Đạ Tẻh 5 năm thực hiện Chỉ thị 30 về quản lý, bảo vệ rừng

05:05, 25/05/2020

Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Lê Mậu Tuấn cho chúng tôi biết: Bình quân 5 năm (từ năm 2015 đến năm 2019), trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, số vụ vi phạm giảm 34,7%/năm; diện tích thiệt hại giảm 32,4%/năm và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 11,5%/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Lê Mậu Tuấn cho chúng tôi biết: Bình quân 5 năm (từ năm 2015 đến năm 2019), trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, số vụ vi phạm giảm 34,7%/năm; diện tích thiệt hại giảm 32,4%/năm và khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 11,5%/năm.
 
Kiểm tra nhanh các đối tượng trong quá trình truy quét
Kiểm tra nhanh các đối tượng trong quá trình truy quét
 
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản” là nội dung của Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Để triển khai chỉ thị này, UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành 251 văn bản chỉ đạo, điều hành. Cùng đó, nhiều đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Kiểm lâm, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường... được thành lập để triển khai các nội dung như kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), thực hiện các dự án trồng rừng, trồng cao su. Mặt khác, vấn đề thường xuyên đó là xác định khu vực trọng điểm về khai thác, phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép để chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Đội 12, chủ rừng, các cơ quan, ban, ngành kiểm tra, truy quét và triệt phá những đầu nậu. Huyện Đạ Tẻh cũng thiết lập những chốt BVR tại những điểm cửa ngõ như Tôn K’Long, đồi Đất đỏ, Quốc Oai. Khu vực giáp ranh giữa các xã Đạ Lây - Hương Lâm - An Nhơn từng là điểm nóng xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng trước đây được lập tổ BVR lưu động, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn… Ông Lê Mậu Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến 2019, Đạ Tẻh đã tổ chức 13 hội nghị với 817 lượt người tham dự để đánh giá công tác quản lý, BVR, PCCCR; tổ chức 95 cuộc họp, hội nghị cấp xã, thôn với 6.153 lượt người tham dự…
 
Về vi phạm và xử lý vi phạm, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30, huyện Đạ Tẻh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 479 vụ; trong đó có 11 vụ đã khởi tố hình sự với 30 bị can, mức án phạt từ 6 tháng đến 7 năm. Tang vật thu được từ vi phạm gồm hơn 405 m3 gỗ xẻ, hơn 173 m3 gỗ tròn cùng 168 xe máy và 4 ô tô… Số tiền thu qua xử lý hơn 3,5 tỷ đồng; trong đó, hơn 1 tỷ đồng tiền phạt. Trên địa bàn huyện đã giải tỏa được gần 273 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. 
 
Đáng ghi nhận hơn, đó là huyện Đạ Tẻh nâng được tỷ lệ che phủ rừng lên 62,67% vào năm 2019, tăng 4,87% so với năm 2014.
 
Tuy nhiên, 5 năm thực hiện công tác quản lý và BVR, huyện Đạ Tẻh không phải không còn những tồn tại và hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn những lúc hình thức; đối tượng chuyên nghề khai thác, mua bán lâm sản trái phép chưa giải quyết triệt để. Mặc dù ghi nhận thành quả ở Đạ Tẻh là giảm sâu về tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, một số địa bàn vẫn còn chưa giải quyết triệt để vi phạm. Công tác khôi phục rừng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã trồng cây công nghiệp, nông nghiệp từ trước khi có Chỉ thị 30 còn nhiều bất cập. Đối với các dự án, vẫn còn chậm triển khai so với tiến độ đầu tư, chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao. Năng lực quản lý, BVR của một số đơn vị chủ rừng còn hạn chế, chưa chủ động và tích cực trong tuần tra, kiểm tra rừng. Chính sách giao đất, giao rừng, khoán đất lâm nghiệp cho người dân trồng rừng, trồng cao su còn để xảy ra tình trạng sang nhượng trái phép, trồng rừng không đúng mục đích…
 
Để thực hiện Chỉ thị 30 thực sự đạt hiệu quả hơn nữa, bài học kinh nghiệm theo Phó Chủ tịch Lê Mậu Tuấn, đó là: Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải xác định trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công tác tuyên truyền, vận động và xã hội hóa luôn được coi trọng. Đó còn là tăng cường kiểm tra, truy quét tại gốc để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm; cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước… Trên cơ sở kết quả đạt được và đúc kết kinh nghiệm, huyện Đạ Tẻh đặt ra 3 mục tiêu quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian tới. Cụ thể, tăng cường để làm giàu rừng trên diện tích 34.729 ha, ổn định và tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 60% trên diện tích quy hoạch 3 loại rừng. Tích cực kiểm tra, truy quét; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm, phấn đấu hàng năm giảm 20% số vụ vi phạm, lâm sản và diện tích thiệt hại. Và đồng thời, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; hài hòa lợi ích kinh tế với môi trường, Nhà nước với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm và khá cụ thể mà Phó Chủ tịch Lê Mậu Tuấn chia sẻ với chúng tôi là: Hàng tháng giao ban với Hạt Kiểm lâm, công ty lâm nghiệp, ban lâm nghiệp các xã; chú trọng tuyên truyền cá biệt đối với một số đối tượng và vận động người dân tích cực tố giác tội phạm qua điện thoại đường dây nóng. “Thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm Luật Lâm nghiệp đối với các đối tượng như: nghi có hành vi vi phạm; các cơ sở chế biến gỗ; các phương tiện vận chuyển gỗ trái phép… Đồng thời lắp đặt camera an ninh tại các cửa rừng. Tuần tra tại rừng, chốt chặn các vị trí trọng điểm…”, ông Tuấn nói.
 
ĐẠO PHAN