Nỗ lực không để người dân thiếu nước sinh hoạt

01:03, 27/03/2020

(LĐ online) - Nước sinh hoạt đang là vấn đề cấp thiết của người dân ở nhiều khu vực trong tình trạng nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này đã được cơ quan chức năng đưa ra, để người dân không thiếu nước sinh hoạt.

(LĐ online) - Nước sinh hoạt đang là vấn đề cấp thiết của người dân ở nhiều khu vực trong tình trạng nắng nóng kéo dài trên diện rộng. Nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này đã được cơ quan chức năng đưa ra, để người dân không thiếu nước sinh hoạt.
 
Việc cấp nước sinh hoạt hiện nay cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân
Việc cấp nước sinh hoạt hiện nay cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân
 
920 hộ dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ
 
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 175 ngàn hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỉ lệ 89,12%. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong tổng số 245 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện nay, hiệu quả sử dụng bình quân đạt 65,89%. Cụ thể, trong tổng số công trình trên, có 4 công trình hoạt động bền vững; 68 công trình hoạt động tương đối bền vững (gồm 15 công trình cấp nước tự chảy, 50 công trình cấp nước giếng khoan, 3 công trình cấp nước khác; 112 công trình hoạt động không bền vững chiếm và 61 công trình không hoạt động.  
 
Toàn bộ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện và UBND xã quản lý, khai thác, vận hành. Hiện, các huyện đang quản lý 64 công trình, UBND xã và tổ tự quản quản lý 181 công trình. Trong đó, có 112 công trình hoạt động kém, 61 công trình không hoạt động. 
 
Cũng theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, việc cấp nước sinh hoạt hiện nay cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tại một số khu vực không có công trình cấp nước hoặc công trình bị hư hỏng đã gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ cho khoảng 920 hộ dân tại một số xã thuộc Đơn Dương (350 hộ tại các xã Ka Đô, Lạc Xuân, Quảng Lập), Lạc Dương (490 hộ tại xã Lát và Đạ sar), Đạ Tẻh (80 hộ tại xã Đạ Pal). 
 
Để tránh tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời điểm nắng hạn kéo dài như hiện nay, ông Hoàng Văn Thanh – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, cho biết: “Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đẩy nhanh tiến độ bàn giao các công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn về cho Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện quản lý và khai thác. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh, do Ngân hàng Thế giới tài trợ để tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể các công trình không hoạt động hoặc kém bền vững để có phương án sữa chữa, nâng cấp, khôi phục lại hoạt động, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân”. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đảm bảo đến năm 2025 có 95 -99% tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. 
 
Lâm Đồng đang hướng đến xã hội hóa trong việc đầu tư, quản lý và khai thác công trình nước sạch để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân
Lâm Đồng đang hướng đến xã hội hóa trong việc đầu tư, quản lý và khai thác công trình nước sạch để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân
 
Khó kêu gọi xã hội hóa
 
Không chỉ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô trước mắt, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước còn là vấn đề quan trọng, lâu dài bởi chất lượng nước tại các công trình nước sinh hoạt nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
 
 Hàng năm, việc lấy mẫu phân tích chất lượng nguồn nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đều được tiến hành. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi kết quả để khuyến cáo các địa phương, đơn vị trong việc sử dụng nguồn nước để nâng cao chất lượng cho người dân trong việc sử dụng nguồn nước. Gần đây nhất, cơ quan chuyên môn đã lấy 80 mẫu trên địa bàn tất cả các huyện, thành phố. Trong số đó chỉ có 14 mẫu đạt quy chuẩn. Nguyên nhân do hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt không có thiết bị xử lý nước sạch hoặc có thiết bị xử lý nước sạch nhưng không hoạt động, không vận hành; nguồn nước sử dụng cho công trình cấp nước tự chảy nằm trong vùng sản xuất của người dân nên nguy cơ ô nhiễm từ chất thải sản xuất nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chăn thả gia súc… Ngoài ra, công trình không được bảo dưỡng thường xuyên nên các vi khuẩn, vi sinh vật hữu cơ sinh sản và phát triển cũng là nguyên nhân gây ra chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Bên cạnh đó, hiện chỉ có 44 trong tổng số 245 công trình thu đủ bù chi. Vấn đề vướng mắc hiện nay, do cán bộ làm công tác nước sinh hoạt nông thôn tại cấp huyện còn thiếu và chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Trong quá trình quản lý vận hành vì lực lượng này không có chuyên môn, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động không cao. Mặt khác, các công trình nước sạch được xây dựng ở các khu vực có địa hình phức tạp, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, công tác vận hành chưa tốt nên nhanh bị hư hỏng xuống cấp. Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác quản lý, vận hành công trình nước sinh hoạt nông thôn chưa thường xuyên và sâu sát. 
 
Hiện, các cơ chế chính sách về xã hội hóa, khuyến khích công tác đầu tư, quản lý, khai thác công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh khá hoàn thiện và cụ thể song với điều kiện đặc thù về địa hình nhiều đồi núi chia cắt, dân cư không tập trung nên quy mô các công trình nhỏ, điều kiện quản lý, khai thác khó khăn nên lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn hiện nay vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. 
 
Bởi vậy, cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực nước sinh hoạt nông thôn đã được tỉnh cũng như các địa phương quan tâm và đẩy mạnh thực hiện. Một số nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này. Theo đó các dự án đã được tiến hành như nhà máy cấp nước Ghềnh đá, huyện Cát Tiên, nhà máy cấp nước Đạ R’Sal huyện Đam Rông, đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thị trấn Liên Nghĩa, dự án đấu nối và dẫn nước về vùng nông thôn từ các nhà máy nước tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh, Đạ Huoai… đã làm tăng thêm số lượng dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
 
Việc thúc đẩy xã hội hóa trong xây dựng các công trình nước sinh hoạt sẽ góp phần tăng số lượng người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
NGỌC NGÀ - HOÀNG YÊN