Để nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai

06:06, 11/06/2020

Dự báo những tháng cuối năm 2020, tình hình diễn biến thời tiết trên địa bàn Lâm Đồng khá phức tạp, nguy cơ xảy ra nhiều thiệt hại lớn nếu các sở, ngành, địa phương và lực lượng chuyên trách không chủ động, kịp thời các biện pháp phối hợp phòng, chống hiệu quả nhất.

Dự báo những tháng cuối năm 2020, tình hình diễn biến thời tiết trên địa bàn Lâm Đồng khá phức tạp, nguy cơ xảy ra nhiều thiệt hại lớn nếu các sở, ngành, địa phương và lực lượng chuyên trách không chủ động, kịp thời các biện pháp phối hợp phòng, chống hiệu quả nhất.
 
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trong các tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Lâm Đồng xảy ra các loại hình thiên tai gồm: 10 đợt mưa đá, mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 đợt sương muối, 1 vụ sét đánh. Hậu quả thiệt hại 466 ha cây trồng; 80 căn nhà; hư hỏng 30 ha nhà kính, nhà lưới; chết 12 con bò. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 62,5 tỷ đồng. Trong đó, một đợt sương muối trên địa bàn huyện Lạc Dương xuất hiện vào đầu tháng 2/2020, gây thiệt hại khoảng 44 ha cà phê, tương đương giá trị khoảng 50 tỷ đồng. 
 
Đánh giá chung thời tiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong 2 tháng đầu năm 2020 phổ biến không mưa. Từ thời điểm đầu tháng 3 đến giữa tháng 4/2020, lượng mưa có xu hướng tăng dần lên đến nay. Cụ thể, trong 10 ngày (7/4 - 16/4), lượng mưa đạt từ 100 - 200 mm (các khu vực thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) đến trên 300mm (huyện Lạc Dương). Các đợt mưa trong tháng 4 và tháng 5/2020 vừa qua đã giúp một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng giảm được tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, đến nay, lượng mưa khu vực huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng vẫn còn khá ít, dự báo nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới. Riêng số liệu tập hợp trong tháng 3/2020, có khoảng 1.300 ha diện tích cây công nghiệp ở khu vực ngoài công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng giảm năng suất do thiếu nước tưới. Tương tự 400 ha diện tích lúa ở xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh phải chủ động tạm dừng thời vụ xuống giống để tránh hạn hán. Các diện tích cây trồng khác nằm ở khu vực không có hoặc cách xa công trình thủy lợi, thủy điện, người dân phải tận dụng nước tưới từ các sông, suối để tưới tiêu. 
 
Hiện nay các hồ chứa thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mực nước xuống thấp so với mực nước dâng bình thường; dung tích trữ nước đạt trung bình khoảng 44% dung tích thiết kế. 
 
“Những tháng còn lại của năm 2020, dự báo mùa mưa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, có khả năng xuất hiện từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng từ 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung phổ biến ở khu vực Trung Bộ và phía Nam...”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng nhận định. 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, trong 11- 13 cơn bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông thì dự báo có 5 - 6 cơn đổ bộ vào đất liền. Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên nên đều ảnh hưởng phần lớn các cơn bão xảy ra trong các vùng miền cả nước. Chiều hướng lượng mưa trong tháng 6/2020 sẽ ít hơn so sánh với nhiều năm qua. Nhưng cũng theo dự báo thì từ tháng 7 đến tháng 10/2020, lượng mưa sẽ lớn hơn nhiều năm. Trong đó đỉnh lũ có thể xảy ra vào tháng 10/2020. Và lượng mưa có thể tiếp tục kéo dài đến trung tuần tháng 12/2020…
 
Với dự báo tình hình thời tiết diễn biến còn nhiều phức tạp như trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì trực ban 24/24 để kịp thời nắm bắt thông tin ứng phó; tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu thường xảy ra thiên tai để lập kế hoạch, xây dựng các phương án phù hợp, hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng triển khai ứng phó với tất cả tình huống xảy ra…
 
Theo đó, các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra công trình và các điểm xung yếu trước mùa mưa lũ, đề ra hướng xử lý đối với các công trình không đảm bảo an toàn. Đối với các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…cần lập ngay kế hoạch và thực hiện di dời dân đến nơi an toàn, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn; tham gia khắc phục hậu quả do lũ, lụt, lốc xoáy, mưa đá gây ra và hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”. Hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế, sử dụng các giống lúa ngắn ngày đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu 2020…
 
VĂN VIỆT