Các dự án mất đất, rừng ở Ðức Trọng (kỳ 2)

09:10, 31/10/2018

Không chỉ dừng lại ở việc để mất rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Thuận, nhiều dự án khác được giao, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn Ðức Trọng cũng đang rơi vào thảm cảnh rừng và đất rừng bị xà xẻo. 

[links()]
Dự án “ăn” đất, rừng
 
Không chỉ dừng lại ở việc để mất rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Thuận, nhiều dự án khác được giao, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn Ðức Trọng cũng đang rơi vào thảm cảnh rừng và đất rừng bị xà xẻo. 
 
Hàng loạt rừng của các dự án cho thuê đất rừng ở Đức Trọng bị tàn phá. Ảnh: H.Y
Hàng loạt rừng của các dự án cho thuê đất rừng ở Đức Trọng bị tàn phá. Ảnh: H.Y

Những cánh rừng “đổ máu”
 
Trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, ken cây, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên diện tích đã cho các đơn vị thuê rừng. 
 
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Trọng có 28 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng với diện tích khoảng 6.667 ha. Trong đó, có 10 dự án thực hiện đầu tư trồng rừng kinh tế với diện tích 3.255 ha; 12 dự án đầu tư du lịch sinh thái với diện tích thuê 2.739 ha, 5 dự án sản xuất nông lâm kết hợp có diện tích thuê 652 ha và 1 dự án khác. 
 
Đối với các dự án sản xuất nông lâm kết hợp, hiện có 4 dự án hoàn thành, còn lại 1 dự án chậm triển khai. Qua đó, trong thời gian được giao, thuê rừng và đất lâm nghiệp, tại các dự án này đã để xảy ra tình trạng phá rừng trên diện tích 9,4 ha với trữ lượng gỗ thiệt hại 140 m3 gỗ và gần 2,2 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.  
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, tại các dự án trồng rừng kinh tế, từ khi giao dự án đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2018, ghi nhận có 5 trong số 10 dự án chậm triển khai. Việc chậm triển khai dĩ nhiên là không đảm bảo đúng tiến độ theo giấy phép đầu tư, nhưng cái mất lớn hơn là các dự án trồng rừng kinh tế lại để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. 
 
Cụ thể, rừng thuộc các dự án kinh tế bị khai thác trái phép làm thiệt hại 356 m 3 gỗ, 74 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và phá rừng trái phép với diện tích 91 ha, gây thiệt hại trữ lượng gỗ 8.162 m 3. Các dự án đầu tư du lịch sinh thái có tới gần 255 ha rừng bị phá trái phép với trữ lượng gỗ thiệt hại lên tới 14.147 m 3 và 97 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Hãy thử hình dung, với lượng gỗ rừng bị triệt phá trái phép tại các dự án nêu trên, nếu chỉ quy đổi theo giá gỗ hiện tại, đơn cử, với giá gỗ thông tròn thông thường, giá khoảng 3 triệu đồng/m 3, thì với số lượng gỗ bị khai thác như đã nêu ở trên gây thiệt hại cho Nhà nước đến gần 68 tỷ đồng, đó là chưa kể môi trường sinh thái rừng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là, trước số lượng diện tích rừng bị phá trái phép cũng như đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã phủ xanh màu cà phê, hoa màu, nhưng ngành Kiểm lâm huyện chỉ mới lập biên bản hành chính đối với 3 doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng với số tiền xử phạt 46,5 triệu đồng cho các hành vi vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, phá rừng trái phép, vi phạm các quy định về khai thác gỗ. Một con số nhỏ như muối bỏ biển so với vi phạm được kiểm đếm sau khi rà soát.  
 
Ðề nghị thu hồi
 
Trong số 28 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng, có đến 12 dự án rơi vào tình trạng xin gia hạn hay chậm tiến độ triển khai. Không chỉ chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư, nhiều dự án còn “rề rà” trong việc bồi thường tài nguyên rừng. Ghi nhận của UBND huyện Đức Trọng cho thấy, có 16 doanh nghiệp phải thực hiện bồi thường tài nguyên rừng vì để rừng bị khai thác, bị phá mà không phát hiện ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt hơn, rừng bị phá và khai thác nhưng chủ rừng không hề trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết. Tổng số tiền mà 16 doanh nghiệp trên phải bồi thường là gần 42,3 tỷ đồng; tính đến cuối năm 2017, mới chỉ có 7 doanh nghiệp chấp hành nộp tiền bồi thường với số tiền gần 406 triệu đồng. 
 
