Chịu trách nhiệm trước sự phát triển của mình

05:12, 26/12/2019

Hành động ngay từ việc nhỏ nhất, thiết kế menu, gửi thông điệp uống nước sử dụng ống hút giấy, ly giấy… hay thiết lập mô hình xử lý rác thải hữu cơ, biến rác thành những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng...

Hành động ngay từ việc nhỏ nhất, thiết kế menu, gửi thông điệp uống nước sử dụng ống hút giấy, ly giấy… hay thiết lập mô hình xử lý rác thải hữu cơ, biến rác thành những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng. Đó là cách làm mới , đầy sáng tạo, thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng với phương châm “Chịu trách nhiệm trước sự phát triển của mình” vì thương hiệu Đà Lạt. 
 
Mô hình xử lý rác thải hữu cơ đang được Công ty CP Cối Xay Gió Đà Lạt thử nghiệm và nuôi trồng thành công, tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ con người, bảo vệ môi trường. Ảnh: N.Thu
Mô hình xử lý rác thải hữu cơ đang được Công ty CP Cối Xay Gió Đà Lạt thử nghiệm và nuôi trồng thành công, tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ con người, bảo vệ môi trường. Ảnh: N.Thu
 
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường 
 
Mọi người biết đến Nguyễn Đăng Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Cối Xay Gió Đà Lạt bởi anh là Phong Windmills, nổi tiếng với Cối Xay Gió, là chủ nhà hàng Vuông Pizza và Yolo Hotel, quản lý khoảng 480 nhân sự. Nhưng ít ai biết đến cái Tâm và cái Tầm của Phong và các cộng sự của anh khi luôn hướng đến giá trị tích cực, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Tinh thần và năng lượng sống làm việc tích cực ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, khách hàng của Windmills khi vươn tới khẳng định cho bạn bè thế giới biết đến một “Đà Lạt chất lượng cao” với những dịch vụ cao cấp, sản phẩm chất lượng, con người Đà Lạt sống nhân văn. Ngoài mục tiêu kinh doanh, thì các hoạt động vì cộng đồng, bảo vệ giữ gìn môi trường trong lành của Đà Lạt luôn được hướng đến. 
 
Với năng lượng tràn đầy của lớp trẻ, sự nhiệt huyết, đam mê và ham muốn khẳng định mình, Phong và tập thể Công ty đang làm 2 dự án về môi trường. Trong đó, dự án nội bộ đó là Công ty khuyến khích nhân viên chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, tại mỗi cửa hàng cà phê Windmills, các nhân viên làm những menu và thiết kế hình ảnh, thông tin mang thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời, luôn tìm cách thay đổi, cải tiến liên tục nhằm thay đổi thói quen khách hàng về việc hạn chế rác thải nhựa. Được biết, sắp tới, trong tháng 3 năm 2020, chuỗi nhà hàng Nhật, Thái của Công ty sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu hạn chế thấp nhất chất thải nhựa. Thay vì uống nước coca - cola, pep-si bằng lon in - nok, lon nhựa thì các nhà hàng của Phong sẽ thay thế bằng ly thủy tinh và tiết kiệm chi phí hơn. 
 
Làm du lịch ở khu xử lý rác thải
 
Còn dự án bên ngoài, theo Phong, một trong những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường, không khí chính là nguồn rác thải hữu cơ từ thức ăn thừa, vỏ bã trà, cà phê, thực phẩm thải ra của các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu về môi trường, thì rác thải hữu cơ còn gây độc nhanh hơn rác thải vô cơ đối với cơ thể con người. Chính vì vậy, Phong đã cùng các bạn trong công ty có ý tưởng tái chế nguồn rác thải hữu cơ trở thành sản phẩm hữu ích. Công ty Cối Xay Gió Đà Lạt đã liên kết, phối hợp với một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyên về xử lý rác thải và liên kết các công ty nước ngoài để xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ trở thành hữu ích.
 
Vừa qua, tại Đà Lạt, nhóm của Phong đã thuê một mảnh đất dưới đèo Prenn rộng 1 ha để thử nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ. Trước mắt là xử lý trực tiếp nguồn rác thải của chuỗi các nhà hàng của Công ty Cối Xay Gió và sau đó sẽ nhân rộng ra các nhà hàng khác của các hộ kinh doanh, công ty tại Đà Lạt cùng thực hiện. Phong chọn cách biến rác thải thành sản phẩm hữu ích bằng cách thu gom toàn bộ rác thải hữu cơ gồm thức ăn thừa, bã cà phê… đưa xuống khu vực Farm tại đèo Prenn nơi Công ty thuê đất để tiến hành xử lý rác. Toàn bộ thức ăn thừa Phong đã triển khai nuôi thành công 300 con gà, dành 7.000 ngàn m2 đất trồng các loại cây, rau sạch các loại từ phân sinh học. Phong cùng Công ty đã dùng rác thải nuôi trùn quế để nuôi gà, ấu trùng nấm đen, kể cả nuôi gà bằng đệm bio sinh học không gây mùi hôi, sau đó dùng tấm đệm này làm phân bón cây trồng.
 
