Giữ hồn rừng bằng nghề đan lát

07:04, 01/04/2020

Cùng nối nghề trên hai trăm năm, bà Cil Prơt 72 tuổi và chồng K'Krê Cil 82 tuổi vẫn giữ gìn nghề đan (trơ dung) từ nguyên liệu cây lác rừng...

Cùng nối nghề trên hai trăm năm, bà Cil Prơt 72 tuổi và chồng K’Krê Cil 82 tuổi vẫn giữ gìn nghề đan (trơ dung) từ nguyên liệu cây lác rừng. Những vật dụng đặc sắc của văn hóa rừng, gắn bó nhiều thập kỷ với đời sống cư dân Tây Nguyên, vừa nhiều ý nghĩa về tâm linh, vừa nhiều giá trị về sử dụng. 
 
Ông bà K’Krê Cil - Cil Prơt say sưa giới thiệu các tấm trải cho những sinh viên đại học nghiên cứu
Ông bà K’Krê Cil - Cil Prơt say sưa giới thiệu các tấm trải cho những sinh viên đại học nghiên cứu
 
Rời đô thị xáo trộn vì dịch virus COVID-19, tôi thung thăng về nơi buôn làng. Nói buôn (bol) là cách gọi xưa của cư dân bản địa dân tộc K’Ho, còn cách gọi bây giờ, theo định danh đơn vị hành chính là thôn, nhưng vẫn giữ được danh xưng của tổ tiên: thôn Bon Dưng. Trong ngôi nhà xây của người con, đầy đủ các thiết bị gia dụng hiện đại: tivi, tủ lạnh, tủ li, bếp ga, xe máy, máy cày... Nhưng vẫn còn một căn phòng được trang trọng lưu giữ nhiều sản phẩm đan lát, thứ có tuổi cao nhất theo bà Cil Prơt đã đến khoảng hơn 200 năm; thứ vừa đan sau này và cả đang đan dở. Tôi là người có mối quan hệ thân tình cá biệt, lui tới không dưới một lần nên còn được ông K’Krê Cil mang ra cho mặc thử chiếc áo rất đặc biệt (ào m’pha), nó độc nhất vô nhị, được làm từ vỏ cây ở trên rừng, đã đi qua hơn 12 con giáp, do một người bạn của ông tặng. Năm trước tới, ông K'Krê Cil còn khỏe nhưng nay ông đã yếu hẳn vì vừa nằm bệnh viện cấp cứu bệnh bao tử. Thế nhưng khi tôi khơi chuyện xưa cũ của văn hóa sắc tộc K’Ho, phẩm chất của một giáo chức học tiếng Pháp trong ông hồi lại, minh mẫn, rành rọt và hết mực nho nhã. Câu chuyện giữa tôi với ông và bà kết nối tự nhiên, cởi mở và trọn vẹn, dù dòng chảy lịch sử đã trôi qua khá xa.
 
Nghề đan lát của bà Cil Prơt hiện ở thôn còn có mấy phụ nữ nữa, nhưng bà và chị gái là những người có tay nghề đứng đầu. Hai chị em bà nối nghề của những bậc tiền bối: mẹ, bà ngoại, cụ ngoại... Bà Cil Prơt là phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn, vốn làm cô giáo sau khi học gần xong bậc tiểu học (bậc đệ nhất). Rời chiếc bàn, bà vào phòng trong mang ra một chiếc túi nhỏ và rất xinh xắn, gọi là “kơldung”, để chứng minh với tôi nghề đan lát của mình được truyền dạy lưu giữ hơn 2 thế kỷ. Bà nói: “Đây là cái kơldung, do cố ngoại mình làm để lại cho bà, rồi mẹ mình. Mẹ mình lại để lại cho con để nhìn vào mà học theo”. 
 
Không giấu niềm tự hào với truyền thống văn hóa của gia đình, bà Cil Prơt say sưa chỉ cho tôi từng đường ngang đường dọc, từng hoa văn và đường quấn. Hiểu được niềm vui ấy, tôi đưa cho bà cuốn sổ và cây bút để bà giải thích. Bà vừa vẽ vừa giải thích: “Đây là đan theo prơlơ, kiểu sojă (hình dấu chân con chó); đây là đan kiểu gung ca (hình xương cá); chỗ này là gung reng neng (đường thẳng)... 1, 2, 3 nằm, 1, 2, 3 đứng...”. 
 
