Quyết liệt xử lý nhưng tiến trình thu hồi, giải tỏa còn chậm

06:07, 10/07/2019

Sau khi Báo Lâm Đồng đăng tải bài viết "Lấn chiếm đất rừng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà diễn biến phức tạp",...

[links()]
Sau khi Báo Lâm Đồng đăng tải bài viết “Lấn chiếm đất rừng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà diễn biến phức tạp”, mới đây lãnh đạo Vườn Quốc gia, UBND huyện Lạc Dương khẳng định sẽ khẩn trương lập hồ sơ giải quyết dứt điểm đối với 16 hộ dân xây nhà, hàng quán lấn chiếm đất rừng, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc giải tỏa, thu hồi đất thực tế đối với các trường hợp sai phạm thời gian qua nhìn chung còn khá chậm.
 
Một trong nhiều căn nhà, quán, ki ốt được dựng lấn chiếm hành lang đường hoặc nằm dưới tán rừng thông cổ thụ trên trục đường ĐT 722. Ảnh: C.Thành
Một trong nhiều căn nhà, quán, ki ốt được dựng lấn chiếm hành lang đường hoặc nằm dưới tán rừng thông cổ thụ trên trục đường ĐT 722. Ảnh: C.Thành
 
Nguyên nhân để mất đất rừng, xây nhà, quán trái phép?
 
Theo hồ sơ, biên bản của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (VQG) lập gần đây, hiện có 16 hộ dân đang dựng chòi, quán, làm nhà dọc đường ĐT 722, khu vực ngã đường vào Suối Vàng tới Khu Du lịch Làng Cù Lần thuộc địa giới hành chính thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương). Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp thuộc lâm phần VQG chiếm gần 50%, số còn lại là diện tích đất ngoài lâm nghiệp do UBND huyện Lạc Dương quản lý.
 
Nếu chiếu theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh năm 2018 về “Phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng tới năm 2030” thì theo VQG có 6 hộ làm chòi, quán trên đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 112A, 112B với diện tích bao chiếm 30.480 m 2. Diện tích chòi, quán, nhà ở nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp là 35.741 m 2
 
Trong số các hộ lấn chiếm đất sai phép, chúng tôi xin đưa ra một số hộ điển hình để thấy nguồn gốc đất sang nhượng khá phức tạp, sai phạm diễn ra trong thời gian dài như quán Hồ Suối Vàng tại Khoảnh 7, Tiểu khu 112A. Quán này chủ cơ sở kinh doanh là bà Nguyễn Thị Bích Dung (ngụ TP Đà Lạt) có diện tích đất lấn chiếm lên tới 26.840 m 2. VQG xác định toàn bộ diện tích trên hiện đều nằm trên đất lâm nghiệp, thuộc loại rừng sản xuất. 
 
Theo các giấy tờ do gia đình cung cấp, ngày 8/6/1997 ông Bùi Duy Xoa (67 tuổi, tạm trú thôn Đạ Nghịt, xã Lát) nhận sang nhượng của vợ chồng bà Liêng Hót K’Jông ngụ cùng thôn với tổng diện tích 1,3 ha, gồm 1 ha trồng đậu, bắp và 3 sào trồng cà phê. Đến ngày 18/9/2009, ông Xoa tặng cho lại con gái là Bùi Thị Khải, con rể là Nguyễn Ngọc Dũng toàn bộ diện tích theo giấy tờ mua bán ngày 8/6/1997 với diện tích khoảng hơn 20.000 m 2, vị trí đất nằm tại chân đồi bên cạnh hồ Thủy điện Ankroet. 
 
Tới ngày 16/12/2015, ông Xoa cho một Công ty TNHH Tuấn Kiệt Phát thuê đất làm bãi chứa vật liệu xây dựng và nhà ở. Và đến ngày 22/2/2018, công ty này lại chấp thuận cho bà Nguyễn Thị Bích Dung mướn đất sử dụng đến nay. Đối với trường hợp trên, VQG đã lập hồ sơ vi phạm nhiều lần nhưng chủ cơ sở không có mặt để làm việc theo giấy mời. Tới nay, trường hợp này chưa thể giải quyết dứt điểm.
 
Tương tự, trường hợp cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Quốc Sơn (47 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương) có 465 m 2 thuộc diện tích rừng sản xuất. Qua làm việc, ông Sơn cho hay, năm 2009 gia đình dựng chòi kinh doanh đồ uống nhưng chưa được cơ quan nào cho phép. Từ năm 2017, UBND huyện Lạc Dương đã nhiều lần có văn bản đề nghị VQG phối hợp giải quyết nhưng vì không đủ thẩm quyền giải tỏa, đơn vị chủ rừng đang tiếp tục xin ý kiến các đơn vị cấp tỉnh để củng cố hồ sơ xử lý.
 
