Kiên quyết thu hồi đất rừng 135 sử dụng sai mục đích

06:09, 12/09/2019

Phần lớn diện tích đất rừng lâm nghiệp giao khoán cho người dân của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng theo Nghị định 135/NÐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ đã bị người dân lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Trước thực trạng đó, huyện Đam Rông kiên quyết thu hồi những diện tích này để trồng lại rừng.

Phần lớn diện tích đất rừng lâm nghiệp giao khoán cho người dân của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Phi Liêng theo Nghị định 135/NÐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ đã bị người dân lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Trước thực trạng đó, huyện Đam Rông kiên quyết thu hồi những diện tích này để trồng lại rừng.
 
Giao đất trồng rừng nhưng chỉ có cà phê lên xanh
Giao đất trồng rừng nhưng chỉ có cà phê lên xanh
 
Đất rừng thành rẫy cà phê
 
Việc giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định số 135/2005/NĐ- CP của Chính phủ được UBND huyện Đam Rông giao cho 3 đơn vị chủ rừng là Ban QLRPH Sêrêpốk, Ban QLRPH Phi Liêng và Hạt Kiểm lâm huyện. Kết quả thanh tra đột xuất đối với Ban QLRPH Phi Liêng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình giao khoán, giao đất trồng rừng.
 
Việc thực hiện dự án giao đất trồng rừng, Ban QLRPH Phi Liêng có lập biên bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu các trường hợp nhận khoán phải tổ chức trồng rừng chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo hợp đồng ký kết, không được lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã vận động các hộ thực hiện trồng rừng, trồng bổ sung và các hộ cũng đã cam kết trồng rừng, trồng bổ sung đảm bảo mật độ thành rừng. Thực tế các hộ đã trồng rừng nhưng do các lý do khác nhau dẫn đến cây rừng trồng bị chết không đảm bảo mật độ thành rừng. Thậm chí còn có biểu hiện sang nhượng phần đất lâm nghiệp được giao khoán, trồng rừng. 
 
Cụ thể, đã có 1 trường hợp sang nhượng đất lâm nghiệp được giao khoán trồng rừng với diện tích là 1,2 ha (hộ ông Nguyễn Văn Quang đã sang nhượng rồi về quê ngoài Bắc sinh sống). Diện tích bị lấn chiếm trồng cà phê chủ yếu các hộ tái chiếm do trước đây các hộ đã phá rừng làm rẫy trên diện tích này sau đó được thiết kế để giao khoán trồng rừng.
 
Hay trường hợp của ông Ninh Văn Chương (thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng được Ban QLRPH Phi Liêng ký hợp đồng giao khoán 3,5 ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại Khoảnh 1 lô d, TK 216. Theo đó, ông Chương có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và trồng rừng trên diện tích được giao khoán. Thế nhưng, qua kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng, hầu như toàn bộ diện tích rừng mà ông Chương quản lý ông không thực hiện trồng rừng theo như hợp đồng mà sử dụng diện tích trên để trồng cà phê. Hiện tại có 0,3 ha muồng trồng xen cà phê đạt mật độ và 3,2 ha cà phê lâu năm do ông Vũ Đình Thi trường trú Tân Hà - Lâm Hà canh tác và chăm sóc.
 
Tương tự, năm 2013, ông Nguyễn Văn Ny (thôn Trung Tâm) cũng được Ban này giao 4,5 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo cơ quan chức năng, từ ngày được giao khoán cho đến nay, ông Ny đã không thực hiện nghiêm túc việc quản lý, bảo vệ rừng, khiến cho một số diện tích rừng bị người dân xâm chiếm lên đến 3,5 ha và trồng cà phê lâu năm. Ngoài ra, ông Ny cũng chưa thực hiện đầy đủ việc trồng rừng theo như hợp đồng đã ký kết…
 
Qua thống kê, đến nay, trong tổng diện tích đất giao trồng rừng của Ban QLRPH Phi Liêng là 79,08 ha thì diện tích có rừng chỉ còn 25,83 ha, còn lại là cà phê nhiều năm tuổi là 35,5 ha; cây dược liệu, hoa màu là 8,6 ha; đất trống là 5,1 ha. Đáng chú ý, trong đó có cả đất đã được cất nhà, làm sân phơi, đường đi là 1,05 ha.
 
Với nhiều sai phạm của các hộ nhận khoán nêu trên, Ban QLRPH Phi Liêng đã có tờ trình xin ý kiến UBND huyện Đam Rông thu hồi diện tích mà Ban đã thiết kế giao cho người dân nhưng không thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng. 
 
Kiên quyết xử lý
 
Phương án giao khoán đất lâm nghiệp do UBND huyện phê duyệt còn chưa quan tâm đúng mức nhu cầu nhận khoán của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã nơi có đất giao khoán. 
 
Qua đó, Ban QLRPH Phi Liêng đã thanh lý hợp đồng trồng rừng với 18 trường hợp nhận đất trồng rừng với diện tích 56,58 ha (14 trường hợp thực hiện hợp đồng năm 2008 và 4 trường hợp thực hiện hợp đồng năm 2009). Trong số các trường hợp thanh lý hợp đồng có 4 trường hợp hoàn thành trồng rừng và khai thác rừng trồng có nguyện vọng xin thanh lý, có 4 trường hợp hoàn thành trồng rừng và khai thác rừng trồng sau đó để lấn chiếm trồng cà phê, còn lại 10 trường hợp vi phạm hợp đồng, để lấn chiếm trồng cà phê nhưng không thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ như hợp đồng đã ký kết.
 
Trong thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với một số cán bộ liên quan. Đồng thời chỉ đạo sẽ kiên quyết thu hồi diện tích để xảy ra sai phạm.
 
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng Ban QLRPH Phi Liêng cho biết, để xảy ra vi phạm hợp đồng trong việc giao khoán đất rừng tại Ban QLRPH Phi Liêng, một số cán bộ đã bị kỷ luật. Ban cũng đã lập phương án trình UBND huyện thu hồi diện tích nhận khoán nhưng không thực hiện trồng rừng theo quy định. Trong thời gian tới, Ban QLRPH Phi Liêng sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp vi phạm hợp đồng, các đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đảm bảo phương án giao khoán đất lâm nghiệp trồng rừng đạt hiệu quả. Chủ trương của UBND huyện Đam Rông là nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng hoặc vi phạm hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý triệt để. Đối với diện tích giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân chưa trồng rừng, trồng rừng thiếu mật độ, trồng cây rừng xen cà phê cho thu hoạch chính trên đất giao khoán, các đơn vị chủ rừng đôn đốc hộ gia đình, cá nhân trồng bổ sung cây rừng đủ mật độ trong mùa mưa 2019. Đối với diện tích giao khoán trồng cây cà phê dưới 2 năm tuổi hoặc hộ nhận khoán tự ý sang nhượng đất giao khoán thì đơn vị giải tỏa, thu hồi đất giao khoán. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo hướng dẫn các hộ dân đang canh tác cam kết trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích thực hiện trồng rừng theo thời vụ trồng rừng năm 2018 và năm 2019; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy để đảm bảo đất giao khoán trồng rừng sẽ hình thành rừng.
 
HOÀNG YÊN - NGỌC NGÀ