Các dự án mất đất, rừng ở Ðức Trọng (kỳ 1)

08:10, 30/10/2018

Chỉ nội trong một dự án cho doanh nghiệp thuê đã có gần 50% diện tích đất rừng bị phá và lấn chiếm. Và, cho dù toàn bộ dự án có bị thu hồi nhưng hệ quả để lại đó là "những gì lấy đi của rừng liệu có trả lại rừng" như hiện trạng trước khi cho thuê? 

[links()]
LTS: Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi dự án đầu tư liên quan đến đất lâm nghiệp với diện tích rừng bị phá và lấn chiếm lên tới cả 100 ha. Chưa dừng lại ở đó, đi sâu tìm hiểu các dự án được giao, thuê đất lâm nghiệp tại Ðức Trọng mới hay, có hàng loạt dự án để mất rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng.
 
“Quản lý, bảo tồn” rừng nhưng mất rừng 
 
Chỉ nội trong một dự án cho doanh nghiệp thuê đã có gần 50% diện tích đất rừng bị phá và lấn chiếm. Và, cho dù toàn bộ dự án có bị thu hồi nhưng hệ quả để lại đó là “những gì lấy đi của rừng liệu có trả lại rừng” như hiện trạng trước khi cho thuê? 
 
Đường để lâm tặc chở gỗ. Ảnh: H.Y
Đường để lâm tặc chở gỗ. Ảnh: H.Y

Phá, lấn chiếm hơn 100 ha
 
Đó là dự án do Công ty TNHH SX - TM Hồng Thuận Đức Trọng, huyện Đức Trọng (gọi tắt là Công ty Hồng Thuận) thuê đất lâm nghiệp để thực hiện đầu tư  dự án “Quản lý, bảo tồn - đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp và tham quan giải trí” - sau đây gọi là Dự án - theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp vào cuối năm 2008 và điều chỉnh giấy chứng nhận thay đổi vào tháng 9 năm 2011. Mục tiêu Dự án này đề ra: Xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp phục vụ du khách trong và ngoài nước; đầu tư khu công viên động thực vật hoang dã phục vụ tham quan nghiên cứu; xây dựng khu vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại; đầu tư khu công viên các loại lan đặc trưng của vùng Lâm Đồng - Đà Lạt phục vụ kinh doanh và phục vụ du khách tham quan du lịch. Quy mô diện tích đất thực hiện Dự án 279,79 ha; trong đó, ngoài diện tích đất xây dựng công trình kiến trúc, giao thông, công trình không mái che và đất công viên thực vật 13,84 ha; còn lại 149,85 ha là đất rừng hiện hữu và trồng mới rừng. Tổng vốn đầu tư Dự án 140 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2008 - 2013, hoàn thiện Dự án và đưa vào hoạt động vào năm 2013. Đáng chú ý, trong diện tích được phép xây dựng các hạng mục, công trình, mật độ xây dựng các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng chỉ chiếm 1,8% và tầng cao không quá 1 tầng. Toàn bộ Dự án này nằm trên đất lâm nghiệp thuộc các khoảnh 1, 2, 3, 4… Tiểu khu 267C lâm phần xã Hiệp An, Đức Trọng. 
 
Theo như giấy chứng nhận đầu tư, Dự án “vẽ ra” bức tranh nhiều gam màu vừa đầu tư “quản lý, bảo tồn” vốn rừng, vừa “xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp” nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, còn tiến hành trồng mới 12,24 ha rừng, bổ sung vào vốn rừng phải bảo vệ hiện có. Thế nhưng, sau 10 năm tiến hành thực hiện Dự án, đến nay đã chậm “hoàn thiện và đưa vào hoạt động” 5 năm so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Đã thế  còn “để rừng bị phá, khai thác lâm sản trái phép”… dẫn đến mất rừng, còn đất lâm nghiệp thì bị lấn chiếm. 
 
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, qua kết quả rà soát hiện trạng đất, tài nguyên rừng trên diện tích đầu tư dự án của Công ty Hồng Thuận, tại nội khu Dự án được  giao đất lâm nghiệp, có tới 4 khoảnh trong Tiểu khu 267C bị phá và lấn chiếm đất lâm nghiệp, với tổng diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lên đến 111,2 ha. Trong đó, diện tích rừng bị phá là 101,16 ha; diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 10,04 ha. Bên cạnh đó, kéo theo một lượng lớn lâm sản bị thiệt hại với khối lượng lên tới  gần 27.522 m3 gỗ các loại. Căn cứ vào quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định 2055/QĐ - UBND ngày 30/9/2014 của UBND tỉnh, diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nêu trên tại Dự án do Công ty Hồng Thuận đầu tư thuộc đất quy hoạch đất lâm nghiệp, đối tượng rừng sản xuất là 111 ha và chỉ có duy nhất 0,2 ha nằm ngoài quy hoạch. 
 
