TIN LIÊN QUAN |
---|
Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục, trách nhiệm toàn xã hội
Trẻ em là người đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ môi trường xã hội. Do đó, trẻ em là đối tượng cần được gia đình và toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục để có kỹ năng phòng, chống xâm hại.
![]() |
Xã hội cần có trách nhiệm phòng, chống nạn xâm hại tình dục trẻ em |
Thực tế cho thấy công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế cần phải áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em.
Việc để xảy ra 158 vụ việc (qua cơ quan công an điều tra, xét xử) đáng tiếc xâm hại tình dục trẻ em trong gần 5 năm qua (2015 - 2019) là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, việc trang bị các kiến thức kỹ năng cần thiết giúp trẻ tự phòng vệ, chống lại các hành vi xâm hại còn hạn chế. Công tác phối hợp hoạt động giữa nhà trường - gia đình và xã hội về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ còn thiếu chặt chẽ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin còn nhiều bất cập, các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy phát tán trên mạng xã hội đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, làm lệch chuẩn đạo đức, hành vi của một số cá nhân.
Về phía chính quyền địa phương chưa dành nguồn lực, quỹ đất đáng kể quan tâm đầu tư tạo sân chơi bổ ích lành mạnh cho trẻ như hồ bơi, sân banh, các khu vui chơi giải trí chuyên biệt cho trẻ em để thu hút các em đến sinh hoạt lành mạnh, an toàn. Hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được vận hành một cách chuyên nghiệp nên việc phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại dưới nhiều hình thức chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vẫn còn để xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại đau lòng.
Nguyên nhân sâu xa và có tác động mạnh nhất đó chính là “Gia đình”. Nhiều gia đình chưa thực sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ xâm hại trẻ em, nhất là các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục nên việc phòng chống xâm hại trẻ chưa được cha mẹ, ông bà, người thân quan tâm đúng mức. Trong khi đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em lại thường là những người có mối quan hệ thân thiết với trẻ. Trẻ thường bị dụ dỗ bằng tiền bạc, vật chất, những thứ trẻ yêu thích hoặc thiếu thốn…
Kẽ hở trong thực thi pháp luật đó là hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô với trẻ em; chưa quy định mức hình phạt cụ thể đối với các tội thuộc nhóm tội phạm xâm hại trẻ em nên chưa đủ sức răn đe kẻ phạm tội.
Giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn, trường học an toàn cho trẻ. Bộ Giáo dục, ngành Giáo dục các địa phương cần đưa chương trình xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” trong xã hội, nhằm tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình… chăm lo tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có quyền được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; dành nguồn lực thỏa đáng cho việc đầu tư thiết chế văn hóa, thông tin và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất để trẻ em trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội, liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành nên đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để việc thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Khắc Bốn - Phó Trưởng Ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng thực hiện khá tốt việc phòng chống xâm hại trẻ em, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác này. Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, qua phản ánh báo chí cho thấy đã có những vụ việc gây chấn động tâm lý, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và trật tự an toàn xã hội. Đề nghị cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Vai trò của công an rất quan trọng, ngành Tòa án cần lựa chọn đưa ra xét xử công khai các vụ việc hiếp dâm trẻ em trong cộng đồng để tạo tính răn đe cao. Đề nghị cần tăng mức hình phạt lên đối với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.
|
NGUYỆT THU