Lạc Dương chủ động trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

06:11, 19/11/2019

Những diện tích rừng bị người dân lấn chiếm để canh tác trước đây đã và đang được huyện Lạc Dương giải tỏa và tiến hành trồng lại rừng, cho thấy việc phủ xanh đất trống đồi trọc của địa phương này khá tốt.

Những diện tích rừng bị người dân lấn chiếm để canh tác trước đây đã và đang được huyện Lạc Dương giải tỏa và tiến hành trồng lại rừng, cho thấy việc phủ xanh đất trống đồi trọc của địa phương này khá tốt.
 
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã và đang được huyện Lạc Dương trồng cây rừng 4 năm tuổi. Ảnh: H.Yên
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã và đang được huyện Lạc Dương trồng cây rừng 4 năm tuổi. Ảnh: H.Yên
 
Giá trị đất nông nghiệp tăng nhanh khiến tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng, mở rộng diện tích để lấy đất canh tác nương rẫy vẫn xảy ra. Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, trên địa bàn huyện vẫn còn hiện tượng lén lút lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Trong tổng số đất rừng bị lấn chiếm có một phần là nương rẫy của đồng bào từ những năm trước, ngoài diện tích đất canh tác đã ổn định, tình trạng người dân lấn chiếm thêm ngày một gia tăng, khiến áp lực giữ rừng của cơ quan chức năng ngày càng nặng nề. 
 
Trước thực tế đó, huyện Lạc Dương cũng đã có những biện pháp chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các vụ việc lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Đồng thời, rà soát toàn bộ các hiện trường bị ken cây, phá rừng trước đây để tiến hành giải tỏa toàn bộ cây trồng, công trình trái phép, kể cả diện tích vi phạm, đất trống nhỏ lẻ giáp ranh với diện tích đất sản xuất của người dân, khẩn trương đưa diện tích này vào trồng rừng, khôi phục rừng ngay trong mùa mưa 2019; kiên quyết không để đối tượng vi phạm tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. 
 
Hạt Kiểm lâm của huyện và các đơn vị chủ rừng thực hiện giải tỏa nóng cây trồng trên diện tích bị lấn chiếm. Kết quả, từ đầu năm đến nay đã giải tỏa và trồng ngay lại rừng trên diện tích hơn 8,4 ha (cây giống 4 năm tuổi) trên diện tích lấn chiếm trồng cà phê năm 2019 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) đầu nguồn Đa Nhim.
 
Theo đó, Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim đã mua 5.000 cây thông ba lá với số tiền 100 triệu đồng, cây giống đạt tiêu chuẩn cây con xuất vườn theo quy định để tiến hành trồng rừng. Cây con có bầu, cây khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh, không cụt ngọn, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không cong queo, có chiều cao 50-70 cm, đường kính cổ rễ 1-1,5 cm. 
 
Đơn vị đã tiến hành trồng rừng trên diện tích phá rừng, lấn chiếm trái phép đã giải tỏa, diện tích đất trống năm 2019, với tổng diện tích 8,41 ha tại các tiểu khu 144A, 115, 116, 95, 120, 94B, 122; đã trồng tổng số 5.000 cây thông ba lá, cụ thể: Trạm QLBVR Đarahoa: 3 vị trí tại tiểu khu 144A, diện tích 1,471 ha, với 660 cây; Trạm QLBVR Đa Nhim: 4 vị trí tại các tiểu khu 95 và 120, diện tích 3,48 ha, số cây trồng 2.175 cây; Trạm QLBVR Đa Chais: 3 vị trí tại tiểu khu 94B và 122, diện tích 2,41 ha, số cây trồng 1.505 cây.
 
Kinh phí trồng rừng được trích từ nguồn kinh phí dự phòng của huyện. Trong thời gian tới, đơn vị Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim sẽ tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, phòng chống sâu bệnh hại và ngăn chặn không cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm trên diện tích rừng đã tổ chức trồng rừng nói trên. Khẩn trương xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn 5 năm gửi về UBND huyện và UBND các xã, thị trấn Lạc Dương để các xã, thị trấn có cơ sở xây dựng phương án trên địa bàn quản lý của từng địa phương.
 
Đồng thời, tiếp tục củng cố lực lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã và lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng có hành vi ken cây, phá rừng, hủy hoại rừng; nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cán bộ phụ trách các trạm, tiểu khu và lực lượng nhận khoán để chủ động tuần tra, kiểm tra rừng (đặc biệt là các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra vi phạm); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, hạn chế thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Yêu cầu tổ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, tập trung tại các vị trí giáp ranh với vườn rẫy của người dân để hạn chế, kịp thời ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
 
Việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trả lại cho mục tiêu phát triển lâm nghiệp và Ban QLRPH đầu nguồn Đa Nhim để trồng lại rừng, đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương. Ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tổ chức ra quân các đợt cao điểm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản phối hợp tốt trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Chính vì vậy, tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, các vụ vi phạm về san ủi đất được xử lý triệt để, thể hiện tính răn đe cũng như nghiêm minh của pháp luật. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hồi đất rừng và trồng rừng. Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc triển khai kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng, có báo cáo với UBND huyện hàng tuần. Các đơn vị chủ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp các xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. “Việc phục hồi rừng ngay sau khi bị lấn chiếm thể hiện sự quyết tâm giữ rừng của huyện, đồng thời, để người dân biết rõ là không thể xâm hại đất rừng”, ông Lê Chí Quang Minh khẳng định.
 
HOÀNG YÊN