Đơn Dương: Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý tín dụng chính sách

06:12, 16/12/2019

Phát huy vai trò cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Đơn Dương đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Phát huy vai trò cầu nối nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Đơn Dương đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp hàng nghìn hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân ở huyện Đơn Dương đã đầu tư phát triển trang trại, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: H.Sa
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân ở huyện Đơn Dương đã đầu tư phát triển trang trại, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: H.Sa
 
Đóng góp tích cực vào việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý tín dụng chính sách, Hội Nông dân huyện Đơn Dương đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai đồng bộ các giải pháp: Phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay vốn để kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về chương trình tín dụng ưu đãi cho cán bộ, hội viên…
 
Đến hết tháng 10/2019, Hội Nông dân huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 3.312 hộ vay thông qua 80 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 92 tỷ đồng.
 
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương 1,2 tỷ đồng, Hội đã hỗ trợ cho 40 hộ dân vay đầu tư thực hiện 2 dự án sản xuất rau, hoa công nghệ cao (20 hộ tại xã Lạc Lâm và 20 hộ tại xã Tu Tra). Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội đã triển khai cho 20 hộ dân tại xã Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ vay để triển khai dự án sản xuất rau công nghệ cao. Riêng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã được giải ngân với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho 75 hộ vay ở 9/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 
 
Bên cạnh đó, để giúp các hộ vay sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được vay, trong năm 2019, Hội phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức kinh tế đóng trên địa bàn tổ chức 147 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với gần 9.000 lượt hộ nông dân tham gia.
 
Ông Huỳnh Ngọc Thận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho rằng: Cái hay của công tác cho vay qua các tổ chức nhận ủy thác là hỗ trợ các hộ, cá nhân có nhu cầu sản xuất, chăn nuôi, tiêu dùng… quy mô nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa, không phải đi lại khó khăn, không cần thực hiện các thủ tục giao dịch tại quầy… nhưng vẫn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tránh được áp lực trả nợ khi đáo hạn.
 
Chính vì vậy, trong năm 2019, Hội Nông dân huyện đã tích cực vận động hội viên trên địa bàn huyện thành lập mới và tham gia vào 13 tổ hợp tác (THT), hợp tác xã tiêu biểu như: THT Suối Thông B2, xã Đạ Ròn; THT Mầm Xanh, xã Lạc Xuân; Tổ dịch vụ phân bón xã Quảng Lập, Ka Đô…
 
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đồng thời ngăn chặn hiệu quả tình trạng tín dụng đen đang “nở rộ” ở các vùng nông thôn, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách; đặc biệt coi trọng hoạt động của các tổ vay vốn, giao dịch tại xã.
 
Thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn, ông Thận cho hay.
 
HOÀNG SA