Cần quyết liệt để kiềm chế đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu

12:07, 13/07/2020

Có thể nói, thời gian gần đây giá của một số mặt hàng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá thịt heo đã kéo theo giá cả, lạm phát tăng lên. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp thật sự hữu hiệu, dài hạn để quản lý, điều chỉnh, ngăn chặn đà tăng giá.

Có thể nói, thời gian gần đây giá của một số mặt hàng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá thịt heo đã kéo theo giá cả, lạm phát tăng lên. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp thật sự hữu hiệu, dài hạn để quản lý, điều chỉnh, ngăn chặn đà tăng giá.
 
Có nhiều nguyên nhân được các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia kinh tế đưa ra gồm cả chủ quan và khách quan như tình hình chung của thị trường thế giới, nhất là tình hình dịch COVID-19, thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt, sự buông lỏng, yếu kém của cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành giá hợp lý, thông tin chưa đầy đủ, kịp thời về giá cả...
 
Trước hết, việc kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường của các lực lượng chức năng còn nhiều yếu kém. Ngay cả với những mặt hàng Nhà nước quy định phải quản lý, bình ổn hoặc Nhà nước bỏ tiền ra bình ổn cũng bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng trục lợi, nhưng cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý hiệu quả, thỏa đáng. Vì vậy, đã làm cho người dân bất bình, thiếu tin tưởng vào các biện pháp, khả năng bình ổn giá của cơ quan chức năng.
 
Tiếp đến, là sự thiếu nhất quán của các cơ quan chức năng trong quản lý, điều hành giá cả thị trường. Chẳng hạn, cơ quan quản lý giá cả ngày hôm trước vừa tuyên bố sẽ không tăng giá mặt hàng này, mặt hàng kia như điện, nước... nhưng đùng một cái thời gian sau lại tăng, nhất là các mặt hàng thiết yếu cần có sự điều tiết, bình ổn giá như xăng dầu, lương thực, thực phẩm... Hay các mặt hàng đặc biệt như sữa dành cho trẻ em thuộc diện bình ổn, cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, kiểm tra, kiểm soát nhưng đâu vẫn vào đấy, giá tăng vẫn hoàn tăng! 
 
Và, sau mỗi lần như vậy thì lời giải thích cho các hành động, thông báo trên là rất chung chung, thiếu trách nhiệm càng làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, dù các cơ quan ở Trung ương đã ban hành nhiều giải pháp, chỉ đạo khá cụ thể với quyết tâm cao nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong muốn.
 
Thiết nghĩ, để kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường thì biện pháp cấp bách hiện nay là phải chấn chỉnh lại hoạt động, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có trách nhiệm như cơ quan quản lý giá, cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế... Bởi vì, các cơ quan này có quyền hạn rất lớn trong việc quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả nhưng trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ thì chưa tương xứng. 
 
Trong khi đó, bên ngoài thị trường thì nhiều mặt hàng thiết yếu giá cả tiếp tục tăng cao, làm cho đời sống người dân, nhất là người nghèo, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ngày càng khó khăn hơn.
 
VĨNH LINH