Đức Trọng: Khẩn trương khắc phục tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:05, 14/05/2020

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thực hiện kết luận thanh tra tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án QLBVR kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng… 

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thực hiện kết luận thanh tra tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện các dự án QLBVR kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng… 
 
Rừng thông trồng tại huyện Đức Trọng bị cưa hạ trái phép (hình tư liệu).
Rừng thông trồng tại huyện Đức Trọng bị cưa hạ trái phép (hình tư liệu).
 
Theo cơ quan Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, UBND huyện Đức Trọng đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc tăng cường công tác QLBVR. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đẩy mạnh tuần tra, truy quét, điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến rừng, đất rừng; lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp theo quy định.
 
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi kết luận của Thanh tra Chính phủ, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với 5 dự án chậm tiến độ, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên diện tích được giao, thuê để thực hiện dự án tại huyện Đức Trọng, gồm: Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh; Trồng rừng kinh tế và quản lý bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Tuyên Lâm; Trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Việt Nguyên; Đầu tư xây dựng sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt; Đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, mỏ nước khoáng, nghỉ dưỡng của Công ty Cổ phần Quốc An. 

Các tổ chức được Nhà nước cho thuê đất, thuê rừng cũng có nhiều cố gắng trong công tác QLBVR; thường xuyên tuần tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng. Qua kiểm tra 26 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư đã có 22 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất; 15 dự án cơ bản hoàn thành các nội dung theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp; 19 doanh nghiệp có xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 6 dự án chưa phát hiện có vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất đai. Riêng các hộ gia đình, cộng đồng dân cư được UBND huyện Đức Trọng giao, cho thuê đất thực hiện phương án trồng rừng, QLBVR cũng cơ bản thực hiện đúng phương án được duyệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Cụ thể, công tác QLBVR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm (có 61 vụ vi phạm vắng chủ). Tại thời điểm thanh tra còn 45 vụ vi phạm chưa được xử lý; tỷ lệ thu nộp tiền vi phạm hành chính chỉ đạt 23%.
Một số hộ được giao khoán rừng theo Nghị định 135, 168 của Chính phủ chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên; việc thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán tại các ban quản lý rừng chưa đúng quy định; có trên 60 ha đất giao khoán thuộc đối tượng rừng phòng hộ không đúng Nghị định 135. Chưa kể, công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng giao nhận khoán thiếu chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện đúng phương án và hợp đồng nhận khoán đã ký kết; một số hộ còn lợi dụng chuyển nhượng để hưởng lợi không đúng quy định.
 
Trong khi việc thuê đất, thuê rừng và tiến độ thực hiện dự án của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tại 26 dự án kiểm tra, có 4/26 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng thuê đất; 8/26 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng thuê rừng; 11/26 dự án thực hiện chậm tiến độ. Trong số này, có 7 dự án chậm tiến độ nhưng đã thực hiện một số hạng mục đầu tư; 4 dự án chậm và chưa thực hiện các hạng mục đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Riêng công tác QLBVR và sử dụng đất, có 26/26 doanh nghiệp không có phương án QLBVR; 7/26 doanh nghiệp không xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 20/26 dự án để xảy ra vi phạm về QLBVR, quản lý sử dụng đất. Và phần lớn diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm đã được trồng cà phê, cây ăn trái, hoa màu… 
 
Cũng theo kết luận thanh tra, có 5 doanh nghiệp chưa nộp tiền thuê đất; 3 dự án đã có hợp đồng thuê đất nhưng chưa lập hồ sơ nộp tiền thuê đất; 1 dự án chưa nộp tiền thuê rừng và 6 doanh nghiệp chưa nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng.
 
Báo cáo thanh tra cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế do khách quan, nhưng chủ quan là do công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm về QLBVR, quản lý sử dụng đất lâm nghiệp của UBND huyện Đức Trọng chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. Các ban quản lý rừng chưa kiên quyết xử lý các trường hợp nhận khoán không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết. Doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm…, và chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong QLBVR và triển khai thực hiện dự án. 
 
Để xử lý dứt điểm những tồn tại trên, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng triển khai xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp. Theo dõi, đôn đốc 20 doanh nghiệp thực hiện việc giải tỏa diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm, trường hợp không tự giác chấp hành thì tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định (doanh nghiệp phải chi trả kinh phí giải tỏa). 
 
Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát 45 vụ vi phạm đã được các ban quản lý rừng lập biên bản cùng cộng đồng dân cư thôn Phú An (xã Phú Hội), và hộ ông Trần Văn Đỗ để có biện pháp xử lý, hoặc đề xuất UBND huyện xử lý các vi phạm trong QLBVR, quản lý sử dụng đất theo luật định. Lập phương án trồng lại rừng trong mùa mưa năm 2020, trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. 
 
Đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, Tà Năng, phối hợp với các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu bên nhận khoán thực hiện đúng phương án được thẩm định, phê duyệt và hợp đồng giao khoán rừng, đất lâm nghiệp đã ký kết; lập hồ sơ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu. Phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý đối với diện tích đã giao khoán cho Chi hội Cựu Chiến binh Đà Lạt - Đơn Dương - Đức Trọng, nhưng không thực hiện đúng phương án được phê duyệt, xây dựng nhà trái phép và để mất rừng.
 
Cùng với đó, UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo khẩn trương tổ chức họp kiểm điểm đối với lãnh đạo, tập thể, cá nhân các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có liên quan và UBND các xã, thị trấn về những tồn tại qua kiểm tra. Trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật theo đúng quy định; đồng thời đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/5/2020.
 
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan (lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư) qua các thời kỳ, do thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích; phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; sai phạm trong giao khoán rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng; báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.
 
THỤY TRANG