Bà Cil Prơt nói bà biết đan từ năm 1970. Hồi đầu, mỗi lúc rảnh rỗi, không làm rẫy hay lên lớp thì bà và những người trong nhà ngồi đan. Cây lác do ông K’Krê Cil đi lấy, ngay quanh nhà lác đã mọc nhiều ở những vũng đầm. Sau này lác ngày một ít đi, ông phải đi xa cả ngày đường, lúc xa nhất tận làng Kơn Do. Chiều tối đủ lác, gùi về, người từ nhà đi rước, kiểu tiếp sức như thi đấu thể thao, mới đưa được lác qua núi qua suối về. Lác về nhà còn qua các công đoạn như ngâm khoảng một giờ sau đó vớt ra, phơi khô, gọt thành sợi... Chủ yếu để nguyên màu xanh của rừng, một số ít ngâm nước lá cây rừng để cho ra màu hồng đỏ. Sản phẩm lát đan trước hết là những tấm trải (bềl), hoặc có hoa văn (bềl bang), hoặc đơn giản. Theo cách gọi của những người tạo ra nó thì có 2 loại, nằm và đứng (bềl lăpơtao). Còn diện tích cũng chẳng đo bằng thước mà đo bằng cánh tay... Chiều rộng nhất thường khoảng 1,4-1,5 m, còn chiều dài thường khoảng 2 m. Cũng có những tấm dài tới 4 m hoặc 5 m, nhưng ít; lại có những tấm rất nhỏ để làm những vật dụng nhỏ như những chiếc túi, ví dụ đựng thuốc (prơlơ iỗ), đựng muối (prơlơ boh), đựng cơm (prơlơ piêng)... Khó nhất khi đan các vật dụng là quấn các góc và làm miệng túi, vừa đạt được cái đẹp vừa đảm bảo độ bền lâu. 
 
Bà Cil Prơt giải thích về kỹ thuật đan của chiếc túi có tuổi thọ hơn 200 năm
Bà Cil Prơt giải thích về kỹ thuật đan của chiếc túi có tuổi thọ hơn 200 năm
 
Tấm bềl rất gần gũi và thân thiết với cuộc sống của cư dân văn hóa rừng. Dùng để đặt xuống giữa gian phòng căn nhà khi đón khách quý ngồi. Thường những lúc này chủ nhà mang rượu cần thơm dậy hương rừng ra mở nắp (bít bằng trấu, lá và bùn đất), đổ nước suối, cắm cần, đặt “cò” để chủ và khách cùng ngồi quanh chóe nâng cần hút trọn mỗi người một “cò”. Bềl lớn để trải nằm ngủ trong mỗi nhà và bềl nhỏ hơn lại dùng để ngả lưng khi đi vào rừng (bềl gung). Bềl cũng sử dụng nhiều trong tang lễ, nhất là đối với nhà khá giả, người ta dùng nó để quấn thi thể và trải trong quan tài bằng một tấm có hoa văn sang trọng. Cũng có những tấm bềl người dân trang trọng trải trên ban thờ. Nhưng có lẽ phổ biến nhất, được dùng nhiều nhất đó là tấm đan được tạo thành những chiếc giỏ (kơldung). Loại lớn thì đựng cơm mỗi khi nhà có lễ lạt đông người ăn, loại nhỏ thì cá nhân mang cơm lên rẫy. Giỏ còn nhiều loại khác nhau: để đựng lương thực, thực phẩm cho cả nhà; đựng trang sức của phụ nữ; đựng thuốc lá của đàn ông, và còn làm thành chiếc mũ đội lên đầu khi mặt trời đứng bóng...
 
Đan lát của cư dân các dân tộc thiểu số miền cao là sự thích ứng cực kỳ thông minh trong cuộc sống biết dựa vào thiên nhiên. Theo thời gian, nó trở thành những nghề truyền thống đặc sắc, không chỉ là kho tàng tri thức dân gian, mà đây là sự tồn tại bền vững của văn hóa ứng xử. Trong đó, thiên nhiên vừa là những đấng thần linh cao quý, vừa được xem như là cộng đồng thân thiết. Đó cũng là điều dễ hiểu khi bà Cil Prơt say sưa kể rất nhiều chuyện đan lát, còn với ông K’Krê Cil, trang trọng treo tấm bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng trao cho ông với thành tích của một tổ trưởng nhận khoán bảo vệ rừng. 
 
Ghi chép: MINH ĐẠO