Qua rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất, rừng của các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp của huyện Ðức Trọng, nhận định chung của UBND huyện Ðức Trọng là: Các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp đa phần chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy. Còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp, nguyên nhân được chỉ ra là do chủ đầu tư bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa hợp lý; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn đối tượng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép.
 
Thông bị cưa hạ một cách không thương tiếc. Ảnh: H.Y
Thông bị cưa hạ một cách không thương tiếc. Ảnh: H.Y

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, trong những năm qua, huyện Đức Trọng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tổ chức thuê đất, thuê rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, địa phương cũng đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại rừng... Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ rừng, phát triển rừng và tiến độ triển khai dự án trên diện tích quản lý. “Một số doanh nghiệp còn không có người điều hành trực tiếp tại khu dự án; bố trí lực lượng bảo vệ rừng không phù hợp so với diện tích rừng quản lý, bảo vệ; thiếu chuyên môn nghiệp vụ về lâm nghiệp; chưa có văn phòng đại diện đóng trên địa bàn được thuê đất, do đó công tác phối hợp kiểm tra gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng ken cây, chích thuốc hủy hoại rừng, phá rừng làm rẫy, khai thác, lấn chiếm vẫn còn xảy ra mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, cũng như phối hợp với các ban, ngành xác lập hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Văn Trung đánh giá.
 
Từng là trưởng đoàn rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất, rừng của các dự án,  ông Nguyễn Xuân Vinh - Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đức Trọng cho hay: Các dự án cho thuê đất rừng trên địa bàn huyện đều do UBND tỉnh cấp giấy phép, các công ty cũng chỉ làm việc trực tiếp với sở, ngành có liên quan trên tỉnh mà không thông qua huyện. Về mặt quản lý nhà nước, vì rừng nằm trên diện tích đất của huyện nên chúng tôi chỉ tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án.
 
UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ để bảo vệ rừng. Mặt khác, sau khi rà soát, UBND huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 4 dự án. Lý do UBND huyện Đức Trọng đề nghị thu hồi các dự án trên cụ thể như sau: Đối với Công ty Cổ phần Quốc An là không đảm bảo năng lực tài chính, sau khi được gia hạn không có sự chuyển biến trong đầu tư, để rừng bị phá 31 ha, đất bị lấn chiếm 21 ha trong tổng số đất thuê 137 ha, trong đó có tới 89 ha đất có rừng. 
 
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm, đã để phá rừng trái phép 48 ha trong tổng số 320 ha được cho thuê; ngoài ra, chủ đầu tư không rà soát, phân loại cụ thể những diện tích cà phê lâu năm và những diện tích cà phê sau năm 2011 để xây dựng phương án và tổ chức lực lượng phối hợp với các ban, ngành chức năng giải tỏa và trồng lại rừng; đồng thời, không chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng. Còn Công ty TNHH Huỳnh Vũ được giao 78 ha nhưng để lấn chiếm 23 ha mà chưa thực hiện giải tỏa.
 
Ngoài những dự án UBND huyện Đức Trọng kiến nghị thu hồi còn có dự án của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt, ngoài thiếu vốn đầu tư, chậm tiến độ triển khai dự án còn để rừng bị phá 18 ha, đất bị lấn chiếm 16 ha trong số 268 ha doanh nghiệp thuê. Nghiêm trọng hơn, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh đã để 140 ha rừng bị phá và 26 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong tổng diện tích 420 ha đất rừng và rừng cho thuê. 
 
“Vấn đề nhức nhối hiện nay là trước thời điểm quy định của pháp luật về ký quỹ khi doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất được triển khai có khá nhiều dự án sau khi bị thu hồi còn đang nợ tiền khắc phục môi trường rừng. Và, trên thực tế chủ dự án đã “bỏ của chạy lấy người” mà không có một tí trách nhiệm nào với địa phương”, ông Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ.
 
Ông Vinh cũng nêu ý kiến, với mỗi dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, các cơ quan quản lý và đơn vị liên quan cần thẩm định tính khả thi của dự án, mục tiêu và khả năng tài chính của chủ dự án. Còn những địa phương có dự án cho thuê đất rừng phải kịp thời báo cáo, kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án không triển khai, không thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, không đầu tư dự án đúng tiến độ, để các dự án không còn “ăn” đất rừng.
 
HOÀNG YÊN