Đức Trọng: Phát huy thế mạnh ngành cơ khí

05:06, 01/06/2020

Huyện Đức Trọng là cửa ngõ phía Nam của thành phố Đà Lạt, có điều kiện hạ tầng kết nối thuận lợi với Quốc lộ 27, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28B, Sân bay quốc tế Liên Khương, đường cao tốc Liên Khương - Prenn, nằm trên trục giao lưu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm nên có nhiều lợi thế về phát triển ngành cơ khí...

Huyện Đức Trọng là cửa ngõ phía Nam của thành phố Đà Lạt, có điều kiện hạ tầng kết nối thuận lợi với Quốc lộ 27, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28B, Sân bay quốc tế Liên Khương, đường cao tốc Liên Khương - Prenn, nằm trên trục giao lưu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm nên có nhiều lợi thế về phát triển ngành cơ khí; nhất là cơ khí bảo trì, sửa chữa và chế tạo thiết bị, máy móc. Trong những năm gần đây, nhìn chung ngành cơ khí tại địa phương đã có bước phát triển nhưng để “xứng tầm” với lợi thế thì cần phải có những sự cộng hưởng tích cực hơn.
 
Ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa và chế tạo thiết bị máy móc đang được huyện Đức Trọng quan tâm phát triển, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa và chế tạo thiết bị máy móc đang được huyện Đức Trọng quan tâm phát triển, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 
Theo thống kê của Chi cục Thống kê huyện Đức Trọng, thời điểm năm 2018 trên địa bàn huyện có 2 cơ sở sản xuất máy móc thiết bị, 2 cơ sở sản xuất xe có động cơ (phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp), 56 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị; 7.474 cơ sở bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ. Còn theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Trọng thì tỷ trọng các ngành như cơ khí bảo trì, sửa chữa và chế tạo thiết bị máy móc còn chiếm tỷ lệ hạn chế trong cơ cấu của ngành công nghiệp địa phương. 
 
Thị trấn Liên Nghĩa là trung tâm phát triển kinh tế đầu tàu của huyện Đức Trọng. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có 4 cơ sở hàn, tiện phụ tùng; 15 cơ sở sửa chữa, bảo trì các loại máy móc trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và phương tiện (ô tô), 1 cơ sở chế tạo thiết bị máy móc. Nhìn chung, cơ khí bao gồm cả dân dụng và bảo trì, sửa chữa, chế tạo thiết bị máy móc chiếm tỷ trọng 15% trong cơ cấu ngành công nghiệp. 
 
Là một công ty đi đầu trong chế tạo thiết bị và máy móc, Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ Thanh Trị từng cho ra đời những sản phẩm máy móc giúp nông dân tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp như máy gieo hạt; máy ép vỉ; máy rửa trái cây, rau, củ, quả. Sản phẩm của công ty được nông dân địa phương cũng như các tỉnh, thành trong nước sử dụng và vươn đến các thị trường nước ngoài như: Lào, Malaysia… Sản phẩm cơ khí của Công ty Thanh Trị được nhiều giải thưởng từ cấp huyện, tỉnh đến cấp quốc gia, ASEAN vì những đóng góp để đổi mới, cơ giới hóa ngành nông nghiệp.
 
Mặc dù vậy, ông Lê Thanh Trị - Giám đốc công ty vẫn cho rằng việc phát triển ngành cơ khí chế tạo thiết bị máy móc vẫn còn một số hạn chế, nhất là tìm được lao động chất lượng cao trên địa bàn. Như công ty của ông hiện nay có trên 30 lao động nhưng chỉ có khoảng 10 lao động tại địa phương. Còn những lao động khác, hằng năm ông phải thực hiện liên kết với một số trường dạy nghề ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh để tuyển dụng.
 
Còn tại địa bàn xã Hiệp Thạnh, có lợi thế Quốc lộ 20 đi qua khá dài và tiếp giáp với địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, tiếp nối với Quốc lộ 27 nên ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa trong tư nhân phát triển khá mạnh. Hiện nay có hơn 10 cơ sở bảo trì, sửa chữa ô tô và các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Theo một cơ sở sửa chữa, bảo trì ô tô (gara) trên địa bàn xã thì việc phát triển của xưởng cũng gặp nhiều khó khăn như tiếp cận vốn vay, tìm lao động và phải đặt mua các phụ tùng nơi khác nên kéo dài thời gian sửa chữa. Ông Phan Quan Thạnh - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết: Phát huy thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới, để ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa phát triển, chính quyền cũng đã xây dựng các kế hoạch như tăng cường tiếp cận vốn vay cho các hộ dân làm nghề cơ khí sửa chữa, bảo trì; phối hợp với các trung tâm đào tạo, trường dạy nghề để tiến hành đào tạo lao động về ngành cơ khí. Đặc biệt, chính quyền xã rất quan tâm đến ngành cơ khí bảo trì và sửa chữa máy móc trong nông nghiệp, vì hiện nay trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở mà nhu cầu của nông dân đang tăng cao. 
 
Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh của ngành cơ khí, tại một số địa bàn xã trên toàn huyện Đức Trọng, việc quan tâm đến sự phát triển của ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa máy móc nông nghiệp được Đảng ủy, chính quyền thực hiện khi đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, Đảng ủy xã Ninh Gia đã chú trọng công tác phát triển ngành cơ khí sửa chữa và bảo trì máy móc, vì hiện nay việc cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ. 
Theo UBND huyện Đức Trọng, trong giai đoạn 2011 - 2019, huyện đã tập trung đẩy mạnh khuyến công, trong đó có ngành cơ khí bảo trì, sửa chữa và cơ khí chế tạo. Thời gian tới, việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp giảm, lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng dần qua từng năm, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động trong sản xuất. Quan tâm, tạo điều kiện để ngành cơ khí phát triển, đáp ứng được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện theo đúng định hướng phát triển huyện công nghiệp trọng điểm.
 
ĐỨC TÚ