Mơ ước của "thời thanh xuân"

08:10, 05/10/2017

Dạo gần đây, báo đài, mạng xã hội lan truyền về một địa chỉ mới có cái tên rất lạ, đó là "Quán của thời thanh xuân": Nơi để người trẻ giữ lại "thanh xuân" của mình, nơi để người lớn tuổi tìm lại "thanh xuân" đã qua và để những người chưa tìm được tương lai tự tìm lấy hướng đi của cuộc đời qua những vấp ngã của "thời thanh xuân"…

Dạo gần đây, báo đài, mạng xã hội lan truyền về một địa chỉ mới có cái tên rất lạ, đó là “Quán của thời thanh xuân”: Nơi để người trẻ giữ lại “thanh xuân” của mình, nơi để người lớn tuổi tìm lại “thanh xuân” đã qua và để những người chưa tìm được tương lai tự tìm lấy hướng đi của cuộc đời qua những vấp ngã của “thời thanh xuân”…
 
“Bán” sự an nhiên…
 
“Ở đây, chúng tôi “bán” sự an nhiên, nhưng cũng có những lúc khó khăn cùng cực vậy mà vẫn phải suy nghĩ lạc quan. Hãy coi sự thất bại như những trải nghiệm, bạn cần nhìn về phía trước, nhận thức được mình ở vị trí nào và đừng trách cứ bản thân. Vì thời thanh xuân là sự nông nổi, tươi đẹp, bồng bột, là những những nhận thức non trẻ cho ta được phép phạm những sai lầm… đấy mới là thời thanh xuân”. Đó là những chia sẻ rất thật của anh Võ Thành Luân (30 tuổi), người sáng lập nên dự án “Nhà của thời thanh xuân”. Nhà của thời thanh xuân hướng tới giúp đỡ những bạn bị câm điếc đang trong độ tuổi thanh xuân (quãng thời gian đẹp nhất của đời người), có thể làm việc, tự tin trong giao tiếp, để có thể hòa nhập cùng cộng đồng. Mỗi thanh niên bị Điếc đến đây có hai năm để trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, rèn luyện tác phong làm việc, tích lũy vốn để sau này có thể tự lập. Quán của thời thanh xuân ra đời nhằm tạo dựng cho các bạn người Điếc của nhà có một không gian, một phương tiện để giao lưu, trao đổi, chia sẻ và học hỏi từ thế giới xung quanh - một thế giới muôn âm thanh, triệu tiếng động mà chưa một lần họ trải lòng mình để tiếp nhận. 
 
“Thời thanh xuân” được xây dựng nên từ chính những biến cố trong cuộc đời của Thành Luân (chủ dự án) khi nhận thấy một sự thiếu công bằng trong xã hội khi có một đứa bé trộm phần ăn nhanh trên tay của Luân và đã bị bạn của anh đánh. Vậy mà mặc kệ tất cả đớn đau, cậu bé ấy chỉ biết một tay ôm đầu, một tay cầm phần ăn và ăn ngấu nghiến. Từ đó, một suy nghĩ hiện lên trong đầu của chàng trai trẻ, khi ấy mới chỉ tròn 25 tuổi rằng: “Người giỏi thì mãi giỏi, người giàu thì mãi giàu, còn những người yếu thế thì vẫn cứ chịu những bất hạnh trong cuộc sống hàng ngày. Vậy mình giỏi để làm gì, trong khi mình không thể giúp những người yếu thế ấy tìm được những hạnh phúc bình dị nhất?”.
 
