Hướng mở giải quyết tồn đọng rác tại Đà Lạt

06:11, 26/11/2019

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, rất nhiều quyết sách được thông qua bám sát nhu cầu bức thiết của thực tiễn...

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, rất nhiều quyết sách được thông qua bám sát nhu cầu bức thiết của thực tiễn. Một trong số đó là việc đưa quyết sách đầu tư hàng chục tỷ đồng cho vấn đề giải quyết tồn đọng rác thải hiện nay được các đại biểu HĐND tỉnh và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 
 
Rất cần nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực trong đầu tư thu gom, xử lý rác. Ảnh: N.Thu
Rất cần nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực trong đầu tư thu gom, xử lý rác. Ảnh: N.Thu
 
Trong tổng số danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách địa phương được UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 10 - kỳ họp bất thường vừa diễn ra vào 31/10 vừa qua, thì có 2 dự án được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đặc biệt quan tâm nhất. Đó là chính thức phê duyệt thông qua dự án “Đóng cửa bãi rác P’ré xã Phú Hội, huyện Đức Trọng” với tổng mức đầu tư 20.000.000.000 đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 70% và ngân sách huyện đối ứng 30%. Dự án thứ hai đó là dự án “Đóng cửa bãi rác Cam Ly - Đà Lạt” với tổng mức đầu tư 49,9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 70% và ngân sách TP Đà Lạt đối ứng 30%. Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng, là hướng mở để các cơ quan liên quan tiến hành các giải pháp khắc phục sự cố xử lý rác thải tại 2 bãi rác nói trên. Là vấn đề nóng được dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua, Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để, dứt điểm.Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung giải ngân 6 tỷ đồng trong năm 2019 - 2020 cho dự án đóng cửa bãi rác thôn P’ré và giải ngân 8 tỷ đồng cho việc đóng cửa bãi rác Cam Ly. Trao đổi về những dự án được trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 10 , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng: Đây là những công trình bức xúc, cấp bách, cần số vốn lớn. 
 
Vấn đề rác thải - là vấn đề khó, theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu phải đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh xin tiếp thu phần khảo sát, kiểm tra, giám sát, đề xuất của Ủy ban MTTQ tỉnh, của các Đại biểu Quốc hội thời gian qua và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, các địa phương Đức Trọng, Đà Lạt để tập trung giải quyết có hiệu quả nhất, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
 
Theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 thể hiện vị trí quy hoạch mới khu xử lý chất thải rắn cho cả khu vực là tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt với diện tích 50 ha. Ngoài ra, không còn vị trí nào khác được quy hoạch là khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
 
Trong tổng diện tích 50 ha thuộc quy hoạch khu xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 đã cho Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (Cty NLX) thuê với diện tích 28 ha đất nằm ở vị trí trung tâm để xây dựng công trình. 
 
Diện tích 22 ha đất còn lại thuộc Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn theo Quyết định 704 của Chính phủ là các dải đất hẹp nằm bao xung quanh diện tích đã cho thuê, nên rất khó thu hút các chủ đầu tư khác để đầu tư xây dựng công trình nhà máy xử lý chất thải mới.  
 
