Cảnh giác với chiêu trò một mảnh đất bán cho nhiều người

06:11, 20/11/2019

Đánh vào tâm lý chủ quan, nôn nóng của người đi mua đất, nhiều cá nhân đã có chủ đích lừa đảo bán một miếng đất cho nhiều người tại địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua.

Đánh vào tâm lý chủ quan, nôn nóng của người đi mua đất, nhiều cá nhân đã có chủ đích lừa đảo bán một miếng đất cho nhiều người tại địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua.
 
Thửa đất nông nghiệp bà Ngọc bán cho ông Phán tại khu Nam Hồ. Ảnh: C.Phong
Thửa đất nông nghiệp bà Ngọc bán cho ông Phán tại khu Nam Hồ. Ảnh: C.Phong
 
Theo trình bày của ông Đinh Đức Phán (42 tuổi, hộ khẩu thường trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thời gian qua ông mua miếng đất nông nghiệp tại TP Đà Lạt và đã đặt cọc 2/3 số tiền thì bất ngờ phát hiện mảnh đất mình mua chủ đất cũng sang nhượng cho 1 người khác.
 
Ông Phán cho biết: Ngày 26/3/2018, hai vợ chồng bà Hà Hồng Ngọc và Võ Quốc Đạt có viết giấy tay bán cho ông 2 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 71, tổng diện tích 900 m2 (đường Nam Hồ, Phường 11, TP Đà Lạt) với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Trong lúc chờ hoàn tất giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất thì vợ chồng ông Đạt và bà Ngọc đã nhận tiền đặt cọc trước của ông Phán nhiều lần với tổng số tiền là 2,4 tỷ đồng.
 
“Tôi mua 2 mảnh đất 300 m 2 và 600 m 2 của bà Ngọc, khi đặt cọc 1 tỷ đồng vào ngày 26/3/2018 bà Ngọc cam kết sau 3-5 tháng sẽ ra sổ đứng tên tôi. Lúc thuê người đi vẽ họa đồ đất thì ông Đạt nhiệt tình đi cắm mốc chỉ ranh để chúng tôi đo vẽ nên tôi tin tưởng đã đóng cọc số tiền 2,4 tỷ đồng viết giấy tay, có người làm chứng từ tháng 3 tới tháng 6/2018 cho hai vợ chồng. Sau đó tôi đi làm sổ thì tá hỏa phát hiện miếng đất 600 m 2 bà Ngọc đã bán cho một người khác (mua sau), còn miếng đất 300 m 2 thì có một phần đất của một người khác đứng tên ở khu Nam Hồ” - ông Phán nói.
 
Vì quá bức xúc, ông Phán đã làm đơn tố cáo hành vi của vợ chồng bà Ngọc lên Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an TP Đà Lạt. Quá trình làm việc, công an đã triệu tập và yêu cầu bà Ngọc trả lại tiền cho người mua. Sau đó bà Ngọc có thỏa thuận sẽ bán mảnh đất khác gần đó của bà để trả nợ nhưng theo ông Phán, đây chỉ là một chiêu trò của bà Ngọc để chây ì, không chịu trả tiền cọc. “Đến nay đã hơn 1 năm, dù đã làm việc với cơ quan công an nhưng họ vẫn kiếm đủ cớ trốn tránh, còn tôi vẫn chưa nhận lại được tiền cọc” - ông Phán chia sẻ.
 
Tương tự ông Phán, bà N.L.H.H (ngụ Phường 12, TP Đà Lạt) bỏ tiền tích cóp của gia đình mua mảnh đất 200 m 2 tại khu vực An Sơn, Phường 4, TP Đà Lạt, giá 3,2 tỷ đồng của bà H.T.P và đã viết giấy đặt cọc cho người này 1 tỷ đồng. Thậm chí, chị H. đã cẩn thận ra phòng công chứng ký giấy cùng với những người có đất giáp ranh với thửa đất. Vậy nhưng, qua kiểm tra kỹ chị H mới phát hiện mảnh đất trên bà P. đã bán cho nhiều người khác trước đó. Cuối cùng, sau rất nhiều lần nói sẽ trả tiền cọc, bà P. mấy tháng nay không xuất hiện tại địa phương. Trong khi đó, cũng tại địa bàn Phường 4, TP Đà Lạt, một người khác đã tố cáo gia đình bà P. là ông Phạm Văn Huy (43 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng). Ông Huy kể: “Tháng 4/2019, bà P. cũng gạ bán cho tôi miếng đất rộng 210 m 2 tại khu vực An Sơn. Sau khi kiểm tra đất có sổ, không tranh chấp tôi đặt cọc 150 triệu đồng nhưng một tuần sau thì phát hiện miếng đất trên bà P. cũng bán cho 2 người khác và tới giờ tôi chưa lấy lại được tiền”.
 
Theo UBND TP Đà Lạt, thời gian gần đây, chính quyền các phường trên địa bàn nhận được nhiều đơn thư khiếu nại về việc mua bán, sang nhượng đất trái phép, trong đó một số vụ một mảnh đất bán cho nhiều người, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phân lô bán nền, sang nhượng đất nông nghiệp san gạt sai quy định. Theo thống kê sơ bộ, tính từ đầu năm 2019 tới nay, đã có 7 vụ việc mua bán, sang nhượng đất đai có dấu hiệu hình sự, công an thành phố điều tra và có hướng xử lý. 
 
Trước đó, chính quyền TP Đà Lạt cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân khi mua đất cần tìm hiểu rõ về tính pháp lý của lô đất muốn mua tại UBND xã, phường hoặc UBND TP Đà Lạt. Cụ thể là các thông tin như chủ sở hữu đất, tình trạng đất, quy hoạch, có chuyển mục đích sử dụng đất được hay không, phân lô được không... Thế nhưng, nhiều người dân do thiếu cảnh giác, ham lợi nhuận hay quá tin tưởng vào người bán nên không kiểm tra đối chiếu kỹ, chấp nhận giao dịch bằng các giấy tay và các hồ sơ photo, không được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận. Chính vì vậy, khả năng người mua mua phải đất đang tranh chấp, đất đã quy hoạch thực tế vẫn còn xảy ra. 
 
C.PHONG