"Hô biến" đất nông nghiệp thành khu du lịch trái luật

06:03, 04/03/2020

Sau khi phân lô đất nền bất thành, chủ đầu tư đăng ký thành lập hợp tác xã để thay đổi pháp nhân rồi "hô biến" khu đất nông nghiệp hơn 1,7 ha nằm trong diện quy hoạch đất rừng phòng hộ thành khu du lịch trái luật nằm ngay cửa ngõ vào thành phố Ðà Lạt... 

[links()]
Sau khi phân lô đất nền bất thành, chủ đầu tư đăng ký thành lập hợp tác xã để thay đổi pháp nhân rồi “hô biến” khu đất nông nghiệp hơn 1,7 ha nằm trong diện quy hoạch đất rừng phòng hộ thành khu du lịch trái luật nằm ngay cửa ngõ vào thành phố Ðà Lạt... 
 
Các khối công trình không phép sử dụng làm cơ sở lưu trú tại khu du lịch
Các khối công trình không phép sử dụng làm cơ sở lưu trú tại khu du lịch
 
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, du khách trong và ngoài nước biết đến khu du lịch nửa tây nửa ta mang tên “Vườn Thượng Uyển bay” nằm cạnh Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Mimosa (Phường 10, TP Đà Lạt), nhưng không mấy người biết đây là “khu du lịch chui” vì chưa được cơ quan hữu quan cấp phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn “vô tư” đưa vào hoạt động kinh doanh thu phí trái luật. 
 
Vụ việc bắt đầu vào ngày 24/4/2019, bà Vũ Thị Ái (sinh năm 1976, trú tại Phường 8, TP Đà Lạt), chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1,7 ha đất nông nghiệp của Công ty Cổ phần Cát Tường Đà Lạt tại các thửa đất liền kề số 43, 44, 45 thuộc tờ bản đồ E118-II, mặt tiền đèo Mimosa (đoạn qua tổ Sở Lăng, Phường 10, TP Đà Lạt). Nguồn gốc của khu đất này được UBND TP Đà Lạt cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ Nguyễn Thị A và Nguyễn Văn Nghết vào năm 1998. 
 
Việc mua, bán sang nhượng trên chẳng có gì để nói nếu không có chuyện sau khi bà Ái làm chủ khu đất, lập tức có người đưa phương tiện cơ giới vào san ủi, tạo mặt bằng để phân lô nền đất nông nghiệp trái phép tại các thửa đất. Ghi nhận hiện trường thời điểm trên, một phần quả đồi trồng cà phê và cây tạp nằm bên phải khu đất đã bị máy múc, máy đào san phẳng để mở rộng mặt bằng cho khu đất. Cùng với đó, chủ đầu tư còn cho xây dựng kè taluy; hệ thống xử lý, thu gom nước mưa, nước thải; kéo điện hạ thế; phân chia khu đất thành nhiều lô đất nền trông chẳng khác gì một khu tái định cư. 
 
Khối công trình không phép làm nhà vệ sinh và quán giải khát trong khu du lịch.
Khối công trình không phép làm nhà vệ sinh và quán giải khát trong khu du lịch.
 
Theo lãnh đạo UBND Phường 10 (TP Đà Lạt), sau khi phát hiện việc san ủi, phân lô nền đất nông nghiệp trái phép tại khu vực trên, chính quyền địa phương đã vào cuộc điều tra nhưng gặp khó vì chủ đất không ra mặt. Cụ thể, ngày 12/4/2019, quá trình kiểm tra địa bàn tại khu vực đường đèo Mimosa, cán bộ Phường 10 phát hiện phương tiện xe cơ giới đang đào bới, san gạt tại các thửa đất số 43, 44, 45 thuộc tờ bản đồ E118-II, mặt tiền đèo Mimosa, nhưng chủ phương tiện là ông Trần Thanh Hoàng (ngụ tại TP Đà Lạt), chấp nhận bị xử lý vi phạm hành chính, nhất quyết không khai chủ đầu tư. UBND Phường 10, buộc phải lập biên bản đình chỉ thi công công trình, tạm giữ phương tiện, đồng thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,3 triệu đồng đối với ông Hoàng. 
 
Tiếp đó, ngày 26/4/2019, UBND Phường 10 lại tiếp tục phát hiện có phương tiện máy đào thi công làm đường đi, phân chia lô đất nhằm mục đích phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép tại khu vực trên nên phối hợp với Công an TP Đà Lạt lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện để xác minh ai là người đứng sau vụ việc. 
 
