Thiếu sân trường, học sinh phải ra đường học thể dục

08:10, 03/10/2017

Tuy trường lớp đã được đầu tư khang trang, nhưng vì thiếu sân bãi do diện tích sân trường quá nhỏ hẹp nên suốt 2 năm qua, hơn 500 học sinh phải "bất đắc dĩ" ra đường căng dây học thể dục. Câu chuyện "thật như đùa" này đã và đang diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh).

Tuy trường lớp đã được đầu tư khang trang, nhưng vì thiếu sân bãi do diện tích sân trường quá nhỏ hẹp nên suốt 2 năm qua, hơn 500 học sinh phải “bất đắc dĩ” ra đường căng dây học thể dục. Câu chuyện “thật như đùa” này đã và đang diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh).
 
Suốt 2 năm qua, hơn 500 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ phải học thể dục ngoài đường. Ảnh: Hải Đường
Suốt 2 năm qua, hơn 500 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ phải học thể dục ngoài đường. Ảnh: Hải Đường

Học thể dục ngoài đường
 
Trường THPT Nguyễn Huệ được thành lập vào năm 2005. Hiện, trường có 14 phòng học được xây dựng kiên cố 1 trệt 1 lầu và khu hiệu bộ khang trang trên tổng diện tích 7.500 m 2. Đây là một trong những ngôi trường vùng sâu của huyện Di Linh phục vụ cho nhu cầu học tập của con em 3 xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng. Từ khi thành lập đến nay, số học sinh của trường luôn dao động từ 450 - 550 học sinh. Dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên khoảng 750 học sinh. Diện tích quỹ đất hiện tại của Trường THPT Nguyễn Huệ là quá nhỏ so với quy mô của một trường THPT. 
 
Thực tế cho thấy, sân trường của Trường THPT Nguyễn Huệ quá chật hẹp không thể đáp ứng nhu cầu học tập các môn thực hành như thể dục và quốc phòng. Ngoài ra, sân trường quá nhỏ cũng làm ảnh hưởng tới việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường.
 
Thời điểm chúng tôi có mặt và được chứng kiến hình ảnh “thật như đùa” khi thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ đang phải căng dây phân luồng học thể dục trên một tuyến đường liên thôn ngay trước cổng trường. Thầy giáo Cao Xuân Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, học sinh của trường ngày một tăng lên theo từng năm học. Trong khi đó, diện tích sân trường là quá nhỏ không thể đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của hơn 500 học sinh. Với diện tích còn lại, nếu học sinh học thể dục, quốc phòng ngay trong sân trường sẽ gây ồn ào làm ảnh hưởng tới các lớp đang học môn văn hóa. Vì vậy, 2 năm trở lại đây, nhà trường phải “bất đắc dĩ” cho học sinh ra đường học thể dục, quốc phòng. Vẫn biết để học sinh học thể dục ngoài đường là không đảm bảo an toàn giao thông, nhưng hiện nhà trường không còn cách nào khác”.
 
Theo thầy giáo K’Tâm, dạy môn thể dục Trường THPT Nguyễn Huệ thì hàng ngày, việc thầy và trò phải ra đường dạy và học môn thể dục không những không đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. “Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trong mỗi tiết học, chúng tôi đã cho căng dây phân đường và cắt cử học sinh thay nhau canh gác. Việc này cũng được người dân hiểu và thông cảm nên mỗi lần đi xe máy qua họ đều chạy chậm lại. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xảy ra va chạm nhẹ với học sinh. Điều này cho thấy, việc phải học thể dục ngoài đường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và không đảm bảo chất lượng” - thầy K’Tâm cho biết thêm.
 
Cần mở rộng sân trường
 
Trước những khó khăn về điều kiện sân bãi, Trường THPT Nguyễn Huệ đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xin chủ trương mở rộng diện tích trường. Thầy giáo Phạm Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay: “Thời gian qua, nhà trường đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng liên quan và UBND huyện Di Linh về việc thiếu quỹ đất không đủ để học sinh học thể dục, quốc phòng và sinh hoạt ngoại khóa. Hiện, UBND huyện Di Linh đã có quy hoạch thêm hơn 1 ha để nhà trường mở rộng diện tích sân trường. Tuy nhiện, do chưa có kinh phí để tiến hành công tác đền bù, giải tỏa nên chưa thể triển khai. Hiện tại, việc thiếu thốn các trang thiết bị dạy học thì nhà trường có thể cân đối, khắc phục. Còn việc thiếu sân bãi thì nằm ngoài khả năng của nhà trường”.
 
Theo tìm hiểu của tôi, sau khi nhận được kiến nghị về những khó khăn mà Trường THPT Nguyễn Huệ đang gặp phải, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cùng UBND huyện Di Linh đã tiến hành họp bàn tìm hướng giải quyết. Song, đến nay, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 10A4 (Trường THPT Nguyễn Huệ) chia sẻ: “Khác với các môn học khác, thể dục, quốc phòng là những môn học thực hành mang tính đặc thù phải học ngoài trời và cần không gian rộng để thực hiện các động tác. Vì vậy, sân trường quá chật hẹp không thể đáp ứng nhu cầu học tập của chúng em. Tuy nhiên, việc phải học ngoài đường như hiện tại đẩy bọn em vào tình cảnh “vừa học vừa lo” nên chúng em cảm thấy rất bất an. Chúng em mong muốn có được sân bãi phù hợp để học tập tốt hơn”.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Hùng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Di Linh cho biết: “Sau khi tiếp nhận kiến nghị của Trường THPT Nguyễn Huệ, UBND huyện Di Linh đã mời Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cùng chính quyền địa phương nơi Trường THPT Nguyễn Huệ đóng chân (xã Tân Lâm) để họp bàn tìm hướng giải quyết. Các bên đều thống nhất đề xuất của Trường THPT Nguyễn Huệ là chính đáng cần được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại, địa phương chưa có kinh phí để tiến hành phương án đền bù, giải tỏa. Chính vì vậy đến nay, đề xuất của nhà trường vẫn chưa được thực hiện”.
 
Được biết, để tiến hành công tác đền bù, giải tỏa mở rộng diện tích quỹ đất, Trường THPT Nguyện Huệ cần nguồn vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Thiết nghĩ, trước tình trạng học sinh phải ra đường học thể dục kéo dài suốt 2 năm qua đang gây nên những bất cập cần có hướng giải quyết. Vì vậy, về lâu dài, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có phương án giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Trường THPT Nguyễn Huệ nhằm đảm bảo nhiệm vụ dạy và học của Nhà trường.
 
HẢI ÐƯỜNG