Bảo tồn hoa trà mi bản địa vẫn nằm trên giấy

02:05, 01/05/2020

Năm 2017, tỉnh đã công bố "Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" theo phê duyệt tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh...

Năm 2017, tỉnh đã công bố “Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo phê duyệt tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 của UBND tỉnh. Trong các đối tượng “bảo tồn giống các loài bản địa có giá trị cao” có trà mi (camellia), nhưng thực tế sau 4 năm vẫn chỉ tự phát, không có hành động hiện thực hóa từ phía cơ quan nhà nước. 
 
TS Lương Văn Dũng (phải) và anh Lầu Quốc Thưởng bên khu chuyên canh trà mi Thạch Châu
TS Lương Văn Dũng (phải) và anh Lầu Quốc Thưởng bên khu chuyên canh trà mi Thạch Châu
 
Theo Quyết định 169, giống trà mi cần bảo tồn là trà mi Đà Lạt, trà hoa vàng ở các huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Đức Trọng, Đơn Dương và Đà Lạt. Đặc biệt, trong 3 khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh đã phê duyệt xây dựng có 2 khu có đối tượng trà mi: tại Phát Chi (Đà Lạt) diện tích 1.447 ha cùng đối tượng đảng sâm; tại Mađaguôi (Đạ Huoai) 1.080 ha, trà mi Bạc cùng hoàng đằng và quế rừng. Các chuyên gia và nhà tư vấn cũng đồng thời đặt vấn đề quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ. Bao gồm: hệ thống vườn; bảo tàng thiên nhiên; hệ thống ngân hàng gen; bảo tồn giống cây trồng...Cũng theo Dự án, có 6 nhiệm vụ cụ thể là: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH; Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn ĐDSH; Quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; Xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu vực bảo tồn và các dự án có liên quan được lồng ghép. 
 
Cuối tháng 4/2020, chúng tôi cùng Tiến sĩ (TS) Lương Văn Dũng, chuyên gia hàng đầu về trà mi ở Việt Nam, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Đà Lạt khảo sát thực tế tại vùng chuyên canh trà của Công ty TNHH MTV Kim Hoa Trà ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Tiếp chúng tôi là anh Lầu Quốc Thưởng, quản lý và phụ trách kỹ thuật chăm sóc cây. Đây là nơi sưu tập trà mi thành công nhất ở Lâm Đồng với 10 ha (Mê Linh, huyện Lâm Hà 7 ha và Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương 3 ha). Với khoảng 100.000 cây, gồm có 44 loài, trong đó 40 loài của Việt Nam (phân bố cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) và 4 loài của Trung Quốc. Riêng trà mi Lâm Đồng gần 20 loài, ví dụ trà Đà Lạt, trà Di Linh, trà Cát Tiên, chè Bạc, chè Thưởng,… Đặc biệt, ở đây có 2 trong số 3 loài trà mi thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 2007 là trà gilbert (Camellia gilbertii) từ Yên Bái và trà trái mỏng (Camellia pleurocarpa) từ Thanh Hóa. 
 
Chúng tôi càng ấn tượng kỹ thuật nhân giống thuần đầu dòng và kỹ thuật chăm sóc phát triển tại Công ty Kim Hoa Trà, đặc biệt trà mi hoa vàng Thạch Châu. Đây là loài do người Pháp phát hiện ở Trạm Hành, Đà Lạt vào đầu thế kỷ XX. Nhưng Công ty là tác giả chứng minh được giá trị sử dụng. Với niềm say mê và quyết tâm của Việt kiều Lê An Na, Giám đốc Công ty, trà Thạch Châu Đà Lạt được phân tích hoạt chất tại nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và Hunggari. Kết quả cho thấy, loại trà này có chứa các nhóm chất như flavonoid, tanin, polysaccharid, acid amin, chất béo, steroid, caroten... Lá và hoa trà Thạch Châu có tác dụng chống ôxy hóa, điều trị bệnh về tim mạch, bảo vệ gan, đề kháng bệnh ung thư và có tác dụng kháng virus HIV…Giá trị của trà Thạch Châu hơn hẳn các loại trà thông thường nhờ giúp ngủ sâu giấc, lợi tiểu. Năm 2016, trà Thạch Châu được đăng ký trình tự mã vạch AND trên ngân hàng gen Quốc tế, đánh dấu đối tượng mới chỉ phát hiện duy nhất vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Qua 10 năm thử nghiệm tìm tòi, anh Thưởng cho biết, trà Thạch Châu chịu ánh nắng, rất dễ thích nghi nhiều vùng đất triền đồi ở Lâm Đồng. TS Lương Văn Dũng khẳng định: “Đóng góp thành công của Công ty Kim Hoa Trà đối với trà Thạch Châu là tác giả đầu tiên tìm ra được đây là thực vật sử dụng được đối với sức khỏe con người; mặt khác, quan trọng là nhân nuôi được giống bằng phương pháp giâm hom, gieo hạt. Đây là loài trà có tiềm năng phát triển cao hơn các loài khác, thích nghi với vùng khí hậu Lâm Đồng”. 
 
