Xây dựng mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

08:06, 05/06/2019

Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có giảm song vẫn còn xảy ra trong vùng DTTS tại các địa phương trong tỉnh. Kế hoạch của tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng 8 mô hình điểm trong vùng DTTS và các trường dân tộc nội trú. 

Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có giảm song vẫn còn xảy ra trong vùng DTTS tại các địa phương trong tỉnh. Kế hoạch của tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng 8 mô hình điểm trong vùng DTTS và các trường dân tộc nội trú. 
 
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng DTTS xã Mê Linh - Lâm Hà. Ảnh: D.Hiền
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng DTTS xã Mê Linh - Lâm Hà. Ảnh: D.Hiền
 
Việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em; đặc biệt việc kết hôn sớm, mang thai, sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Hôn nhân cận huyết thống gây ra các dị tật khi sinh con ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi. Do đó, việc xây dựng mô hình điểm để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền trong Nhân dân là rất cần thiết, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS.
 
Mô hình điểm thực hiện các hoạt động như: Tuyên truyền thông qua các hội nghị, xây dựng pano, tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh tại các xã được chọn mô hình điểm. Thực hiện tuyên truyền thông qua các buổi chào cờ thứ hai, sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích, tờ rơi tuyên truyền tại các trường học được chọn mô hình điểm.
 
Theo kế hoạch của tỉnh, năm 2019 tiếp tục thực hiện 4 mô hình điểm đã xây dựng trong năm 2018 gồm: xã Đạ Quyn (Đức Trọng) là xã đặc biệt khó khăn của huyện, có 1.089 hộ với 4.970 khẩu; trong đó, DTTS chiếm 83,1%, chủ yếu là dân tộc Chu Ru, K’Ho, Raglai, Chăm, Hoa. Giai đoạn 2010 -2017, thống kê số cặp tảo hôn có 51/291 cặp, chiếm 17,5%. Năm 2018, thống kê có 20 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống.
 
Xã Đồng Nai Thượng (Cát Tiên): Thống kê năm 2018 trên địa bàn xã có 417 hộ với 1.790 khẩu; trong đó, DTTS chiếm 96,9%, với 401 hộ, 1.734 khẩu. Trong năm 2018, có 3 cặp tảo hôn được khai báo với chính quyền địa phương.
 
Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú liên huyện phía Nam: Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, nơi mà các em học sinh thường xuyên được bổ sung kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, những hệ lụy của việc tảo hôn gây ra… Năm học 2018 - 2019, tổng số học sinh toàn trường có 451 học sinh, có 3 học sinh bỏ học lập gia đình và 10 học sinh bỏ học không rõ nguyên nhân.
 
Mô hình điểm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh: Năm 2018 - 2019, toàn trường có 447 học sinh, có 5 học sinh bỏ học về quê, trong đó có 1 học sinh có thai bỏ học về lấy chồng.
 
Năm 2019, kế hoạch của tỉnh triển khai thực hiện 4 mô hình mới, cụ thể: xã Liêng S’Rônh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đam Rông, năm 2018 có tổng số dân 1.568 hộ, 8.341 khẩu; trong đó, DTTS 1.308 hộ, 7.331 khẩu, chiếm 87,9%, riêng người Mông có 427 hộ, 2.367 khẩu; thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 - 20 tuổi có 929 người (nam 510 người, nữ 419 người). Trong năm 2018, có 3 cặp tảo hôn được khai báo và nguy cơ xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
 
Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, có dân số 1.373 hộ, 4.866 khẩu; trong đó, DTTS có 952 hộ, 3.573 khẩu, chiếm 73,4%, gồm dân tộc Mạ, Mông, Tày, Nùng; số thanh niên trong độ tuổi vị thành niên 671 người. Khảo sát điều tra năm 2018 có 7 cặp tảo hôn, có 2 cặp tảo hôn cả vợ và chồng.
 
Mô hình điểm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Đơn Dương: thực trạng năm 2018 - 2019 có 233 học sinh, có 100% học sinh DTTS gốc Tây Nguyên (có 179 nữ), có 2 trường hợp học sinh bỏ học, trong đó 1 trường hợp bỏ học lấy chồng.
 
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Di Linh năm 2018 - 2019 có 345 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc K’Ho có 338 học sinh, chiếm 98%; có 4 học sinh bỏ học về địa phương lấy vợ, lấy chồng (1 học sinh lớp 8 và 3 học sinh lớp 9).
 
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2019 với tổng kinh phí thực hiện đề án trong năm 2019 là 1,714 tỷ đồng. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân trong vùng DTTS trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, tạo sự đồng thuận của xã hội nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
 
Đề án triển khai trên địa bàn các xã vùng khó khăn và có đông đồng bào DTTS sinh sống, có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao. Đối tượng tập trung tác động vào đội ngũ cán bộ được phân công làm công tác dân tộc; đồng bào DTTS; học sinh các DTTS đang theo học tại các trường dân tộc nội trú có xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
 
Nội dung thực hiện đề án phù hợp với tình hình thực tế vùng DTTS, ưu tiên triển khai tại các xã có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉ lệ cao. Sơ kết đánh giá hiệu quả thực hiện 4 mô hình năm 2018 và năm 2019 nhân rộng 4 mô hình để rút kinh nghiệm tiếp tục thực hiện trong năm 2020. Nội dung hoạt động: Các địa phương khảo sát, điều tra, thu thập thông tin và tổng hợp số liệu liên quan đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tại địa phương năm 2019. Tổ chức biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền. Truyền thông về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Nỗi buồn nơi buôn làng các dân tộc K’Ho, Mạ, Chu ru, Mông và phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025.
 
Tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, pano đã biên soạn các năm 2017 - 2018 phù hợp với tình hình thực tế của từng dân tộc, từng địa bàn dân cư, thành tài liệu chính thống của tỉnh. Trao đổi kinh nghiệm, tổ chức giao lưu, học tập mô hình điểm đã triển khai trong các năm qua, cho các đại biểu tham quan mô hình Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT liên huyện phía Nam. 
 
Lắp đặt pano tuyên truyền tại 5 xã có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao với nội dung: “Kết hôn: Nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi - là tảo hôn và vi phạm pháp luật”; “Không kết hôn: cận huyết thống, giữa những người có dòng máu về trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời”. 5 xã đó là: Đưng K’Nớh (Lạc Dương) có 94,47% DTTS; xã Tà Hine (Đức Trọng) có 77,63% DTTS; xã Liêng S’Rônh (Đam Rông) có 86,44% DTTS; thị trấn Di Linh (Di Linh) có 51,69% DTTS; xã Phước Cát II (Cát Tiên) có 60,66% DTTS.
 
Các hoạt động tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực và phổ biến kinh nghiệm tuyên truyền, theo kế hoạch sẽ mở 2 lớp tập huấn cho 500 học viên là thành viên Ban chỉ đạo cấp xã, cán bộ chính quyền và đoàn thể thôn, xã và đội ngũ tuyên truyền viên có năng lực, khả năng tham gia tuyên truyền cho đề án vận động cộng đồng tại xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống có nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nội dung tập huấn kiến thức theo 5 chuyên đề về: Triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và Kế hoạch năm 2019; kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình; các thông tin, bằng chứng khoa học về những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra; một số kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền trong vùng DTTS; thảo luận, tổng kết đánh giá tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
 
AN NHIÊN