Cam go giữ rừng mùa mưa

05:06, 24/06/2020

Mùa khô thì phải "canh rừng" để hạn chế cháy rừng, còn mùa mưa thì áp lực giữ rừng cũng cam go không kém đối với những người làm công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Ban Quản lý rừng Lâm Viên. 

Mùa khô thì phải “canh rừng” để hạn chế cháy rừng, còn mùa mưa thì áp lực giữ rừng cũng cam go không kém đối với những người làm công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Ban Quản lý rừng (BQLR) Lâm Viên. 
 
BQLR Lâm Viên cùng các đơn vị phối hợp bắt giữ đối tượng và tang vật phá rừng thông
BQLR Lâm Viên cùng các đơn vị phối hợp bắt giữ đối tượng và tang vật phá rừng thông
 
Hiện nay, BQLR Lâm Viên được giao nhiệm vụ quản lý trên 14.100 ha rừng. Một đặc trưng khác của BQLR nơi đây chính là quản lý rừng nội ô thành phố Đà Lạt, bao gồm các cây riêng lẻ và cụm cây ở trong thành phố như thông, bạch đàn…
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng BQLR Lâm Viên cho biết: Việc quản lý rừng nội ô trong mùa mưa bão tuy nằm ở trung tâm nhưng lại có nhiều khó khăn. Vì hiện nay nhu cầu xây dựng của người dân cao nên việc triệt hạ, “đầu độc” một số cây nằm ở khu dân cư vẫn còn xảy ra, đặc biệt là các đối tượng lợi dụng vào mùa mưa bão để thực hiện. Vì các cây và cụm cây nằm riêng lẻ, phân tán rộng khắp trên địa bàn thành phố nên công tác quản lý gặp một số khó khăn. Với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhất là trường hợp cây gãy đổ trong đô thị nên lực lượng của Ban phải luôn túc trực để chủ động đối phó. Ngoài ra, khi có trường hợp cây gãy đổ thì BQLR Lâm Viên cũng khó khăn trong xử lý, vì hiện nay trên địa bàn chỉ có một công ty thực hiện việc này, lại hạn chế về số lượng người và trang thiết bị, máy móc nên khó có thể xử lý một cách nhanh chóng. 
 
CẮT, TỈA GẦN 500 CÂY XANH TRƯỚC MÙA MƯA BÃO
 
Ngày 22/6, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết, đơn vị đã tiến hành cắt tỉa cành gần 500 cây xanh trên địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua. Hàng trăm cây xanh được cắt, tỉa để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trước và trong mùa mưa bão. Các loại cây chủ yếu được cắt, tỉa nhánh lệch tán như: hoa Ban, Ngân hoa, Long não và Phượng Tím ở các tuyến đường Trần Phú, Nguyên Tử Lực, Phù Đổng Thiên Vương, Lữ Gia và Nguyễn Thị Minh Khai…
 
Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã huy động 100% nhân lực và phương tiện cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố nội thành do công ty phụ trách. Đơn vị cũng đánh giá hiện trạng nhiều cây bị nghiêng, có nguy cơ ngã, đổ để có hướng xử lý kịp thời. Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 10 cây xanh có nguy cơ ngã, đổ, đã được đơn vị triển khai chặt hạ, qua đó đảm bảo an toàn cho Nhân dân và các phương tiện lưu thông, giảm thiểu thiệt hại khi mùa mưa bão đến.
 
C.PHONG

Đối với việc quản lý rừng nội ô trong mùa mưa, BQLR Lâm Viên luôn cử cán bộ, nhân viên “bám” và “thăm khám” từng khu vực một. Nếu có hiện tượng khoan đổ hóa chất hay những tác động bên ngoài vào cây làm cho cây bị ảnh hưởng hay dẫn đến chết thì rất khó xử lý vì cây không ngả màu hay chết ngay mà phải vài tuần, nửa tháng mới có hiện tượng. Do vậy, để bảo vệ rừng nội ô thì hơn hết là thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, vì người dân chính là đối tượng sống trong khu vực rừng nội ô.

Mùa mưa, cũng là cơ hội cho các đối tượng phá rừng phòng hộ để lấn chiếm đất rừng làm đất canh tác nông nghiệp. Thông thường các vụ việc này xảy ra ở các tiểu khu xa, giáp ranh giữa các địa bàn. Đối tượng thường người từ địa phương khác đến hay được thuê để phá rừng nên rất manh động, sẵn sàng chống đối, bỏ trốn, không hợp tác. Chỉ riêng trong mùa mưa năm 2019, 5 vụ việc phá rừng (thông) đã xảy ra ở địa bàn Phường 12, Phường 5, xã Trạm Hành, xã Tà Nung với diện tích trên 19.000 m2, đặc biệt có nhiều đối tượng tham gia phá rừng ở các địa phương khác đến như Lâm Hà, Lạc Dương.
 
Nói về công tác quản lý rừng trong mùa mưa, nhiều cán bộ của BQLR Lâm Viên cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn trong lúc di chuyển trên các địa hình nguy hiểm như suối, dốc dựng đứng, đất sạt lở; gặp rắn rít, muỗi, vắt… cây gãy đổ, thời tiết cực đoan mưa gió, sấm sét. Trong khi đó, hiện nay bình quân mỗi viên chức tiểu khu được giao quản lý từ 500 ha đến 700 ha nên rất khó khăn trong công tác tuần tra kiểm soát. Mặt khác, mùa mưa làm quá trình mật phục, theo dõi các đối tượng gặp khó khăn, vì nếu qua đêm trong rừng phải dựng lều, mắc tăng võng, gây sự chú ý cho đối tượng. Ngoài ra, khi phát hiện đối tượng phá rừng nếu phối hợp được với các đơn vị khác thì thuận tiện hơn trong việc bắt giữ, đấu tranh với đối tượng, giữ hiện trường, tang vật. Còn trong trường hợp khi cán bộ của BQLR Lâm Viên đi tuần tra, kiểm tra mà phát hiện đối tượng phá rừng thì rất khó khăn để giữ đối tượng, chờ các đơn vị phối hợp xử lý. Vì lúc này thấy lực lượng mỏng, đối tượng sẵn sàng chống trả, bỏ trốn, vứt bỏ tang vật như máy cưa, khoan, đục…
 
Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng được BQLR Lâm Viên thực hiện trong mỗi mùa mưa chính là “lên xanh” những cánh rừng. Mùa mưa năm 2020 này, BQLR Lâm Viên sẽ thực hiện trồng 16 ha rừng tập trung, gần 6 ha rừng giải tỏa, trồng cây phân tán, trồng dặm rừng trồng phân tán; chăm sóc rừng trồng ở các độ tuổi từ 1 năm đến 4 năm.
Có thể nói, giữ rừng là một “cuộc chiến” hết sức cam go vì các đối tượng lợi dụng mưa gió để triệt hạ rừng bằng các thủ đoạn tinh vi. Nhưng không vì thế mà các cán bộ, nhân viên của BQLR Lâm Viên lơ là, chủ quan và chùn bước trước những hành vi của các đối tượng. Điển hình như các cán bộ, nhân viên Hoàng Đức Kiên, Lê Văn Chung, Đặng Phạm Quốc Huy, Nguyễn Đức Linh, Trần Đức Hòa… là những người thường xuyên thực hiện tuần tra rừng ngoài giờ, tuần tra rừng vào ban đêm, không quản mưa gió; phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc phá rừng; bảo vệ hiện trường phá rừng, ngăn không cho đối tượng bỏ trốn, vứt bỏ tang vật; tiêu hủy, phá hoại hiện trường.
 
ĐỨC TÚ