Giữ rừng ở Đơn Dương

06:03, 27/03/2020

Bằng nhiều giải pháp, Đơn Dương lâu nay đã thực hiện khá hiệu quả việc chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn cũng như làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô.

Bằng nhiều giải pháp, Đơn Dương lâu nay đã thực hiện khá hiệu quả việc chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn cũng như làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô.
 
Phát dọn rừng mùa khô tại Đơn Dương
Phát dọn rừng mùa khô tại Đơn Dương
 
Tăng độ che phủ rừng
 
Với tổng diện tích rừng và đất rừng 40.816 ha trong tổng số 61.135 ha đất tự nhiên, Đơn Dương là một trong những huyện có tỷ lệ diện tích rừng và đất rừng lớn của tỉnh Lâm Đồng.
 
Theo đánh giá của ngành chức năng Đơn Dương, phần lớn rừng nơi đây là rừng thông thuần loại, rừng cây họ dầu nửa rụng lá, rừng khộp, rừng keo lai và khoảng 3.000 ha rừng thông trồng nên rất dễ cháy. Hầu hết rừng và đất lâm nghiệp ở Đơn Dương thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, được giao cho 2 đơn vị chủ rừng Nhà nước và 19 đơn vị thuê để thực hiện dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, du lịch dưới tán rừng.
 
Một trong những điểm nổi bật của Đơn Dương trong những năm qua chính là việc vận động cộng đồng dân cư trên địa bàn cùng tham gia trong công tác giữ rừng. Trong năm 2019 vừa qua, huyện đã phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện cùng các đơn vị chủ rừng tổ chức 45 cuộc gặp với hơn 2.000 lượt thành viên của các gia đình nhận khoán trên địa bàn để đánh giá công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời cùng vận động các hộ dân sống ven rừng, các gia đình canh tác nương rẫy ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
 
Ngành chức năng huyện trong năm cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đến các xã, thị trấn, đặc biệt những nơi có cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng.
 
Bên cạnh việc thúc đẩy trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn theo kế hoạch, huyện lâu nay luôn chú ý làm tốt công tác giữ diện tích rừng hiện có. Hằng năm, các ngành chức năng huyện phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra rừng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ bị phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Các đơn vị quản lý rừng cùng 970 hộ nhận khoán cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra trên 30 nghìn ha nhận khoán. 
 
Đơn Dương lâu nay cũng xác định được các khu vực trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng để có kế hoạch bảo vệ. Khu vực này theo ngành chức năng huyện, rộng khoảng 440 ha, nằm rải tại địa bàn các xã Tu Tra, Ka Đô, Pró, Lạc Xuân, thị trấn D’ran. Một khu vực khác cũng thường xảy ra các vụ phá rừng trước đây là Ya Hoa - vùng rừng giáp ranh giữa Đơn Dương và Ninh Thuận nhưng gần đây nhờ tăng cường tuần tra nên khá yên ổn. 
 
Trong phòng, chống cháy rừng huyện cũng xác định các điểm dễ xảy ra cháy trên địa bàn, lập các chòi canh lửa, tăng cường tuần tra, sớm phát hiện để ngăn chặn, nên trong suốt mùa khô 2018-2019 vừa qua, nhờ thời tiết thuận lợi và công tác chuẩn bị tốt, nên khi có những điểm cháy nhỏ mới phát sinh đã được huyện phát hiện, dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại về rừng. 
 
Nhờ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có nên Đơn Dương đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 56,8% trong năm 2015 lên 58% trong năm 2020.
 
Tăng cường trách nhiệm cấp cơ sở 
 
Như huyện đánh giá, mặc dù các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa cây trồng trên đất lâm nghiệp nhưng tình hình vi phạm lâm luật như: phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra trên địa bàn. Cùng đó, mùa khô hạn hằng năm thường nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng lớn; phương tiện chữa cháy cho lực lượng tại chỗ còn thô sơ, việc chống cháy vẫn còn rất nhiều khó khăn. 
 
Chính vì vậy, Đơn Dương xác định việc nâng cao nhận thức cho toàn cộng đồng, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hiện nay luôn là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh tăng cường công tác phối hợp tuần tra, truy quét, huyện cho biết sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm của chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn, củng cố Ban Lâm nghiệp xã, mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị quản lý rừng. 
 
Ngay trong đầu mùa khô năm nay, huyện cho biết đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững ở cấp huyện và cấp xã nơi có rừng. 
 
Trong phòng, chống cháy rừng huyện luôn yêu cầu thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. 
 
Nòng cốt của lực lượng tại chỗ này là cán bộ chủ rừng đóng tại xã, kiểm lâm địa bàn, các thành viên Ban Lâm nghiệp xã, huy động thêm lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, các tổ chức đoàn thể trong xã cùng tham gia chữa cháy rừng khi cần. 
 
Đơn Dương trong dịp này cũng yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn có rừng cần tăng cường vai trò và hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã; phối hợp với các chủ rừng và kiểm lâm địa bàn lập danh sách các gia đình sản xuất trong rừng và ven rừng thực hiện cam kết phòng cháy, thường xuyên kiểm tra việc đốt dọn vườn rẫy nhằm tránh cháy lan vào rừng, sẵn sàng huy động nhân lực tại địa phương tham gia chữa cháy. 
 
Cùng đó, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn chú ý bố trí lực lượng trực cháy rừng trong mùa khô, bao gồm các tổ, đội nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng, phân công trực tại các khu vực trọng điểm để phát hiện cháy nếu có và kịp thời huy động lực lượng chữa cháy.
 
Mục tiêu của Đơn Dương đưa ra trong năm nay khá cụ thể: phấn đấu giảm tối thiểu 20% các vụ vi phạm hằng năm và giảm 30% về diện tích phá rừng so với năm 2019 vừa qua; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn.
 
GIA KHÁNH