Bêu tên vì không đóng tiền làm đường

06:11, 27/11/2019

Hai hộ gia đình thôn Hải Hà (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) không tham gia đóng tiền làm đường đã bị xóm bêu tên trên cột điện, không cho xe vận chuyển nông sản, vật liệu ra vào...

Hai hộ gia đình thôn Hải Hà (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) không tham gia đóng tiền làm đường đã bị xóm bêu tên trên cột điện, không cho xe vận chuyển nông sản, vật liệu ra vào. Vậy chuyện hành xử này đúng hay sai và làm như vậy có tính nhân văn hay không?
 
Tấm bảng bêu tên ông Nh. và hộ bà H. trên cột điện đầu Xóm 2, thôn Hải Hà tới giờ chưa được tháo xuống. Ảnh: C.Thành
Tấm bảng bêu tên ông Nh. và hộ bà H. trên cột điện đầu Xóm 2, thôn Hải Hà tới giờ chưa được tháo xuống. Ảnh: C.Thành
 
Lập bảng bêu tên, vì đâu nên nỗi!
 
Vụ việc xảy ra tại thôn Hải Hà, xã Hoài Đức vào cuối tháng 9/2019. Vào thời điểm trên, nhiều người bất ngờ khi thấy xuất hiện trên cột điện đầu Xóm 2, thôn Hải Hà một tấm bảng thông báo bằng tôn chừng 1 m2. Nội dung ghi rõ bằng sơn nước: “Thông báo những gia đình sau không đóng tiền và công làm đường bê tông. Gia đình ông bà: L V.V & N.T.H.; Gia đình ông bà C. V.Nh. & N.T.H... Cấm các loại xe vận tải từ 3 bánh trở lên chở hàng hóa đi và tới 2 hộ trên. Nếu vi phạm sẽ phạt từ 10 triệu đồng (Trích quy ước Xóm 2 - Hải Hà)”.
 
Theo tìm hiểu, tấm bảng này được dựng lên sau khi con đường có chiều dài 950 m, rộng 8 m bằng bê tông trong Xóm 2 được hoàn thành từ tiền và công đóng góp của toàn bộ người dân Xóm 2, ngoại trừ 2 hộ gia đình bà N.T.H. và ông C.V.Nh.
 
Hai hộ gia đình này cho biết không đóng góp do không thống nhất được số tiền phải đóng góp theo từng hộ. Trong khi đó, bà Bạch Thị Dung, Trưởng ban Mặt trận thôn Hải Hà, cho biết: “Hương ước là luật của xóm thống nhất bàn bạc đưa ra thì hộ nào làm trái phải bị phạt. Hai hộ gia đình trên mặc dù có điều kiện nhưng không chịu đóng tiền làm đường. Chúng tôi nhiều lần vận động nhưng họ không phối hợp, đã thế còn tạo ra nhiều ý kiến khiến thôn xóm bất bình”.
 
Theo bà Dung, quy ước này được lập ngày 3/11, trong đó có điều 4 ghi rõ nội dung xử lý những gia đình nào không đóng tiền làm đường: “Cấm các loại xe từ 3 bánh trở lên chở hàng hóa đi và tới những hộ dân không đóng tiền làm đường. Nếu xe nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước của xóm. Gia đình nào không đóng tiền, khi có việc hiếu hỷ thì không ai tới”. Còn tại điều 5 của quy ước xóm cũng ghi: “Kính mong các đại lý mua bán, các gia đình có phương tiện vận chuyển vui lòng hợp tác cùng Nhân dân Xóm 2 để thực hiện bằng được bản quy ước trên và thông báo cho những gia đình chưa biết. Gia đình nào không đóng tiền khi có việc hiếu hỷ thì không ai tới”.
 
Ngoài việc không thống nhất với mức đóng góp tiền đường, hai gia đình bà H. và ông Nh. cho rằng họ không tham gia quy ước xóm do cảm thấy không đúng, nhiều vấn đề có tính chất áp đặt. Về nội dung này, ông Trần Gia Hùng, Trưởng ban Kiến thiết thôn Hải Hà nói rằng hộ bà H. và ông Nh trước nay nhiều lần mâu thuẫn với cả xóm và lần này là đỉnh điểm. 
 