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình: Ngay sau khi UBND tỉnh chỉ đạo, lãnh đạo TP Đà Lạt đã đi khảo sát thực tế, đề xuất giải pháp cho lắp đặt một trạm đốt rác tại bãi rác Cam Ly với công nghệ hiện đại của Đức, công suất xử lý 240 tấn rác/ngày, phù hợp với khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày của toàn TP Đà Lạt. Trạm đốt rác này về trước mắt và lâu dài sẽ giải phóng hết hàng chục ngàn tấn rác tồn đọng nhiều năm nay ở bãi rác Cam Ly, hướng tới việc hoàn nguyên bãi rác này, thực hiện đề án mở rộng TP Đà Lạt và các vùng phụ cận, tầm nhìn 2030 đến 2050, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cùng với đó là giải pháp tìm nhà đầu tư hợp tác hoặc thay thế nhà máy (NM) xử lý rác của Cty NLX duy nhất hiện có... Trong khi NM xử lý rác Đà Lạt ngưng hoạt động, rác thải sinh hoạt vẫn tiếp tục đổ về, chôn lấp tại bãi rác Cam Ly, phương án là lắp đặt 1 dây chuyền công nghệ lò đốt để đốt rác tại đây trong thời gian chờ hoàn thiện NM xử lý rác theo phương pháp phân loại, làm phân, tái chế và đốt rác. Thiết kế trạm di động, modul lắp ráp, có thể di chuyển vị trí tùy theo mục đích sử dụng, công suất xử lý 240 tấn/ngày, phù hợp với khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày của TP Đà Lạt. Công nghệ (Đức) đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường, có hệ thống phun chế phẩm vi sinh khử mùi tự động, hệ thống thu gom, phân loại rác và xử lý nước rỉ rác, khí thải...
 
Theo đó, rác sau khi đưa về bãi tập kết sẽ được xe múc đổ vào phễu chứa đến hệ thống phân loại để tách các chất mùn, chất trơ, và vô cơ. Mùn và chất trơ sẽ đi qua vít tải ra ngoài phễu tiếp nhận hoặc khu lưu chứa, tại đây sẽ phân loại lần 2 để tách mùn và chất trơ. Mùn làm phân compost, còn chất trơ (gạch, cát, đá…) sẽ được chôn lấp tại hố.
 
Chất vô cơ (giẻ, vải vụn, ni lông, mút xốp…) sẽ qua băng tải đi vào hệ thống lò đốt tầng sôi để tiến hành xử lý bằng phương pháp đốt với nhiệt độ > 9500C, sẽ cháy hoàn toàn; có hệ thống xử lý khí thải, tạo sạch khi ra môi trường. Qua hệ thống lọc, bụi còn lại sẽ được đóng rắn làm gạch không nung phục vụ xây dựng.
 
Diện tích cần để bố trí trạm xử lý là 1 ha. Thời gian lắp đặt hệ thống nhanh trong khoảng 2 tháng. Nếu được chấp thuận, đơn vị cung cấp thiết bị sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống và chịu mọi chi phí đầu tư ban đầu; chi phí chi trả cho việc xử lý rác tính theo đơn giá UBND tỉnh phê duyệt (bao gồm chi phí vận hành, xử lý).
 
Ưu điểm của phương án này là sẽ đảm bảo công tác tiếp nhận và xử lý triệt để rác thải cũng như kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường; không cần thiết phải xây dựng mới đường giao thông, không tốn chi phí đầu tư ban đầu của ngân sách, đầu tư theo hình thức dịch vụ. Về lâu dài, sau khi ngưng tiếp nhận rác tại bãi rác Cam Ly, có thể dùng hệ thống này thực hiện dự án đóng cửa bãi rác Cam Ly theo hướng triệt để.
 
Liên quan đến 7 hộ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do bãi rác Cam Ly đổ sập hồi tháng 8/2019, lập dự toán số tiền hỗ trợ, bồi thường 11,7 tỷ đồng cho các hộ dân; thu hồi diện tích đất mà các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất tại khu vực bãi rác Cam Ly, giao Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt quản lý, tạo mặt bằng thuận lợi cho việc đổ rác và đầu tư, cải tạo, xây dựng vườn ươm phục vụ việc chăm sóc cây, hoa trên địa bàn TP Đà Lạt; không tiếp tục đổ rác trên mặt bằng thượng lưu tại bãi rác Cam Ly như hiện nay, tránh nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra mà cải tạo mặt bằng hạ lưu bãi rác để tạm chứa.
 
Việc kêu gọi các nhà đầu tư thực sự có tâm huyết, năng lực, trách nhiệm, vì mục tiêu chung trong xử lý rác thải mang tính nhân văn, bền vững là câu hỏi đặt ra cho chính quyền, các ngành liên quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của địa phương, đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của Nhân dân.
 
NGUYỆT THU