''Hạt ngọc'' lúa gạo Cát Tiên

05:05, 29/05/2020

Lúa gạo Cát Tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 3/2011 và cấp lại tháng 4/2019... 

Lúa gạo Cát Tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 3/2011 và cấp lại tháng 4/2019. Thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” ngày càng khẳng định trên thị trường Việt Nam và để lại ấn tượng tốt với khách hàng trong, ngoài nước tại Festival Lúa gạo Việt Nam. 
 
Khảo nghiệm lúa đưa giống có phẩm cấp cao vào sản xuất
Khảo nghiệm lúa đưa giống có phẩm cấp cao vào sản xuất
 
Tăng dần diện tích và sản lượng
 
Hàng năm, huyện Cát Tiên có trên 9.000 ha đất sản xuất lúa; trong đó, hơn 80% diện tích lúa chất lượng cao. Phát huy ưu thế địa lý, thổ nhưỡng phù hợp, nhiều năm qua, Cát Tiên nỗ lực tập trung quy hoạch và xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, lúa giống và tổ chức sản xuất đồng trà, đồng vụ. Cùng đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo và tổ chức cho nông dân thực hiện các mô hình sản xuất lúa sạch như quy mô cánh đồng mẫu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Lúa gạo Cát Tiên vừa hấp dẫn về chất lượng vừa thân thiện với môi trường. Các giống chủ lực bao gồm: OM 4900, OM 6162, OM 5451, lúa thơm RVT, Đài thơm 8, Nếp quýt, Nếp cái hoa vàng… Sản xuất chỉ sử dụng chế phẩm có nguồn gốc sinh học, hạn chế thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cát Tiên Nguyễn Trọng Quả cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 7 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất chuyên về lúa gạo và 22 tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao”. Cùng đó, hình thành 15 chuỗi liên kết, trong đó 10 chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, 4 HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa  gạo Cát Tiên”. 
 
Số liệu từ Phòng NN&PTNT cung cấp, năm 2016, diện tích gieo trồng lúa toàn huyện hơn 8.100 ha, sản lượng 48.425 tấn. Riêng lúa chất lượng cao gieo trồng hơn 6.601 ha, năng suất bình quân 60,5 tạ/ha, sản lượng 39.496 tấn. Lúa giống 400 ha, năng suất bình quân 68,5 tạ/ha, sản lượng 2.739 tấn… Năm 2019, gieo trồng hơn 9.043 ha, năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng đạt 54.002 tấn. Lúa chất lượng cao gieo trồng 7.550 ha, đạt 101,8% kế hoạch; chiếm 84,3% diện tích sản xuất lúa; năng suất bình quân 60,9 tạ/ha, sản lượng đạt 3.135 tấn. Diện tích lúa hữu cơ 145,3 ha, năng suất bình quân 68,9 tạ/hạ, sản lượng hơn 1.000 tấn. Lúa giống liên kết tiêu thụ cho các công ty 2.580 tấn, tăng giá trị từ 10-15%; sản lượng gạo đóng bao bì mang nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” khoảng 7.760 tấn (tăng giá trị từ 10-30%).
 
Năm 2020, Cát Tiên có 3.250 ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Ước đạt 6 tháng đầu năm gần 7.650 ha gieo trồng (84,8% kế hoạch (KH) năm). Diện tích thu hoạch 4.090 ha, năng suất bình quân 67,6 tạ/ha, sản lượng gần 27.492 tấn/56.565 tấn KH (đạt 48,6% KH và tăng 5,4% cùng kỳ). Lúa chất lượng cao hơn 6.345 ha/hơn 7.520 ha theo KH (84,4% KH và chiếm 83% diện tích sản xuất lúa); diện tích thu hoạch 3.340 ha, năng suất bình quân 68,9 tạ/ha, sản lượng đạt gần 23.027 tấn. Diện tích lúa giống 503/500 ha KH (đạt 100,6% KH và tăng 45,8% cùng kỳ). Diện tích thu hoạch 503 ha, năng suất bình quân 73,4 tạ/ha, sản lượng 3.692 tấn. Sản lượng lúa giống liên kết tiêu thụ cho các công ty ước đạt 2.750 tấn, tăng giá trị từ 20-25% so với lúa thương phẩm. Các HTX Tân Hưng Phát, Trung Thành, Nông nghiệp và Dịch vụ Cát Tiên ký hợp đồng liên kết sản xuất thiêu thụ với các công ty như: Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, Giống cây trồng Quảng Bình, Giống cây trồng Nông Việt Phát… Sản lượng gạo đóng bao bì mang nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” đạt 4.160 tấn. 
 