Hay như quán Rừng Thông, do ông Vũ Văn Điều làm chủ có 3.324 m 2 đất lấn chiếm, gồm 1.750 m 2 đất lâm nghiệp và 1.574 m 2 đất ngoài lâm nghiệp. Tại đây, hiện quán có 1 chòi chính và 10 chòi gồm các phần xây dựng mái tôn, khung sắt, nền gạch, vách kín bằng bìa gỗ dùng để kinh doanh ăn uống. Về nguồn gốc, theo VQG, năm 1987, gia đình ông Điều có tham gia tổ đoàn kết sản xuất nông lâm tại khu vực Suối Vàng. Đến năm 1988, gia đình bắt đầu dựng chòi để ở canh tác trồng cà phê và hồng với diện tích 4.000 m 2. Tới năm 2012, gia đình tiếp tục dựng nhiều chòi kinh doanh ăn uống cho tới nay.
 
UBND huyện Lạc Dương cho biết, đối với các hàng quán kinh doanh, buôn bán mới dựng lều bạt tạm qua kiểm tra của các đơn vị có 5 điểm trên 8 vị trí người dân mới dựng lều trại để buôn bán, kinh doanh trái phép. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, lập biên bản ghi nhận, thống kê các đồ dùng buôn bán, kinh doanh trái pháp luật bàn giao lại cho thị trấn Lạc Dương tiến hành xử lý. Hiện UBND thị trấn Lạc Dương đã ban hành quyết định xử phạt đối với 4 vị trí với số tiền là 1,4 triệu đồng.
 
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị báo cáo vụ việc trước ngày 15/7
 
Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã có văn bản giao UBND huyện Lạc Dương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp, dựng quán bán hàng dọc đường ĐT 722, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/7.

Riêng đối với các nhà, quán kinh doanh có hành vi lấn chiếm, cơi nới, xây dựng bất hợp pháp; qua kiểm tra thực tế, hiện có 11 điểm xây dựng cố định, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,... Tổng diện tích các hộ dân đang sử dụng là 41.269 m2. Đối chiếu bản đồ kèm theo Quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì có 35.322 m2 thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và 5.947 m2 thuộc quy hoạch đất ngoài 3 loại rừng.

Như vậy, với 16 trường hợp người dân vi phạm nêu trên, cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, VQG cho hay đã nắm bắt, lập biên bản vi phạm. Thế nhưng, câu hỏi nhiều người đặt ra là sau thời gian dài vi phạm, việc người dân xâm lấn đất rừng, xây nhà, quán, cơi nới trái phép không những không được giải quyết dứt điểm mà có dấu hiệu một số hộ tiếp tục lấn đất rừng thêm? Về câu hỏi trên, UBND huyện Lạc Dương xác nhận quá trình xử lý của các cơ quan, đơn vị cho thấy đây là khu vực rất phức tạp. 
 
Thứ nhất là do nguồn gốc một số vị trí đã tồn tại từ những năm 1987, các hộ dân tham gia tổ đoàn kết sản xuất nông lâm tại khu vực Suối Vàng theo Quyết định số 158/QĐ-UB ngày 24/4/1987 của UBND TP Đà Lạt. Thứ hai là một phần diện tích trước đây UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Dự án Đan Kia - Suối Vàng trực tiếp quản lý, đến năm 2011 mới thu hồi và giao lại cho VQG và UBND huyện Lạc Dương quản lý. Mặt khác, trước đây có một phần diện tích đất thuộc địa giới hành chính của TP Đà Lạt giáp ranh với xã Lát (nay là thị trấn Lạc Dương) huyện Lạc Dương.
 
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG cũng xác nhận hầu hết các hồ sơ vi phạm, lấn chiếm đất rừng đều khá phức tạp. Quá trình xử lý VQG không thể dứt điểm do cần xem xét lại lịch sử sử dụng đất, nguồn gốc, các bút lục, biên bản vi phạm... của từng trường hợp để giải quyết theo quy định pháp luật. Ví dụ như về nguồn gốc đất dân canh tác từ năm 1987. Thời điểm này một số hộ dân tham gia tổ đoàn kết nông lâm kết hợp nên các đơn vị có chính sách, cam kết dân được hưởng một phần diện tích đất sản xuất trên toàn bộ diện tích đất rừng đươc giao... 
 
“Mới nhìn vào nhiều người nghĩ có thể giải tỏa ngay đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng nếu chiếu theo các quy định, VQG không có quyền giải tỏa nóng được. Lý do đơn giản là diện tích đất ko phải là đất mới bị lấn chiếm, mới trồng cây trên đất rừng. Nhiều quán đã tồn tại từ nhiều năm trước do một số nguyên nhân khách quan” - ông Hương khẳng định.
 
