Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới

05:04, 24/04/2020

UBND tỉnh vừa chỉ đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.

UBND tỉnh vừa chỉ đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.
 
Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra ATTP thức ăn chế biến tại một nhà hàng ở Đà Lạt
Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra ATTP thức ăn chế biến tại một nhà hàng ở Đà Lạt
 
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP 
 
Theo Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.
 
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
 
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 giữa UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với các làng nghề thực phẩm; quản lý chặt chẽ cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
 
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; quản lý chợ ATTP; tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
 
Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
 
Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin tuyên truyền về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; chú trọng truyền thông để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu không bảo đảm ATTP, hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.
 
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra nguồn gốc, nhãn mác thực phẩm tại kho hàng của Siêu thị Big C Đà Lạt
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra nguồn gốc, nhãn mác thực phẩm tại kho hàng của Siêu thị Big C Đà Lạt
 
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP
 
Năm 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kịp thời nhiều văn bản, nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP; xây dựng tổ chức triển khai kế hoạch năm và kế hoạch các đợt cao điểm trong năm 2019 như: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, triển khai Tháng hành động vì ATTP, công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè; đảm bảo ATTP trong các dịp Tết Trung thu, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII, Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020; thực hiện mô hình Chợ kiểu mẫu bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, tăng cường đảm bảo ATTP đối với thức ăn đường phố.
 
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, đồng thời xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp phù hợp, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.
 
Các huyện, thành phố đã chủ động triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông kiến thức, thực hành về ATTP cho các cơ quan, đoàn thể và trong trường học trên địa bàn; các xã, phường, thị trấn đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP.
 
 
Sở Y tế tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý về ATTP và cán bộ đoàn thể các cấp; hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân về thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. 
 
 
Theo đó, tập huấn công tác đảm bảo ATTP cho 777 thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành các huyện, xã; tập huấn kiến thức, thực hành về ATTP cho 1.230 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh; tập huấn kiến thức về ATTP cho 165 tuyên truyền viên Hội Phụ nữ các xã, thị trấn tại huyện Đức Trọng. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn về ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với 428 người; phối hợp với các huyện Đức Trọng, Di Linh tập huấn cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn với 585 người. Cùng đó tập huấn ATTP cho 132 người làm công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ công tác xây dựng mô hình điểm tại xã Lộc Quảng (Bảo Lâm); tổ chức 11 lớp xác nhận kiến thức về ATTP cho 942 người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
 
Sở Công thương tư vấn, hướng dẫn thực hiện các điều kiện về vệ sinh ATTP; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến đối với các đơn vị sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm; triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt”. Tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức ATTP cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thành phố Đà Lạt và huyện Di Linh; cấp 43 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP.
 
Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 2 lớp tập huấn với 160 lượt cán bộ Hội Phụ nữ các cấp; tổ chức 10 lớp tập huấn cho các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm sản, thủy sản và nghiệp vụ thẩm định theo Thông tư 38/2019/TT-BNNPTNT; tiêu chí sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 380 cán bộ cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh; cấp xác nhận kiến thức về ATTP nông sản và thủy sản cho 1.950 người lao động của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
 
Hội Phụ nữ các huyện, thành phố đã tổ chức 10 lớp tập huấn về ATTP cho 903 cán bộ, hội viên phụ nữ; các đơn vị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức trên 450 buổi tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho trên 32.000 lượt đoàn viên, thanh niên hiểu đúng Luật và các văn bản có liên quan về ATTP.
 
AN NHIÊN