Để xử lý dứt điểm tình trạng san ủi, phân lô nền đất nông nghiệp trái phép tại khu vực đường đèo Mimosa, tháng 7/2019, UBND TP Đà Lạt có văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo Công an TP Đà Lạt; Phòng Quản lý đô thị; Phòng TN&MT tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, phân lô bán nền đất nông nghiệp trên địa bàn Phường 10, trong đó đề nghị Công an thành phố vào cuộc để xác định đối tượng, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo luật định. UBND TP Đà Lạt còn yêu cầu UBND Phường 10, thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ khu vực Sở Lăng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc có dấu hiệu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng qui định; lắp đặt các biển báo nhằm cảnh báo cho người dân biết khu vực này được quy hoạch đất rừng. 
 
Hạng mục công trình cổng trời cảnh quan không phép trong khu du lịch
Hạng mục công trình cổng trời cảnh quan không phép trong khu du lịch
 
Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó, trong tháng 7/2019, qua phản ánh của người dân, cơ quan chức năng TP Đà Lạt lại tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trần Thanh Hoàng về hành vi sử dụng phương tiện cơ giới san ủi, xây dựng đường bê tông nội bộ trên đất nông nghiệp đấu nối trái phép vào Quốc lộ 20 tại khu vực trên. Do tái phạm nhiều lần, nguy cơ bị xử phạt nặng, lần này ông Hoàng khai nhận làm thuê cho chủ đất là Vũ Thị Ái. Đến nước này chủ đầu tư mới ra mặt nhận trách nhiệm và có đơn cam kết không phân lô bán nền đất nông nghiệp để xin UBND Phường 10 tháo biển thông báo đất quy hoạch lâm nghiệp cho lô đất.
 
Tuy nhiên, ngay sau khi cơ quan chức năng “cởi trói” - tháo dỡ biển thông báo cho khu đất, bà Ái liền cho lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã (HTX) để thay đổi pháp nhân, nhằm hô biến khu đất nông nghiệp nằm trong diện quy hoạch đất rừng phòng hộ thành khu đất phi nông nghiệp. Ngày 16/9/2019, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX, với tên gọi đầy đủ là HTX Du lịch Canh nông Tổng hợp Xuân Ái Hùng (gọi tắt là HTX Xuân Ái Hùng), với ngành nghề đăng ký, gồm: Trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ du lịch canh nông và kinh doanh lưu trú, do bà Vũ Thị Ái làm đại diện với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX. 
 
Có được tư cách pháp nhân mới, dù biết khu đất nằm trong phạm vi quy hoạch đất rừng phòng hộ, ngày 24/9/2019, HTX Xuân Ái Hùng vẫn lập báo cáo đề xuất thực hiện Dự án đầu tư Khu Du lịch canh nông “Vườn Thượng Uyển bay” trình UBND tỉnh Lâm Đồng để xin phép xây dựng khu du lịch. 
 
Ngay sau khi trình đề án, không cần biết cơ quan chức năng có đồng ý cho phép đầu tư hay không, HTX Xuân Ái Hùng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho triển khai xây dựng hàng loạt hạng mục công trình không phép trên khu đất nông nghiệp. Nổi cộm là hạng mục công trình hai khối nhà quy mô 28 phòng lưu trú, bãi đậu xe, hàng rào, cổng bảo vệ, giếng khoan, hồ cảnh quan và các khối công trình làm nhà quản lý điều hành, quán cà phê giải khát, phòng bán vé, cổng trời cảnh quan...
 
Theo quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014; và quy hoạch sử dụng đất TP Đà Lạt đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015), được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 3/4/2014, các thửa đất trên thuộc phạm vi quy hoạch đất rừng phòng hộ. 

Một cán bộ Phường 10, xác nhận chủ đầu tư đã cho xây dựng 4 khối công trình riêng lẻ tại khu đất, với tổng diện tích vi phạm 3.547 m2, tuy nhiên thời điểm kiểm tra (ngày 4/12/2019), HTX Xuân Ái Hùng không trình được các giấy phép xây dựng. 

Với sai phạm trên, căn cứ đề xuất của UBND Phường 10, ngày 10/12/2019, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15 triệu đồng đối với bà Vũ Thị Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Xuân Ái Hùng về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại thửa đất 43, 44, tờ bản đồ E118-II (Phường 10, TP Đà Lạt). Ngoài việc xử phạt hành chính, UBND TP yêu cầu bà Vũ Thị Ái ngừng thi công công trình, buộc tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 10/12/2019). 
 
Bất chấp việc bị xử phạt vi phạm hành chính, bà Vũ Thị Ái chỉ đóng tiền phạt và phớt lờ việc khắc phục hậu quả; đồng thời ngày 13/1/2020, chính thức khai trương đưa khu du lịch vào hoạt động đón khách tham quan, lưu trú với giá vé vào cổng (vé tự phát hành) từ 50.000 - 100.000 đồng/người, lưu trú 900.000 đồng/buồng phòng. 
 
Việc làm trái luật của HTX Xuân Ái Hùng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, khiến dư luận không khỏi bức xúc, hoài nghi về vai trò quản lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP Đà Lạt. 
 
THỤY TRANG