này thì dù có đền bù chúng tôi cũng khó mua lại đất sản xuất để ổn định cuộc sống” - ông Thành chia sẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Minh lại có một lo lắng khác, đó là gia đình ông đã từng có bò bị rơi xuống sông khi đất bất ngờ sạt lở. Điều này khiến người dân rất lo lắng vì không biết khi nào mình bị rơi xuống sông khi đang làm vườn gần bờ sông.
 
Từ đầu năm đến nay, đã có 3 vị trí sạt lở mới xảy ra trên địa bàn thôn Vĩnh Ninh. Còn trong năm ngoái, theo thống kê của UBND xã Phước Cát 2, thôn Vĩnh Ninh có tổng số 28 vị trí sạt lở qua phần đất của 16 hộ với tổng diện tích sạt lở hơn 8.000 m 2. Còn tại thôn Phước Thái, có 14 vị trí bị sạt lở qua phần đất của 9 hộ dân với diện tích gần 4.500 m 2. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cát Tiên, một số tổ chức được cấp phép khai thác nhưng không thực hiện theo giấy phép, vi phạm trong hoạt động khai thác đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình tái phạm, gây bức xúc cho người dân và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. 
 
Để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tạm dừng khai thác cát dọc sông Đồng Nai nhằm đánh giá tình hình sạt lở và trữ lượng cát hiện có. UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước tạm dừng khai thác cát trong thời hạn 3 tháng mà các địa phương đã cấp phép cho các doanh nghiệp trên địa bàn giáp ranh dọc sông Đồng Nai. Về phía UBND huyện Cát Tiên cũng đã báo cáo và đề xuất thu hồi giấy phép đối với 2 doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện gây ra tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng là DNTN Xuân Hà và DNTN Xuân Trường. Hai doanh nghiệp này trong quá trình khai thác cát đã gây sạt lở hàng chục ngàn mét vuông đất của gần 200 hộ dân dọc bờ sông thuộc địa bàn các xã Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 1. Ngoài ra, còn có tình trạng doanh nghiệp mua đất nông nghiệp của người dân dọc bờ sông để khai thác cát sai mục đích sử dụng đất. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cát Tiên, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đối với hành vi vi phạm về công suất được khai thác chỉ mới dừng ở mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản, khắc phục ô nhiễm môi trường và hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra nhưng lại không quy định biện pháp xử lý tịch thu khối lượng cát khai thác vượt mức cho phép. Điều này gây khó khăn cho việc xử lý, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để khai thác vượt mức quy định.   
 
HỮU SANG