Cụ thể, theo ông Hương, nguồn gốc 5 chòi, quán kinh doanh quy hoạch trên đất lâm nghiệp đã diễn ra từ những năm 1987 tới 2011. Có một số trường hợp đã vi phạm trước thời điểm UBND tỉnh thu hồi đất từ Ban quản lý KDL Đan Kia - Suối Vàng giao cho VQG quản lý. Sau khi tiếp nhận, VQG đã có nhiều lần lập biên bản vi phạm từ năm 2016-2017, nhưng do các hộ trên không chịu hợp tác, đã gây khó khăn nhất định cho Hạt kiểm lâm VQG. “Mình phạt 1-2 triệu cũng phải có hồ sơ, biên bản ghi nhận... theo đúng quy định. Do không thể ra quyết định tháo dỡ nên các vi phạm trên chúng tôi đều chuyển hồ sơ, làm văn bản kiến nghị UBND huyện Lạc Dương phối hợp xử lý, hoặc xin ý kiến sở, ngành liên quan thuộc tỉnh chỉ đạo thực hiện” - ông Hương nói về khó khăn trong công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm.
 
Phối hợp giải quyết chưa thông, chưa đồng bộ
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, mới đây, UBND huyện Lạc Dương đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm những sai phạm thuộc sự quản lý của huyện. “Quan điểm của huyện Lạc Dương là không đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình phát hiện, lập biên bản chúng tôi phải thừa nhận các địa phương, đơn vị có diện tích đất bị lấn chiếm xử lý chưa được triệt để, dứt điểm. Có nhiều nguyên nhân, lý do nhưng đầu tiên phải kể tới việc sự vào cuộc của các đơn vị chưa thật sự đồng bộ, quyết liệt. Chính vì vậy, tháng 6/2019, lãnh đạo UBND huyện cùng thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc huyện đã xuống hiện trường xác minh, quyết tâm đề ra hướng xử lý cụ thể và có báo cáo chi tiết phương án giải quyết gửi UBND tỉnh ngày 20/6 vừa qua” - ông Minh chia sẻ.
 
Theo ông Minh, phía UBND huyện Lạc Dương xác định đối với diện tích được phân định là đất lâm nghiệp, huyện đề nghị VQG lập hồ sơ xử lý ban đầu (biên bản vi phạm), xác định thẩm quyền và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp xử lý. Yêu cầu sắp tới của UBND huyện là khẩn trương thu hồi, giải tỏa nhà, quán lấn chiếm trái phép theo đúng quy định pháp luật, trường hợp nào đủ điều kiện về hồ sơ sẽ tiến hành xử lý ngay. Riêng trong công tác phối hợp, UBND huyện đề nghị VQG tăng cường lực lượng trong quá trình tống đạt quyết định và tổ chức cưỡng chế (nếu người vi phạm không tự nguyện chấp hành). Riêng đối với diện tích lấn chiếm có nguồn gốc là đất lâm nghiệp theo Quyết định 2480-QĐ/UB năm 2000 của UBND tỉnh, nhưng hiện nay được rà soát quy hoạch là ngoài lâm nghiệp, thì VQG tổng hợp để kiến nghị UBND tỉnh đưa vào lại quy hoạch là đất lâm nghiệp.
 
Ông Lê Văn Hương cũng đánh giá, thời gian qua, các cơ quan có diện tích đất bị lấn chiếm có một số quan điểm nhận định không đồng nhất. Như về phía UBND huyện Lạc Dương đề nghị VQG cắm mốc phân định ranh giới giữa đất rừng và diện tích đất các hộ đang sử dụng để tránh người dân tiếp tục lấn chiếm đất rừng, ông Hương nói không thể thực hiện được. Trước đây, Vườn đã có dự án cắm mốc, nằm trong tổng dự án xây dựng phê duyệt (31/3/2011) giai đoạn 2016-2020 trên diện tích 65.143,7 ha với kinh phí xin cắm mốc khoảng 19,4 tỷ đồng, nhưng UBND tỉnh không duyệt cấp kinh phí cho dự án trên.
 
“Cắm mốc, đánh dấu ranh giới, có tác dụng để các ngành chức năng xác định ranh giới trên thực địa. Việc lấn chiếm phụ thuộc nhiều yếu tố khác, không phải là cột mốc. Với các hộ vi phạm như trên, nếu mình cắm mốc không khéo sẽ mặc nhiên công nhận người dân xây nhà, trồng cây trên đất là hợp pháp” - ông Hương lý giải.
 
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở NN&PTNT đã làm việc với UBND huyện Lạc Dương, đồng thời đề nghị VQG Bidoup - Núi Bà báo cáo cụ thể. Quan điểm của Sở là kiên quyết thu hồi những vị trí đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng. 
 
“Sở NN&PTNT đã hoàn thành xác định ranh giới chi tiết cho tất cả các đơn vị chủ rừng trong toàn tỉnh để quản lý, bảo vệ. Thời điểm gần đây, đối với một số chủ rừng khi xảy ra vi phạm lấn đất rừng, cách xử lý còn rất lúng túng, thời gian giải quyết vi phạm kéo dài nên sắp tới chúng tôi đề nghị tại các địa điểm “nóng” mà dư luận phản ánh về lấn chiếm đất rừng phải kiên quyết giải tỏa, thu hồi theo đúng quy định của pháp luật” - vị lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.
 
C.THÀNH - H.THẮM