Phủ xanh cà phê   
 
Cũng như các trường hợp phá rừng và lấn chiếm đất rừng khác, ngoài mục đích thu lợi từ tài nguyên rừng còn là vấn đề “chiếm đất” để sản xuất nông nghiệp bất hợp pháp biểu hiện ở Dự án này. Ngay sau khi dự án bị thu hồi, mới đây nhận được thông tin phản ảnh của nhiều người dân, chúng tôi thâm nhập vào bên trong Dự án.  Chỉ cần đi vào vài chục mét đã có thể nhận ra cảnh rừng đã bị đốn hạ không thương tiếc. “Nhìn từ Quốc lộ 20 lên trông có vẻ rừng vẫn còn xanh, nhưng nếu đi sâu vào trong lõi của rừng thì chỉ còn thấy đất trống và cà phê của người dân mọc lên. Hễ trong rừng ở đâu có đường mòn là ở đó có cà phê của người dân” - ông Nguyễn Hồng Tư, Bí thư Chi bộ thôn Định An nói. 
 
Ông Tư cũng cho biết thêm: Sau khi rừng ở đây được giao cho Công ty Hồng Thuận, do quản lý không được nên để xảy ra phá rừng âm ỉ nhiều năm, lâm tặc phá ngày đêm, có hôm về đêm 5 - 7 máy cưa vào triệt hạ rừng, một đêm có thể “gọt”  cả 5 sào đất, rồi dùng máy cày để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Cũng nghe thông tin là những người phá rừng được công ty “bật đèn xanh” để phá, công nhân tại công ty làm ngơ cho lâm tặc phá rồi họ chia nhau lấy đất bán cho người dân. Là người ở địa phương, nhìn cảnh rừng bị tàn phá mà mình xót lắm.
 
Ông Nguyễn Hồng Tư xót xa nhìn những cánh rừng bị xà xẻo để trồng cà phê. Ảnh: H.Y
Ông Nguyễn Hồng Tư xót xa nhìn những cánh rừng bị xà xẻo để trồng cà phê. Ảnh: H.Y

Xót xa lắm! Quả đúng như ông Tư tỏ bày cảm xúc bởi chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi trên diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép hiện đã được thay thế bởi một màu cà phê bạt ngàn. Điều đáng nói là tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp để trồng cà phê diễn ra trong nhiều năm để đến bây giờ từ một Dự án “quản lý, bảo tồn” rừng đã có hơn 100 ha cà phê và hoa màu các loại phủ xanh trên đất lâm nghiệp. Cụ thể, thống kê của cơ quan chức năng chỉ ra, trên diện tích rừng bị phá hiện có 70,75 ha cà phê trồng trước năm 2013; 25,44 ha cà phê trồng từ năm 2014 - 2016; 4,33 ha cà phê trồng trong năm 2017, 2018 và 2,8 ha hoa màu… Theo một số người dân ở đây, hiện nay, có nhiều người dùng “thủ thuật” để biến đất mới phá thành đất rẫy cà phê, đó là  mua cây cà phê đã cho ra hoa, trái về trồng xuống để “biến” đất rừng  thành cà phê đã trồng được 2 đến 3 năm tuổi. Chúng tôi giả dạng người mua đất cà phê thì được người dân  cho biết, 1 ha cà phê có giá dao động từ 380 triệu đồng đến 450 triệu đồng tùy đất xấu, đẹp và có nước tưới. Khi được hỏi giấy tờ như thế nào, thì được trả lời là đất rừng làm gì có giấy tờ, chỉ là giấy viết tay…
 
Ông Trương Quang Tùng, Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết, tình trạng phá rừng ở Tiểu khu 267C diễn ra rất phức tạp nhưng lực lượng ở xã quá mỏng. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng để tổ chức truy quét thế nhưng lâm tặc rất tinh quái, chỉ nghe có động là trốn biệt tích. 
 
Dẫu lâm tặc có tinh vi đến đâu, với diện tích rừng bị phá và lấn chiếm của Dự án rất lớn, kéo dài trong nhiều năm thực sự đặt ra câu hỏi về việc quản lý dự án thuê đất lâm nghiệp của cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây đối với chủ rừng là Công ty Hồng Thuận. Từ việc để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1632/QĐ - UBND về việc “thu hồi đất đã cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Thuận Đức Trọng thuê tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng và giao cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. 
 
Câu hỏi đặt ra là “những gì lấy đi của rừng liệu có trả lại rừng” như xưa từ Dự án này? 
 
Kỳ 2: Các dự án “ăn” đất, rừng 
 
HOÀNG YÊN