Tiến tới tháng 6 năm 2020 sẽ có một điểm du lịch cho khách tham quan tại chính khu xử lý rác thải này. Tại đây, khách sẽ được tham quan quy trình, cách thức xử lý rác thải hữu cơ và tái sử dụng phân sinh học trồng thành những vườn rau sạch. Rồi chính những sản phẩm từ nông nghiệp, chăn nuôi đó, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn từ gà, trứng gà, khoai tây, cá tầm... Ước tính, mỗi năm Công ty Cối Xay Gió sẽ xử lý được 18 tấn rác thải. Từ mô hình này sẽ hạn chế một lượng rác thải cho Đà Lạt trong tương lai. 
 
Được biết, với nhiều ý tưởng luôn mới, mang tính sáng tạo, Công ty đã tạo ra những sản phẩm phục vụ khách hàng ngày càng đảm bảo chất lượng và uy tín. Sắp tới, Công ty Cối Xay Gió tiếp tục phát triển hệ thống Nhà hàng Nhật Songuku, Nhà hàng Thái Chiang Mai in Đà Lạt để tăng cường kết nối du lịch giữa Đà Lạt - Thái Lan và Đà Lạt - Nhật Bản.
 
Điều đặc biệt nữa ở Phong cũng như toàn Công ty đó là Phong biết cách truyền năng lượng sống tích cực, luôn khơi dậy tính sáng tạo trong công việc, luôn tạo môi trường làm việc tốt nhất để các bạn trẻ có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho bản thân. Hiện nay, công ty có nguồn nhân sự là thanh niên trẻ của Đà Lạt khá nhiều, chỉ có một số ít các bạn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Nguyễn Đăng Phong muốn hướng các bạn trẻ Đà Lạt biết cách tận dụng và phát huy thế mạnh của phong cách người Đà Lạt để làm nên thành công. Phong chia sẻ: Không năng động như con người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng người Đà Lạt rất hiền lành, thân thiện, có tâm với công việc - vì thế Phong đã biến những “nét riêng” này để xây dựng nên thương hiệu cho chuỗi cà phê Windmilk và chuỗi nhà hàng Nhật, Thái để phục vụ khách tốt nhất. Hiện tại, rất nhiều bạn trẻ người Đà Lạt đã có vị trí và mức lương rất cao trong Công ty của Phong. 
 
Biết cách lập trình và xây dựng phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ khách hàng, trong đó chuỗi sản phẩm đó phải mang giá trị cao. Bỏ ra nhiều chất xám hơn, sử dụng nhân sự nhiều hơn, kinh phí nhiều hơn để lập ra chuỗi sản phẩm an toàn, uy tín. Hay nói cách khác đi đó chính là việc hình thành “chuỗi kinh tế trí thức” cho thế hệ trẻ Đà Lạt. Khẳng định và hướng đến sản phẩm cao cấp hơn, không ăn xổi, chụp giựt đơn thuần mà hơn thế tạo sự phát triển thật sự bền vững, có chiến lược.
 
Đó chính là giải pháp để Đà Lạt không bị phá vỡ bởi dịch vụ “giá rẻ”. Phong và Công ty đã đưa ra 10 mục tiêu phát triển bền vững mang tính chiến lược và một trong số những mục tiêu quan trọng đó chính là yếu tố môi trường. Đà Lạt là thành phố xanh - sạch - đẹp, nếu chúng ta không giữ gìn thì chính chúng ta sẽ làm mất Đà Lạt; đồng thời phát huy phong cách, nét đẹp văn hóa người Đà Lạt để phát triển kinh tế. Nguyễn Đăng Phong cho hay: “Tất cả các nhà hàng đều là đối thủ cạnh tranh của nhau. Tất cả đều có thể cạnh tranh trên sản phẩm, trên khách hàng”. Việc Nguyễn Đăng Phong đã và đang làm như một phần chung tay xây dựng để Đà Lạt trở thành nơi đáng sống nhất.
 
NGUYỆT THU