San ủi đất lâm nghiệp ở Đức Trọng - xử lý triệt để hơn

06:03, 12/03/2020

Qua kiểm tra tình trạng san ủi đất trên 2 tiểu khu 267C và 268 thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lâm Đồng xác định nhiều vị trí lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để, nghiêm minh. 

Qua kiểm tra tình trạng san ủi đất trên 2 tiểu khu 267C và 268 thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lâm Đồng xác định nhiều vị trí lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để, nghiêm minh. 
 
  Đoàn kiểm tra tại hiện trường lấn chiếm, san ủi đất trái phép thuộc địa bàn xã Hiệp An, Đức Trọng vào cuối tháng 2/2020
Đoàn kiểm tra tại hiện trường lấn chiếm, san ủi đất trái phép thuộc địa bàn xã Hiệp An, Đức Trọng vào cuối tháng 2/2020
 
Qua đó, tiếp tục đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương. 
 
Theo nguồn tin của phóng viên, Đoàn kiểm tra của Sở NN và PTNT vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Kết quả, Đoàn Kiểm tra đã xác định nhiều trường hợp san ủi đất trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên phạm vi rộng, thời gian khá lâu, nhưng vẫn chưa được chính quyền xã Hiệp An, Đức Trọng áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật. 
 
Cụ thể, đến cuối tháng 2/2020, tại hiện trường Tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Đoàn kiểm tra xác định 3 vị trí đã bị san ủi, múc đất với tổng diện tích 5.780 m 2. Trong đó vị trí số 1 (sau chùa Nguyên Không) đã san ủi thành bờ ta luy từ tháng 8/2019 với tổng diện tích 3.600 m 2. Đối chiếu với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì diện tích san ủi này nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, UBND xã Hiệp An chưa lập biên bản. 
 
Vị trí san ủi thứ 2 trên tổng diện tích 1.700 m 2 đối diện với trạm thu phí đường cao tốc Liên Khương. Đây là diện tích nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, thuộc loại rừng sản xuất. Đoàn kiểm tra ghi nhận UBND xã Hiệp An đã phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh lập hồ sơ chuyển về UBND huyện Đức Trọng xử lý vi phạm hành chính. Và ngày 19/6/2019, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp san ủi trái phép trên diện tích 1.700 m 2 đất lâm nghiệp. Thời điểm kiểm tra vào cuối tháng 2/2020, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh, UBND xã Hiệp An, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tổ chức trồng lại rừng diện tích 1.700 m2 vừa nêu. 
 
Ở vị trí số 3, đối diện với hầm chui đường cao tốc Liên Khương, Đoàn kiểm tra ghi nhận hiện trạng múc đất trên diện tích 480 m 2 đổ vào suối Đa Tam. Qua đối chiếu thì diện tích đất này thuộc quy hoạch đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Vị trí này thuộc công trình nắn dòng cục bộ suối Đa Tam đã được UBND huyện Đức Trọng cho phép ông Nguyễn Đệ, Phạm Hồng Tư, Hồ Thị Mộng Trinh theo Văn bản số 398/UBND-ĐT, ngày 25/9/2019; Văn bản số 2073/UBND-ĐT, ngày 23/10/2019 của UBND huyện Đức Trọng về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hồ sơ nắn dòng cục bộ suối Đa Tam đi qua các thửa đất số 48, 49, 50, Tờ bản đồ số 14, xã Hiệp An”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng ghi rõ. 
 
Cùng thời gian cuối tháng 2/2020 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Sở NN và PTNT đã hoàn thành kiểm tra trên diện tích 9.800 m 2 tại Tiểu khu 268, xã Hiệp An, Đức Trọng (sau Trạm thu phí cao tốc Liên Khương). Qua đó, đoàn xác định 7.000 m 2 diện tích đang trồng hoa màu và một số loại cây ăn trái thuộc đất nông nghiệp do UBND xã Hiệp An quản lý. Tuy nhiên, 2.800 m 2 diện tích còn lại thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất, nhưng đã canh tác cây cà phê lâu năm, nên chưa thể xác định thời gian người dân dùng cơ giới san ủi lấn chiếm…
 
Từ kết quả kiểm tra 2 tiểu khu 267C, 268 của Đoàn Kiểm tra thuộc Sở NN và PTNT nêu trên, ngày 3/3/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 1153 yêu cầu UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo UBND xã Hiệp An tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để ngay từ khi phát sinh vi phạm về phá rừng, lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp trái phép. Về các đơn vị chủ rừng, tiếp tục rà soát diện tích đất, rừng được giao để chủ động quản lý, trồng rừng, không để đất trống dẫn đến tình trạng lấn chiếm, san ủi trái quy định pháp luật. Riêng những diện tích đất lâm nghiệp mới lấn chiếm, san ủi phải tổ chức giải tỏa, thu hồi và nhanh chóng trồng lại rừng, tránh tình trạng đối tượng vi phạm trở lại lấn chiếm, sang nhượng trái phép…
 
VĂN VIỆT