Cơ duyên đưa chàng trai trẻ làm việc với những người Điếc, đó là Luân được trải qua cuộc khảo nghiệm thú vị về “30 ngày im lặng”. Và rồi, anh nhận thấy thật ra sự im lặng cũng khá dễ chịu, bản thân lại có thời gian được sống chậm lại để ngắm nhìn mọi thứ đang diễn ra xung quanh và tận hưởng những phút giây sống cho bản thân mình. Dự án “Nhà của thời thanh xuân” ra đời từ đó. Nhưng quả thật, từ ý tưởng đến hiện thực luôn có những trải nghiệm khó khăn và đầy nước mắt. Thành Luân chia sẻ: “Đã có những lúc Luân bất lực vì chính rào cản ngôn ngữ ký hiệu, sự nhận thức của đôi bên khác nhau (một bên người Nói - một bên người Điếc). Vậy nhưng Luân vẫn luôn hướng đến một ước mơ, đó là toàn bộ người tại “Nhà của thời thanh xuân”, đặc biệt là những người yếu thế đều được đi ra nước ngoài giống bao người có cơ hội khác”. Và cũng vì lẽ đó, Nhà của thời thanh xuân chính là nơi tạo cho các bạn một nguồn động lực viết tiếp ước mơ, xây dựng hoài bão và tìm lại chính mình. Còn Quán của thời thanh xuân sẽ là nơi các bạn Điếc thực hiện cụ thể hóa những ước mơ đó qua việc dạy cho người Nói và khách đến đây cách học ngôn ngữ ký hiệu, cách làm xà phòng, tinh dầu, pha trà, làm các sản phẩm thủ công. Ngược lại, những người Nói và khách sẽ chỉ lại cho các bạn Điếc những kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp xã hội, một số nghề như nấu ăn, pha chế, trồng rau, cách ủ phân hữu cơ,… Một nơi mà giữa những người Điếc và người Nói không có bất kỳ một rào cản. Để rồi, khi mỗi người bước ra khỏi “thời thanh xuân” thì điều họ lưu lại trong tâm hồn, cuộc sống của người ở lại là những giá trị của sự giao tiếp, kinh nghiệm, kỹ năng được giao thoa với nhau và điều đó sẽ mãi không phai dần đi theo năm tháng. Bạn Nguyễn Trần Thủy Tiên (một người Điếc hiện đang sống tại Nhà) tâm sự về Nhà bằng ngôn ngữ ký hiệu và thông qua “phiên dịch” của bạn tình nguyện viên rằng: “Nhà thanh xuân là nơi tạo cơ hội cho người Điếc tin tưởng vào năng lực của mình. Mình thấy Nhà rất dễ thương và mình luôn yêu thương tất cả mọi người ở nhà. Mọi người đều thân thiện, vui vẻ và chúng mình chia sẻ cuộc sống với nhau”.
 
Những người Điếc và người Nói ở Nhà/Quán của thời thanh xuân nghĩ rằng họ đã “bán” đi sự an nhiên và “mua” lấy sự yêu thương của mọi người. Nhưng, chính họ đã trao cho mỗi người khi đến với Nhà một lòng tin yêu, một sự tử tế, sự biết lắng nghe và cảm nhận chính tiếng nói từ trong tâm hồn mình. 
 
Lan tỏa “thời thanh xuân”
 
Tối ngày 19/9, tin vui bay về từ Indonesia khi nhóm thi của Nhà đã đoạt giải 2 cuộc thi ASEAN Young SocialPreneurs Program2017 (Chương trình Doanh nghiệp Xã hội trẻ ASEAN) và 3 giải phụ l: Giải nhóm thân thiện nhất, Giải nhóm được yêu thích nhất và Giải nhóm có màn trình diễn ấn tượng nhất (cùng 3 nhóm khác đến từ Việt Nam). Nguyễn Thị Thanh Vy chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi được cùng 2 bạn nữa là Đoàn Phương Anh và Lê Thị Thu Trang, đại diện cho Nhà đưa dự án “Nhà và Quán của thời thanh xuân” ra đấu trường quốc tế. Vy cùng các bạn mang những giá trị mà dự án thực tế tại Đà Lạt đã, đang và sẽ làm để giúp Nhà phát triển hơn nữa. Đó là tất cả mọi thứ liên quan đến Nhà của thời thanh xuân, từ con người (Nói và Điếc) cho đến sản phẩm của Nhà là cây cối, con vật, không gian sống, những sản phẩm thủ công,…Tại cuộc thi này, nhóm thi của Nhà đã tham gia 2 vòng thi đều là thuyết trình về dự án. Ngoài ra, các bạn còn được tham gia các buổi tọa đàm, trao đổi, thực hành những kỹ năng, kiến thức để hiểu hơn về doanh nghiệp xã hội. Vy chia sẻ rằng: “Đó chính là nguồn động lực để tiếp thêm ngọn lửa đam mê theo suốt hành trình mang lại niềm vui cho những người yếu thế”. 
 
Và rồi, Vy say sưa kể những câu chuyện còn nằm phía sau phần thi của nhóm. Xúc động hơn cả, khi Thu Trang (bạn người Điếc duy nhất trong đội) được nhóm lựa chọn tự đứng một mình thuyết trình trước cuộc thi về Nhà của thời thanh xuân. Bằng tất cả tình cảm và niềm tự hào của mình, Trang đã chứng tỏ, dù bạn là người Điếc thì bạn vẫn có thể tự mình nói lên suy nghĩ của bản thân, tự dùng ngôn ngữ của mình để diễn đạt những điều đó, và tất nhiên đều được mọi người công nhận.
 
Trở lại Quán của thời thanh xuân vào một buổi tối Đà Lạt lạnh hơn do trận mưa cuối ngày, điều an nhiên nhất đang dần lan tỏa đó chính là âm thanh của tự nhiên vọng lên từ “thời thanh xuân”: tiếng nước chảy, ếch kêu, tiếng vài giọt nước mưa còn đọng lại rớt trên mái nhà. Hơn hết cả, ở đó có âm thanh từ tâm hồn của các bạn Điếc, có sức sống mãnh liệt của “thời thanh xuân”, có cả những trái tim luôn rộng mở đón chào tâm hồn đồng điệu, cảm thông...
 
MINH LÂN - THÙY LINH