Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

04:02, 12/02/2020

(LĐ online) - Trước tình hình nhiều ổ dịch cúm gia cầm bùng phát tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có ổ dịch cúm gia cầm tại Quảng Ninh (Việt Nam) chưa qua 30 ngày và đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

(LĐ online) - Trước tình hình nhiều ổ dịch cúm gia cầm bùng phát tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có ổ dịch cúm gia cầm tại Quảng Ninh (Việt Nam) chưa qua 30 ngày và đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
 
Cán bộ thú y huyện Đạ Tẻh Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm. Ảnh: Khánh Phúc
Cán bộ thú y huyện Đạ Tẻh Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm. Ảnh: Khánh Phúc
 
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định.
 
Trước đó, ngày 3/2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cùm gia cầm. Tiếp đó, ngày 5/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc về việc chủ động phòng, chống bệnh Cúm A (H5N1) trên gia cầm và người.
 
Nhằm chủ động ngăn chặn bệnh Cúm A (H5N1) phát sinh, bùng phát trên đàn gia cầm và nguy cơ lây lan sang người trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung thông tin, tuyên truyền về nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát và lây lan ra diện rộng, nguy cơ lây truyền dịch bệnh qua đường vận chuyển, buôn bán; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sản phẩm gia cầm sử dụng phải được nấu chín, không ăn tiết canh; vận động người dân tự giác khai báo khi phát hiện có gia cầm bị bệnh chết, gia cầm nghi mắc bệnh; giảm thiểu các hành vi làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
 
Khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm, vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để sớm khoanh vùng, khống chế, dập dịch hiệu quả khi có ổ dịch xuất hiện. Trường hợp phát hiện có ổ dịch, phải thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định type gây bệnh, đồng thời báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (qua Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản) và cơ quan y tế của địa phương biết để phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm. Nghiêm cấm và xử lý mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
 
Sử dụng lượng hóa chất đã được Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản phân bổ thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc đợt I/2020 theo Kế hoạch của UBND tỉnh và kết hợp triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt I năm 2020” do Bộ Nộng nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động. Trong đó, chú trọng các ổ dịch cũ, chợ buôn bán gia súc gia cầm sống, các cơ sở giết mổ và những vùng có nguy cơ cao.
 
Tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng theo Kế hoạch phê duyệt của UBND tỉnh. Đối với các đối tượng không được hỗ trợ tiêm phòng miễn phí thì tự mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng theo quy định.
 
THANH SA