Chung tay cứu thác Cam Ly

06:03, 18/03/2020

Nằm giữa lòng Đà Lạt, thác Cam Ly một thời còn được gọi là thác Cẩm Lệ bởi vẻ đẹp của nó làm say đắm biết bao lữ khách...

Nằm giữa lòng Đà Lạt, thác Cam Ly một thời còn được gọi là thác Cẩm Lệ bởi vẻ đẹp của nó làm say đắm biết bao lữ khách. Cam Ly hôm nay không còn yêu kiều diễm lệ, mà dòng thác đang từng ngày nghẹn ngào rơi lệ vì sự ô nhiễm trầm trọng từ nguồn nước thải của cư dân thành phố.
 
Du khách nhỏ tuổi đưa tay bịt mũi khi đến gần dòng thác
Du khách nhỏ tuổi đưa tay bịt mũi khi đến gần dòng thác
 
Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đang chết dần chết mòn vì ô nhiễm 
 
Đến thác Cam Ly những ngày này, sự vắng vẻ bao trùm, chỉ nghe tiếng réo của dòng nước đen ngòm đổ xuống, sủi bọt, bốc mùi mang theo đủ loại chất thải. Thi thoảng bắt gặp một vài du khách hiếm hoi tìm đến vì “tiếng tăm lừng lẫy” của dòng thác, rồi lẳng lặng quay ra, vừa đi vừa bịt mũi ngăn mùi hôi thối. Nỗi ngậm ngùi, xót xa trước dòng thác như đứng trước một cô gái được tạo hóa ban cho sắc đẹp bị ai đó vô tình làm cho biến dạng méo mó. 
 
Thượng nguồn thác Cam Ly có những con suối chảy qua thành phố Đà Lạt dài 10,2 km được chia làm 4 đoạn: đoạn qua Phường 5 (từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly (2,2 km) đã được xây dựng bờ kè; đoạn qua Phường 1 (0,9 km, còn gọi là suối Nguyễn Văn Cừ) đã được xây bờ kè; đoạn qua Phường 8 (3,1 km, còn gọi là suối hồ đập 1) có bờ tự nhiên chảy qua vùng đất nông nghiệp sản xuất rau, hoa; đoạn qua Phường 7 (4 km) bờ tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất phần lớn là sản xuất rau, hoa và đất đô thị. Nhiều năm qua suối Cam Ly đã bị ô nhiễm rất nặng. Theo quan trắc chất lượng môi trường nước hàng năm của cơ quan chức năng tại 5 vị trí cụ thể: đập Thái Phiên, cầu Cẩm Đô, thác Cam Ly, cầu Cam Ly, cầu Hòa Lạc - Lâm Hà (hạ lưu suối Cam Ly), các thông số đánh giá mức độ ô nhiễm đều vượt chuẩn. Chất lượng nước đang bị cả ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và chất thải rắn lơ lửng, được xếp vào nhóm nước ô nhiễm nặng. Đặc biệt, tại 2 vị trí cầu Cẩm Đô, cầu Cam Ly, nguồn nước trước khi đổ xuống dòng thác có nồng độ nitơ, nitric, amoni vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính phát sinh từ khu vực thượng nguồn hồ Xuân Hương, đoạn suối từ hồ Xuân Hương và một số khu vực thuộc Phường 4 (đường Đồng Tâm, Gio An, Huyền Trân Công Chúa…) đến thác Cam Ly. 
 
Nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng là do nước thải sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp của hơn 250 ngàn cư dân thành phố; cộng nguồn rác thải (lỏng và rắn) từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại của hàng chục trung tâm, chợ buôn bán lớn nhỏ, gần 18 ngàn nhà hàng, khách sạn cơ sở lưu trú, gần 6 triệu du khách/năm. Công tác quản lý đô thị, quản lý các dự án đầu tư còn thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm soát, việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị: thiếu nhà máy xử lý rác thải, chủ yếu vẫn là chôn lấp; các hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động chưa hiệu quả; nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, các cơ sở lưu trú có hệ thống xử lý nước thải riêng nhưng chưa đạt hiệu quả, không được kiểm soát, thậm chí nhiều cơ sở còn không có hệ thống xử lý, xả thẳng nước thải ra môi trường. Sự quá tải về chức năng, dân số và sức ép về phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp đã gây tổn thương cho môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là ý thức của con người. Ngoài chất thải lỏng là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày được thải vô thức ra các rãnh thoát nước, rồi đổ ra suối Cam Ly; nhiều nguồn rác thải rắn khó phân hủy cũng bị du khách và một bộ phận người dân ném xuống những con suối không thương tiếc. 
 
Nỗ lực cứu thác Cam Ly khi chưa quá muộn
 
Trước tình trạng ô nhiễm dòng suối chảy trong thành phố, công tác quản lý việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên lưu vực dòng suối Cam Ly chảy qua trước khi đổ về thác ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ cơ sở kinh doanh xây mới đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường chiếm hơn 90%. Các tổ chức chính trị, Đoàn Thanh niên các cấp thường xuyên ra quân, dọn dẹp vệ sinh, vớt rác làm sạch hai bên bờ và lòng suối. Sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận, đoàn thể đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của từng người dân, từng cộng đồng dân cư. Nội dung bảo vệ môi trường cũng được đưa vào cam kết và là một tiêu chí quan trọng trong việc xem xét, đánh giá gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, khu dân cư văn hóa. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, xử lý nước thải tại từng cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh đã được chính quyền các cấp quan tâm. Việc đầu tư xây dựng mở rộng mạng lưới thu gom nước thải, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của các thành phần kinh tế, sự đô thị hóa mạnh mẽ, nên hiện tượng ô nhiễm môi trường do chất xả thải ngày càng nhiều, hệ thống suối chảy trong thành phố đổ về thác Cam Ly vẫn đen kịt, bốc mùi. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và du khách chưa cao; trên lưu vực vẫn còn nhiều hộ dân, nhiều cơ sở lưu trú chưa đấu nối với hệ thống thu gom nước thải tập trung. 
 
Làm gì để trả lại sự trong lành vốn có của Cam Ly luôn là nỗi trăn trở, là câu hỏi đặt ra không chỉ đối với chính quyền địa phương mà cả đối với người dân thành phố, với những người yêu mến Đà Lạt. Gần đây, một cuộc hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, đại diện Nhân dân, các nhà khoa học. Nhiều ý kiến, giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã được đưa ra mong muốn cứu lấy thác Cam Ly, cứu lấy danh lam thắng cảnh cấp quốc gia khi chưa quá muộn. Đó là, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của Nhân dân và du khách. Tăng cường quản lý, kiểm soát quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất hợp lý để cân bằng giữa đất và nguồn nước, giữ được nguồn nước thủy sinh trong lưu vực; quy hoạch trong nông nghiệp, hạn chế việc xây dựng nhà kính, nhà lưới tùy tiện, tự phát, đảm bảo các công trình xử lý môi trường trong nhà lưới, nhà kính. Quản lý chặt chẽ các dự án sản xuất nông nghiệp, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý việc sử dụng phân bón hóa học, bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, rác thải, tự giác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “Ai xả người đó phải trả, ai hưởng thành quả người đó phải trả, xả ra thế nào trả thế ấy”; thể chế hóa các quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.
 
Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân xả thải trực tiếp ra môi trường. Không ngừng kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiêm khắc thực hiện các chế tài đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại không thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình, hệ thống xử lý môi trường trong cam kết khi đầu tư xây dựng (Kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường).  
 
  QUỲNH UYỂN