Nan giải xử lý rác thải (Kỳ 1)

06:09, 24/09/2019

Thực hiện pháp luật về môi trường, trong đó việc thu gom, xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế, sản xuất nông nghiệp đang nổi lên nhiều vấn đề nghiêm trọng cần có giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và người dân. Bởi từ thực tế đang diễn ra hiện nay như "hồi chuông" đáng báo động về việc bảo vệ môi trường tại Lâm Đồng mà đoàn giám sát của MTTQ tỉnh chỉ ra.   

[links()]
Thực hiện pháp luật về môi trường, trong đó việc thu gom, xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế, sản xuất nông nghiệp đang nổi lên nhiều vấn đề nghiêm trọng cần có giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và người dân. Bởi từ thực tế đang diễn ra hiện nay như “hồi chuông” đáng báo động về việc bảo vệ môi trường tại Lâm Đồng mà đoàn giám sát của MTTQ tỉnh chỉ ra.   
 
Thực trạng đáng báo động
 
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải, trong đó có vấn đề về mặt quản lý, quy hoạch, về kỹ thuật, tài chính và nhận thức của cộng đồng.
 
Hầu hết bãi rác đều chôn lấp lộ thiên và không đảm bảo hợp vệ sinh (bãi rác tại Đơn Dương)
Hầu hết bãi rác đều chôn lấp lộ thiên và không đảm bảo hợp vệ sinh (bãi rác tại Đơn Dương)
 
Người dân Đà Lạt và dư luận trong thời gian qua bàng hoàng khi sự cố sụt lở rác tại bãi rác Cam Ly do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt của người dân. Ngay sau đó, Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh và các ngành liên quan đã có chương trình giám sát về việc thực hiện pháp luật xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp trên 5 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng. Bức tranh toàn cảnh với nhiều gam màu xám cho thấy thực trạng về công tác này đang thực sự gióng lên hồi chuông báo động.
 
Thống kê của cơ quan chức năng báo cáo với đoàn giám sát, toàn thành phố Đà Lạt trong năm 2018 thực hiện thu gom rác đạt 99%, bình quân thu gom khoảng 250 tấn/ngày với tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom lên đến khoảng 79.579 tấn rác và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 thu gom khoảng 36.689 tấn rác.
 
Câu chuyện hiện nay đang nổi lên về công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt đó là vẫn chưa đảm bảo bởi nhà máy xử lý rác thải không đủ năng lực để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải phát sinh. Tiến độ đầu tư của dự án Nhà máy Năng lượng xanh rất chậm, không thực hiện đúng mục tiêu, cam kết đầu tư như: sản xuất phân vi sinh, gạch block, hạt nhựa, dầu DO… mà mới chỉ dừng lại ở giai đoạn xử lý đốt rác là chủ yếu.
 
Tại khu vực tập kết rác, đoàn giám sát nhận thấy không có lót bạt, không che chắn nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán mùi, nước rỉ rác và rác bay khi trời gió mạnh và sẽ gây ô nhiễm xung quanh khu vực Cam Ly. Chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi khí thải tại phân xưởng. 
 
Trong khi đó, bãi rác Cam Ly đã buộc phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thế nhưng  công tác khắc phục hậu quả tại bãi rác Cam Ly vẫn chưa triệt để do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế.
 
Bãi rác P’ré - Phú Hội, Đức Trọng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để
Bãi rác P’ré - Phú Hội, Đức Trọng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để
 
Từ thực tế ghi nhận tại thời điểm kiểm tra khoảng cuối tháng 8 cho thấy, bãi rác Cam Ly là bãi rác chôn lấp lộ thiên, không hợp vệ sinh. Chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới lòng đất. Biện pháp xử lý mùi chỉ mang tính chất xử lý tạm thời, chưa triệt để. Phương pháp xử lý mang tính chất thủ công, đơn giản, không đảm bảo vệ sinh môi trường và mất cảnh quan khu vực quanh Cam Ly và cảnh quan du lịch thác Cam Ly cũng như toàn thành phố Đà Lạt.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Ngọc Trình cho rằng: Những tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải rắn hiện nay của thành phố Đà Lạt một phần có nguyên nhân do công tác phối hợp trong phân công thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành chưa thống nhất, còn chồng chéo; công tác kiểm soát, xử lý chất thải còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức có trách nhiệm chưa cao, năng lực giải quyết công việc còn hạn chế.
 
Tại thành phố Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương… và hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng nổi lên những tồn đọng tương tự như: lượng rác thải sinh hoạt phát sinh quá tải, công tác thu gom chưa triệt để, còn tồn đọng rác chưa được thu gom, bãi rác chủ yếu lộ thiên, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. 
 
Nhà máy xử lý rác thì hầu như không đủ năng lực, chưa đáp ứng hết yêu cầu về công suất xử lý, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại các địa phương. Tại khu vực bãi rác P’ré xã Phú Hội huyện Đức Trọng cũng đang gây ô nhiễm trầm trọng và người dân phản ứng quyết liệt. Tại thành phố Bảo Lộc, nhà máy xử lý rác với hệ thống máy móc thô sơ, công suất chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chỉ mới đạt 90/200 tấn/ngày dẫn đến rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường và chưa đầu tư hạng mục sản xuất phân hữu cơ công suất 14.400 tấn/năm như kế hoạch. Đáng chủ ý, chưa niêm yết quy trình vận hành các hạng mục của nhà máy xử lý rác thải, quy trình xử lý môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, ống khói có màu trắng, phát tán ngược vào trong nhà máy, tạo hiện tượng ô nhiễm cục bộ trong khu vực lò đốt.
 
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng đoàn giám sát nhận định: Vấn đề rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề bức xúc trong dư luận Nhân dân. Chính vì vậy, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị cần phải nghiêm túc nhìn nhận rút kinh nghiệm trong những bất cập, tồn tại về môi trường, về công tác thu gom và và xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, y tế và sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, quan tâm đặc biệt đến vấn đề quy hoạch đô thị, quản lý dịch vụ du lịch hướng đến du lịch chất lượng cao, tạo điều kiện tốt nhất về phương tiện, thùng rác phân loại rõ ràng để người dân và du khách có cơ hội tuân thủ và thực hiện nghiêm ý thức và hành động bảo vệ môi trường. 
 
(CÒN NỮA)
 
NGUYỆT THU