Khi người dân xem rừng là "điều kì diệu"

06:05, 08/05/2020

Không quân phục, cũng chẳng phương tiện bảo vệ, nhưng những người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương vẫn hằng ngày chia ca, tuần tra bảo vệ rừng...

Không quân phục, cũng chẳng phương tiện bảo vệ, nhưng những người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương vẫn hằng ngày chia ca, tuần tra bảo vệ rừng với một suy nghĩ giản đơn: Rừng là điều kì diệu của thiên nhiên ban tặng. Mình phải giữ lấy rừng cho con cháu sau này!
 
Đối với họ, rừng là nơi chở che và bảo vệ gia đình, người thân và cả thôn xóm
Đối với họ, rừng là nơi chở che và bảo vệ gia đình, người thân và cả thôn xóm
 
Chuộc lỗi với rừng…
 
Vào ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi đến gặp các anh tại hai thôn Labouye A và Labouye B (xã Lạc Xuân), họ là những thành viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ D’ran, huyện Đơn Dương. 
 
Khoác trên mình bộ áo quần đã phai màu, anh Tou Neh Uy - Tổ trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran tại hai tiểu khu 169C và 171B dẫn tôi lên Tiểu khu 171B - nơi các anh đang dựng chòi để quan sát và phát hiện khi có cháy rừng. 
 
Anh Neh Uy tâm sự: “Trước kia, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc… họ bắt đầu đốn củi, lấy gỗ dựng nhà, chặt cây để bán, lúc ấy rừng là nơi duy nhất để họ có thể kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, từ khi biết nhận thức và được tuyên truyền, vận động từ chính quyền địa phương về nạn chặt phá rừng nên mỗi người đều tự giác bảo vệ rừng từ đó”. 
 
Dẫn tôi vào căn chòi nhỏ được dựng trên ngọn đồi tại Tiểu khu 171B, anh Neh Uy giới thiệu lần lượt về những con người đang có mặt ở đó. Với anh Tou Neh Drong Trung (47 tuổi, thôn Labouye B), anh Neh Uy cười bảo: “Đây là anh lâm tặc khi xưa, nay đã là anh bảo vệ rừng của đội”. 
 
Sỡ dĩ anh em hay đùa nhau như vậy, bởi một thời tuổi trẻ của anh Drong Trung cũng đã từng “thảm sát” không biết bao nhiêu là cây cối trên rừng. Nhưng hơn 20 năm nay, đôi bàn tay ấy lại chăm sóc và lo lắng cho sự sống của từng gốc cây, ngọn cỏ nơi này.
 
Quay ngược thời gian, anh Drong Trung kể, ngày trước còn đói, thiếu thốn đủ bề nên hầu như tất cả người dân trong thôn đều cùng nhau lên rừng để mưu sinh. Anh cũng vậy, cùng lũ bạn lên rừng rồi chặt phá cây đem bán. Nhưng chính việc làm tùy tiện ấy của mình đã khiến rừng ngày càng thưa thớt, không đủ sức che chở cho cư dân những khi mưa to, gió lớn. Cho đến khi anh nhìn lại ngọn đồi trơ trọi, đất khô cằn thì khi đó anh mới nhận thức được dân làng và bản thân anh đang tự hủy hoại chính nguồn sống của mình. Không quá khó để nhận thấy rằng, nếu như không giữ được rừng thì tương lai con em sẽ gặp nhiều thiên tai.
 
“Kể từ khi tôi bắt đầu coi rừng như là sinh mạng của mình, những lúc thấy cây đổ hoặc những lần thấy cây bị chặt phá, bản thân mình cũng bực tức lắm chứ. Rồi giờ ngồi ngẫm nghĩ lại, lúc trước mình chỉ nghĩ cho hiện tại mà không nghĩ cho tương lai, không nghĩ đến cảm nhận của những người đang ngày đêm bỏ công sức để giữ rừng, còn mình thì lại phá rừng. Cũng vì những lẽ đó, để chuộc lỗi với rừng mà 20 năm qua, tôi vẫn cứ mãi ở đây, cứ chăm bẵm rừng, thấy chỗ nào trống thì mình lại trồng thêm cây vào đó để mong rằng ngọn đồi quê tôi sẽ lại được xanh tươi, trù phú” - anh Drong Trung cười nói.
 
Hiện tại, trên địa bàn có 7 đơn vị đang nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích toàn xã là 10.243,49 ha. Trong đó, tổng diện tích tại Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran là 1.022,1 ha, với diện tích rừng phòng hộ 951,4 ha và rừng sản xuất là 70,7 ha. Theo đó, hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của hai thôn Labouye A và Labouye B là 795.85 ha nằm trong 2 tiểu khu là 169C và 171B.
 
…Bằng cách bảo vệ rừng
 
Anh Neh Uy cho hay, ở đây có 28 anh em nhận khoán thường xuyên chia thành các ca trực, cao điểm là vào mùa khô phải trực 24/24. Còn mùa mưa lại lập thành từng nhóm nhỏ khoảng 5 đến 6 người để tuần tra. “Mùa khô thì phải để ý quan sát cháy rừng, còn mùa mưa phải tăng cường tuần tra hơn. Vì vào mùa mưa, nhiều người thường lợi dụng để thực hiện hành vi phá rừng. Lâu lâu lại đi cùng kiểm lâm nhưng đa phần là anh em tự lo và tự giác làm tròn nhiệm vụ được giao” - anh Neh Uy nói.
 
Cũng như những người anh em đang tham gia bảo vệ rừng, ba anh em nhà anh Crung Yảng Cơi Polone (41 tuổi, thôn Labouye A) nối nghiệp của người cha quá cố. Anh kể, cha anh từng là người giữ rừng suốt hơn 40 năm, ngay khi còn nhỏ, ba anh em hay theo chân cha lên rừng nên từ lúc nào rừng trở nên gần gũi không hay. 
 
Anh Polone tâm sự: “Khi cha mất, ba anh em chia thành 2 nơi để tham gia bảo vệ rừng. Một người giữ rừng ở mãi tận Ninh Thuận còn hai người còn lại thì giờ đang tham gia vào Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran. Thực ra, nói là nhận khoán nhưng đối với chúng tôi, có kinh phí hỗ trợ hằng tháng cũng được nhưng không có cũng không sao. Vì trước khi tham gia vào nhận khoán rừng, tôi cũng như những người anh em ở đây đã giữ rừng trước đó rất lâu mà không đòi hỏi điều gì. Chúng tôi nghĩ đơn giản rằng còn rừng là còn đất, còn người, mình giữ rừng cho con cháu mình sau này”.
 
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân đánh giá, với tổng số dân của hai thôn Labouye A và Labouye B là 248 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, chủ yếu là người K’Ho và Cill nhưng họ rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Không chỉ 28 người, trong đó 27 người là đồng bào dân tộc thiểu số và 1 người Kinh đang nhận khoán quản lý bảo vệ rừng mà có thể nói là người dân cả hai thôn đang chung tay thực hiện tốt điều đó. Chính vì vậy, trong gần 10 năm qua, khu vực này hầu như chưa xảy ra vụ chặt phá rừng nào nghiêm trọng.
 
Và có lẽ với người dân vùng đất Lạc Xuân của huyện Đơn Dương, rừng là điều kì diệu và bản thân họ là những con người đang từng ngày thực hiện sứ mệnh của mình, ấy là bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của cả thôn. 
 
THÂN THU HIỀN