Tham vấn về Dự án thuỷ điện dòng chính Luông Prabang của Lào

09:12, 30/12/2019

(LĐ online) -  Từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, Việt Nam tiến hành các hoạt động tham vấn về Dự án Thuỷ điện Luông Prabang của Lào...

[links()]
(LĐ online) -  Từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, Việt Nam tiến hành các hoạt động tham vấn về Dự án Thuỷ điện Luông Prabang của Lào. Hoạt động tham vấn này do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì thực hiện nhằm đánh giá tác động sơ bộ của Dự án thủy điện Luông Prabang, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. 
 
Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án Thuỷ điện Luông Prabang của Lào do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì tổ chức vào tháng 11/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tham vấn quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức trong thời gian tới. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án Thuỷ điện Luông Prabang của Lào do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì tổ chức vào tháng 11/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tham vấn quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức trong thời gian tới. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
 
Ngày 31/7/2019, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện Luông Prabang của Lào trên dòng chính sông Mê Công. Công trình Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Các thông số chính của công trình bao gồm: Diện tích lưu vực 231.329 km2, tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam. Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang của Lào, bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu và Công ty TNHH PT của Lào nắm giữ 37%. Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến sau quá trình tham vấn, công trình sẽ được khởi công xây dựng từ ngày 01/07/2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027. 
 
Ở vùng thượng nguồn sông Mê Công, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện. Hiện, cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng hạ lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long. Tại vùng hạ lưu sông Mê Công, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính; trong đó, Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước và Campuchia có 2 công trình. Tới nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng hai công trình là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông và Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho hai công trình là Pắc-Beng và Pắc-Lay. 
 
Mặc dù tác động riêng của công trình thủy điện Luông Prabang có thể là không lớn do ở xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mê Công là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam. Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này. 
 
Với tiềm năng thuỷ điện trên sông Mê Công của Lào, để góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trong bối cảnh khó khăn của quốc gia, Lào vẫn đặt phát triển thuỷ điện lên ưu tiên hàng đầu và kêu gọi đầu tư. Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt là về thuỷ điện. Việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án thuỷ điện Luông Prabang đã được cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đối với phát triển thuỷ điện dòng chính sông Mê Công. Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế đến xây dựng và vận hành công trình, chủ động nghiên cứu giám sát tác động; đồng thời, triển khai và thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Trong lưu vực Mê Công, Việt Nam là quốc gia ở cuối nguồn, luôn tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký kết năm 1995 và Bộ Quy chế giám sát sử dụng nước, trước hết là vì lợi ích của quốc gia và hài hoà hợp tác toàn lưu vực. Hiệp định Mê Công 1995 không có quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác, nhưng có quy định cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững dòng sông Mê Công và có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra. Do vậy, mặc dù Việt Nam có sự tham gia đầu tư vào dự án thuỷ điện Luông Prabang nhưng mọi quy trình, thủ tục thực hiện tham vấn đối với Dự án này sẽ được hoàn toàn tuân thủ theo các quy định liên quan và phù hợp của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Trong quá trình tham vấn, rà soát, đánh giá tài liệu dự án do Lào nộp, mọi tác động xuyên biên giới của công trình đối với hạ du, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu Chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trước khi xây dựng công trình. 
 
Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công, mối quan tâm của Việt Nam và các quốc gia thành viên không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thuỷ điện dòng chính, của phát triển thuỷ điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội của quốc gia và của khu vực, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học, từ đó mới có thể có các giải pháp khả thi và phù hợp với thực tiễn; đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong lưu vực Mê Công thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mê Công nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng và đặc biệt trước mắt quá trình tham vấn cho thủy điện dòng chính Luông Prabang cần phải trở thành hình mẫu cho áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động cho các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công.
 
P.V