Khẳng định thương hiệu 
 
Tham quan gian hàng “Hạt ngọc Cát Tiên” - lúa gạo của huyện Cát Tiên tại Festival Lúa gạo tháng 12/2018 tại tỉnh Long An, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới ghi nhận những đơn vị nhỏ như huyện Cát Tiên đã tham gia cùng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thị trường lớn là điều rất cần được khích lệ. Ông Phạm Trung Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Trung Thành ở xã Gia Viễn, một trong những HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” đầu tiên ở huyện cho biết: “Việc tổ chức sản xuất lúa theo mô hình HTX có rất nhiều thuận lợi cho người nông dân trong việc tổ chức sản xuất đồng trà, đồng vụ, đồng giống, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất và có đầy đủ tư cách pháp nhân trong ký hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo”. Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Cát Tiên - đơn vị được huyện lựa chọn tham gia Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tại tỉnh Long An năm 2018, ông Ngô Quốc Chí cho biết: Một năm HTX sản xuất khoảng 200 ha lúa, trong đó khoảng 50 ha sản xuất hữu cơ. Mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 700 tấn gạo. “Sản phẩm của HTX là gạo “Hạt ngọc Cát Tiên” được khách hàng đánh giá rất cao. Tính thuyết phục ở chỗ giống RVT có chất lượng và sản xuất theo hữu cơ, nhờ đó đầu ra không đủ cung ứng cho khách hàng”. Cũng theo ông Chí, giá hiện tại trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg gạo; lúa RVT thường giá 7.000 đồng/kg, còn sản xuất hữu cơ giá 8.000 đồng/kg. HTX đã báo cáo huyện đề nghị tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ khoảng 50 ha trong vụ Đông-Xuân tới. Ngoài thành viên HTX, đơn vị còn liên kết với hơn 50 hộ nông dân tham gia chuỗi sản phẩm. 
 
Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Huyện đang tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 85% diện tích, sản xuất lúa giống từ 500 - 600 ha; tập trung phát triển mở rộng vùng sản xuất lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP; hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất, bảo quản chế biến sau thu hoạch, phát triển bền vững các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tạo giá trị gia tăng. Huyện cũng quan tâm công tác khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa có phẩm cấp cao đưa vào sản xuất. Để ứng phó với lũ lụt, huyện thường xuyên phối hợp với các công ty thủy điện để chủ động cảnh báo phòng ngừa. Đối với phòng chống hạn, Cát Tiên phát huy số lượng 70 công trình thủy lợi lớn nhỏ bằng việc nạo vét duy tu hàng năm và năm 2019, 4 trạm bơm được tỉnh đầu tư trên 15 tỷ đồng nâng cấp. Huyện cũng đề nghị các công ty thủy điện điều tiết nước tưới cho sản xuất. Hiện hồ Đạ Sị đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang triển khai thi công, tháng 11 này được ngăn dòng, sẽ có trên 21 triệu m3 tưới cho khoảng 2,5 ngàn ha ruộng các xã Tiên Hoàng, Nam Ninh, Gia Viễn… Để tiếp tục khẳng định thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”, huyện duy trì các chuỗi liên kết sản xuất với 3 mục tiêu “Vật tư dịch vụ đầu vào ổn định, chất lượng - Tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định - Tạo giá trị gia tăng cho người nông dân sản xuất”.
 
MINH ĐẠO