“Cả xóm 36 hộ dân đóng góp, có nhiều hộ nghèo hơn nhiều 2 gia đình trên nhưng không ý kiến với mức đóng góp tiền đường (1 ha là 13 triệu đồng, nếu góp công làm đường tới khi hoàn thành còn 9 triệu đồng/ha). Đã vậy họ còn thách thức với người dân, nói lời khó nghe nên chúng tôi chiếu theo quy ước xóm bêu tên” - ông Hùng nói.
 
Bảng thông báo sai quy định bêu tên những người chưa đóng tiền làm đường được treo ở cột điện đầu Xóm 2, thôn Hải Hà (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: C.Thành
Bảng thông báo sai quy định bêu tên những người chưa đóng tiền làm đường được treo ở cột điện đầu Xóm 2, thôn Hải Hà (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: C.Thành
 
Cảm thấy bị xúc phạm!
 
Bà N.T. H. cho hay: “Chúng tôi vô cùng xấu hổ, cảm thấy danh dự, uy tín bị chà đạp vì bị bêu tên trên cột điện. Cuộc sống riêng của con cái cũng bị ảnh hưởng vì việc này vì tấm bảng lan truyền trên mạng xã hội, người quen gia đình, bạn bè con tôi đều hay biết. Lý do chúng tôi chưa đóng tiền làm đường là do không thống nhất với đa số người dân cách thức đóng góp. Đồng thời việc làm đường theo hình thức người dân đóng 49% và Nhà nước 51% chưa được chính quyền phê duyệt, chưa làm theo đúng quy định nên tôi không tham gia ngay từ đầu. Thậm chí, nếu chúng tôi sai đã có pháp luật xử lý thích đáng chứ không thể bị xóm áp quy ước để tự “chế tài” như vậy”.
 
Trước đó, để áp dụng quy ước nêu trên, đầu tháng 11 gia đình ông Nh. mua phân về để bón vườn, khi xe chở phân đỗ tại ngõ nhà ông Nh. thì bị một nhóm 9 người dân trong Xóm 2 kéo đến chặn giữ xe, đòi nộp tiền theo quy ước xóm là 10 triệu đồng như đã ghi trên bảng treo trên cột điện. 
 
Thấy tình hình lộn xộn nên Công an xã Hoài Đức đã phải vào cuộc giải quyết thì xe chở phân cho nhà ông Nh. mới được đi, nhưng khi xe đi một đoạn thì nhóm người này lại tiếp tục chặn xe để đòi tiền. Công an xã lại phải giải vây để đưa xe đi. 
 
Mâu thuẫn còn dai dẳng
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho biết bảng quy ước Xóm 2 không hề có hiệu lực. Theo quy định, hương ước muốn có hiệu lực phải được chính quyền cấp xã đồng ý và cấp huyện phê duyệt. Các điều khoản phải được người dân cùng đồng thuận và không nằm ngoài quy định của pháp luật.
 
“Có thể hiểu người dân bức xúc vì 2 hộ dân không đóng tiền làm đường nhưng vẫn sử dụng con đường từ công sức của cả thôn xóm. Từ bức xúc này dẫn đến cách hành xử thiếu tế nhị, sai pháp luật. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết để tránh những hậu quả đáng tiếc giữa cả hai bên” - ông Đức nói. Tuy nhiên, mặc dù có quan điểm như trên nhưng làm thế nào để hòa giải, vận động hai hộ dân đóng tiền đường trên cơ sở phân tích việc đúng, việc sai để người dân Xóm 2, thôn Hải Hà đi đến sự thống nhất thì tới thời điểm này, lãnh đạo xã Hoài Đức vẫn chưa thực hiện được.
 
Lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà xác nhận với chúng tôi ngày 24/11, hiện huyện đã nhận được đơn trình bày vụ việc của bà H. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo chính quyền xã khẩn trương đứng ra họp với người dân thôn Hải Hà để ổn định tình hình địa phương. Riêng chiếc bảng với nội dung thông tin treo sai quy định, thiếu tính nhân văn chắc chắn phải gỡ xuống nhưng quan trọng nhất vẫn là vận động, giải thích để hai bên hiểu được vấn đề. Trong việc này, nếu các bên không ngồi lại với nhau để hòa giải thì mâu thuẫn đã tồn tại sẽ còn kéo dài, tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt” - vị lãnh đạo UBND huyện cho hay.
 
C.THÀNH