Anh Thưởng cũng cho biết, tại vườn có khoảng 70.000 cây trà Thạch Châu, trong đó khoảng 25.000 cây đã ra bông, nhiều cây cao 5-6 mét. Tổng sản lượng đạt 50 tấn lá, 500 kg hoa. Sản phẩm trà Thạch Châu sao tay 3-6 triệu đồng/kg sợi trà từ lá, tùy phẩm cấp; loại matcha (bột trà) 5-6 triệu đồng/kg (dùng để làm bánh, pha mật ong uống, làm kem dưỡng da…); loại hoa sấy khô giá 15-18 triệu đồng/kg; lá tươi 300 nghìn đồng/kg. “Tuy nhiên, đầu ra vẫn khó khăn, chưa có một hợp đồng xuất khẩu theo Quota. Vẫn chỉ giao dịch hình thức tự do, một công ty sản xuất trà của Đài Loan ở Lâm Đồng hoặc các cá nhân trong nước mua hoặc Việt kiều đặt mua để sử dụng tại các nước như Úc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Vì vậy sản phẩm chỉ làm theo đơn đặt hàng nên thu hoạch hoa, còn lá chủ yếu vẫn để trên cây”, anh Thưởng nói. 
 
Khó khăn đầu ra về sản phẩm sau thu hoạch là vậy, còn về giống cũng chưa có hướng ra. Công ty có thể nhân mỗi năm được 50.000 cây giống đầu dòng trà Thạch Châu. Công ty sẵn sàng phối hợp với tỉnh Lâm Đồng trong quá trình hiện thực hóa ĐDSH giống trà mi nói chung, trong đó có trà mi Thạch Châu. Bảo tồn gắn với phát triển là mô hình đã được khẳng định thực tế tại Công ty Kim Hoa Trà. Cũng theo anh Thưởng, giống Thạch Châu của Công ty trồng và chuyển giao cho một số đơn vị làm du lịch tại Lạc Dương, Bảo Lộc, Đà Lạt, phát triển đạt 80%, trong lúc giống từ rừng tự nhiên chỉ đạt 30%. Một gợi mở khác, trà Thạch Châu có khả năng phủ xanh đất trống đồi trọc được, thích nghi nắng, đất triền đồi, cây có độ cao 7-10 mét. 
 
Với sản phẩm trà Thạch Châu, chị Lê An Na cảm nhận: “Đến bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao trà hoa vàng lại là thứ nước uống quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao được giới nhà giàu ở Trung Quốc ưa chuộng từ nhiều năm qua, trong khi Việt Nam chúng ta phần lớn vẫn còn khá xa lạ, chủ yếu xuất bán nguyên liệu thô sang Trung Quốc”. Thạch Châu là nguồn gen quý, thuận lợi cho bảo tồn và phát triển. Còn các giống trà mi hoa vàng khác lại thuộc mức độ tình trạng nguy cấp, trong đó có 3 loài được nêu tại “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH” mà tỉnh phê duyệt: trà Đà Lạt, trà Bạc (Đạ Huoai) và trà Di Linh. Ba loài này phân bố rất hẹp, trong lúc tác động của sản xuất nông nghiệp và quá trình chuyển đổi đất, đối tượng trà ngày càng nguy cấp tuyệt chủng. TS Lương Văn Dũng khẳng định: “Đến nay, cá nhân tự phát đem từ rừng về trồng, cũng xem là một hình thức bảo tồn, còn lại chưa có một kế hoạch triển khai cụ thể từ phía Nhà nước. Ở đề tài phát triển cây dược liệu, chương trình nông thôn miền núi, tuy có chọn cây trà là một đối tượng, cũng là hình thức bảo tồn, nhưng thực chất không thuộc Dự án Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh”. 
 
Đã đến lúc, cần thiết hiện thực hóa “Quy hoạch” bằng 2 hình thức, một là nhanh chóng có những chương trình hành động cụ thể từ phía tỉnh như khoanh nuôi vùng và phát triển. Hai là hợp thức hóa việc bảo tồn đối với các cơ sở tự phát bằng những hành động hỗ trợ, kết nối. Nếu không có những động thái hỗ trợ sẽ đến lúc những cơ sở tự phát bỏ cuộc, đối tượng trà mi (camellia) sẽ mất. Và như nhận định của TS Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Nhiệm vụ mang tầm quan trọng và có ý nghĩa lớn không chỉ bảo tồn ĐDSH, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, mà còn là bảo vệ môi trường sinh thái cho toàn vùng Đồng Nam Bộ.
 
MINH ĐẠO