Siết chặt kỷ luật để giữ rừng

05:05, 25/05/2020

Với diện tích đất lâm nghiệp gần 41 ngàn ha, chiếm trên 44% diện tích tự nhiên của huyện, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Đức Trọng coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu...

Với diện tích đất lâm nghiệp gần 41 ngàn ha, chiếm trên 44% diện tích tự nhiên của huyện, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Đức Trọng coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo đó, nhiều biện pháp đã được địa phương này chỉ đạo thực hiện đồng bộ; trong đó, siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân vi phạm hay buông lỏng quản lý dẫn đến mất rừng được xem là giải pháp mạnh tay mang lại hiệu quả cao.
 
Việc siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân vi phạm được xem là giải pháp mạnh tay mang lại hiệu quả trong QLBVR
Việc siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân vi phạm được xem là giải pháp mạnh tay mang lại hiệu quả trong QLBVR
 
Trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng, lãnh đạo huyện phải thường xuyên đi thực tế, kiểm tra trực tiếp các vấn đề liên quan đến rừng và đất rừng. Hiện tại, mỗi tuần Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện… thay phiên nhau tới các vị trí là điểm “nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để kiểm tra tình hình và kịp thời chỉ đạo xử lý sát với tình hình thực tế. Nếu như trước đây những địa điểm lãnh đạo huyện đến kiểm tra, xem xét đều do kiểm lâm và các ban quản lý rừng chịu trách nhiệm chuẩn bị thì hiện nay lãnh đạo huyện chủ động chọn vị trí thông qua các vụ việc, hoặc chọn tọa độ kiểm tra thông qua bản đồ vệ tinh. Việc kiểm tra thực tế thường xuyên đã kịp thời phát hiện những sai phạm để tiến hành xử lý kỷ luật, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Theo đó, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã phát hiện và xử lý 522 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp. 
 
Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng luôn xác định đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt trong công tác QLBVR. Bởi vậy, bên cạnh việc quan tâm kiện toàn lực lượng, bố trí kinh phí hằng năm cho các ban quản lý rừng và tạo điều kiện tối đa về cơ sở, vật chất; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng thường xuyên củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ tham gia QLBVR, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác này. Theo đó, đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra vi phạm trong công tác QLBVR sau nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở nhưng kết quả thực hiện không cao hoặc buông lỏng quản lý thì sẽ xử lý kiên quyết. 
 
Trong 5 năm qua, tại Đức Trọng đã kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở trên 130 cá nhân và 7 tập thể là công chức kiểm lâm, viên chức các ban quản lý rừng và cán bộ xã liên quan đến trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ QLBVR. Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng cũng đã kiểm tra 10 tổ chức đảng và 11 đảng viên là lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý trong việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tổ chức 4 cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức đảng và 9 đảng viên trong công tác QLBVR và khai thác tài nguyên khoáng sản. Qua kiểm tra cho thấy có một số đảng viên đứng đầu địa phương nhưng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, lãnh đạo để xảy ra việc vi phạm trong công tác QLBVR; một số trường hợp đã được phản ánh nhưng vẫn không có biện pháp hữu hiệu, kịp thời để ngăn chặn; có trường hợp để người thân trong gia đình lấn chiếm đất lâm nghiệp, san gạt, cải tạo mặt bằng trái pháp luật... 
 
Lãnh đạo huyện Đức Trọng luôn nhất quán quan điểm, những địa phương mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương không quan tâm đến công tác QLBVR hoặc trực tiếp, gián tiếp tham gia vi phạm thì cần thay thế ngay để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong bộ máy chính quyền. Việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác QLBVR phải nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng tính chất mức độ vi phạm, đảm bảo theo qui định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, để tránh việc so bì giữa các địa phương. Trong đó, cần phân biệt các cá nhân, tổ chức đã làm hết sức mình nhưng “lực bất tòng tâm” nên vẫn còn tình trạng vi phạm trên địa bàn; những trường hợp cá nhân, tổ chức không làm gì, hoặc buông lỏng quản lý để xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Mặc dù việc xử lý cán bộ sẽ rất khó khăn cho công tác lựa chọn nhân sự thay thế, nhưng nếu không xử lý nghiêm thì sẽ không tạo được tính giáo dục, răn đe, thậm chí là sẽ tiếp tay cho các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bởi vậy, việc xử lý cán bộ cần phải công tâm, thấu tình đạt lý, thể hiện tinh thần “xây” là chính; lấy xử lý để răn đe, giáo dục đội ngũ cán bộ đã sai phạm và đang đương chức, để từ đó, cán bộ, đảng viên ngày càng làm việc tốt hơn, phụng sự Nhân dân tốt hơn.
 
Việc xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm trong công tác QLBVR góp phần củng cố, giữ vững niềm tin trong Nhân dân. Đồng thời, là yếu tố quyết định góp phần tạo sự ổn định và phát triển ở địa phương.
 
HOÀNG MY