Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm

08:06, 03/06/2019

Theo Ban Chỉ đạo về Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2019 (từ 15/4 -15/5), toàn tỉnh đã thành lập 162 đoàn kiểm tra, trong đó: tuyến tỉnh 1 đoàn, tuyến huyện và thành phố 14 đoàn và tuyến xã, phường, thị trấn có 147 đoàn. 

Theo Ban Chỉ đạo về Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2019 (từ 15/4 -15/5), toàn tỉnh đã thành lập 162 đoàn kiểm tra, trong đó: tuyến tỉnh 1 đoàn, tuyến huyện và thành phố 14 đoàn và tuyến xã, phường, thị trấn có 147 đoàn. 
 
Đoàn kiểm tra thức ăn chế biến tại một nhà hàng ở Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên
Đoàn kiểm tra thức ăn chế biến tại một nhà hàng ở Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên
 
Các đoàn đã tiến hành kiểm tra ATTP tại 4.037 cơ sở trên tổng số gần 18.000 cơ sở thực phẩm thuộc 4 loại hình: sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả có 3.399 cơ sở đạt (chiếm 84,2%) và 638 cơ sở vi phạm ATTP (chiếm 15,8%), phạt tiền 13 cơ sở vi phạm ATTP hơn 41,7 triệu đồng. Có 42 cơ sở bị tiêu hủy 19 loại sản phẩm, nhắc nhở 623 cơ sở vi phạm và chuyển hồ sơ 2 cơ sở vi phạm sang cơ quan khác xử lý.
 
Nội dung vi phạm chủ yếu là: điều kiện về con người (407 cơ sở); điều kiện trang thiết bị dụng cụ (269 cơ sở); ghi nhãn thực phẩm (22 cơ sở); chất lượng sản phẩm thực phẩm (20 cơ sở); vi phạm khác (điều kiện vệ sinh, giấy tờ, sổ sách liên quan ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) có 44 cơ sở.
 
Các đoàn kiểm tra đã lấy 23 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu hóa lý tại labo cho kết quả đều đạt 100%, xét nghiệm nhanh 127 mẫu đều đạt 100%. Trong Tháng hành động, Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh ATTP tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 134 người mắc, nguyên nhân do yếu tố ô nhiễm vi sinh. 
 
Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về ATTP trong Tháng hành động vì ATTP, các đơn vị đã tổ chức 193 buổi nói chuyện, hội thảo; mở 5 lớp tập huấn ATTP cho 423 người; phát thanh trên loa đài 630 lượt; treo 189 băng rôn khẩu hiệu, cấp phát 30.000 tờ gấp… 
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh đánh giá kết quả Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn tỉnh: Công tác đảm bảo ATTP đã được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền và toàn xã hội, các địa phương đều xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trong dịp Tháng hành động. Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP được chú trọng triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: truyền thông trên hệ thống đài truyền thanh truyền hình tỉnh, huyện, loa phát thanh các xã; phát băng rôn, tờ rơi và lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn trong các đợt kiểm tra giúp người sản xuất và kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại ở một số cơ sở thực phẩm chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP: chưa thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức về vệ sinh ATTP cho người lao động (chiếm 10,1%); chưa đảm bảo điều kiện trang thiết bị, dụng cụ (7,2%); không có hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng đã hết hạn; chưa có sổ sách, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra trên địa bàn với số người mắc lớn. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý còn ít (1,9% số cơ sở vi phạm). Phần lớn các vi phạm được các đoàn kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở.
 
Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh kiến nghị đối với UBND, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các huyện, thành phố cần kiện toàn lại Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP đối với các địa phương có sự thay đổi về nhân sự, đảm bảo đúng theo hướng dẫn tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Ổn định cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương, đặc biệt đối với phòng y tế (cơ quan thường trực về ATTP) phải ưu tiên bố trí bác sĩ phụ trách công tác chuyên môn. Sắp xếp, bố trí nhân sự làm công tác ATTP tại địa phương đảm bảo ổn định, đủ số lượng, được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn phù hợp. Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý (cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn).
 
Đối với Sở Y tế, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn việc lập dự toán và sử dụng kinh phí cho các tuyến trong xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để phục vụ cho công tác quản lý ATTP tại địa phương. 
 
Đối với các cơ quan quản lý về ATTP: Tăng cường công tác quản lý và phối hợp trong quản lý về ATTP giữa các cơ quan chức năng các cấp. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP các cấp, các ngành. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức, pháp luật về ATTP. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền cho các nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức, thực hành về ATTP cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và biết chọn lựa sản phẩm thực phẩm an toàn… Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm về ATTP. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở phải áp dụng các hình thức xử lý đối với các cơ sở tái phạm, nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo ATTP; đưa thông tin kết quả kiểm tra các cơ sở thực phẩm lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chọn lựa hàng hóa tại các cơ sở đảm bảo ATTP. Bổ sung kinh phí cho các đoàn kiểm tra liên ngành các tuyến huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn.
 
AN NHIÊN