Chuyện môi trường trên đất Lâm Hà

09:07, 02/07/2020

Xây dựng nông thôn mới phải đi kèm với việc xây dựng môi trường xanh, sạch, bền vững cho sức khỏe con người. Lâm Hà xác định việc bảo vệ, giữ gìn môi trường là nhiệm vụ cấp bách.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) phải đi kèm với việc xây dựng môi trường xanh, sạch, bền vững cho sức khỏe con người. Lâm Hà xác định việc bảo vệ, giữ gìn môi trường là nhiệm vụ cấp bách.
 
Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, hiện mỗi ngày, lượng rác sau thu gom đưa về bãi rác của huyện được khoảng 30 tấn/ngày. Trong đây hầu hết là rác thải sinh hoạt thu gom từ các xã, thị trấn. Lâm Hà đã có 13 xã, thị trấn được thu gom rác tại khu vực trung tâm. Trong đó, 9/13 xã, thị trấn được Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng Công trình công cộng huyện thực hiện thu gom, vận chuyển; 4/13 xã có đội thu gom rác tại từng địa phương. Tại các vùng chưa có tuyến thu gom, người dân tự thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các hố đào của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt trên 95%. 14/14 xã, thị trấn của huyện đều đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Ý thức của cư dân về môi trường cũng tăng lên rõ rệt, bà con ý thức được việc bảo vệ môi trường xanh - sạch ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mỗi người, mỗi nhà. 
 
Với các loại chất thải không phải rác thải sinh hoạt, Lâm Hà cũng thực hiện thu gom và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chất thải rắn chăn nuôi trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 18-19 tấn/ngày, chủ yếu là chất thải từ các trang trại heo được tái sử dụng đạt 100%. Chất thải rắn, phụ phẩm nông nghiệp hầu hết được người dân tận dụng xử lý làm phân xanh, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Các loại rác thải công nghiệp thông thường được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu gom và xử lý theo quy định.
 
Lâm Hà đặc biệt chú trọng tới thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại. Trung tâm Y tế huyện cho biết, chất thải rắn y tế thông thường phát sinh từ các cơ sở y tế với khối lượng 0,9 tấn/ngày, tỷ lệ được tiêu hủy, xử lý đạt 100%. Riêng rác thải y tế nguy hại được xử lý bằng cách tiêu hủy bằng lò đốt rác y tế đặt tại đơn vị. Hoạt động thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật được coi là nhiệm vụ quan trọng với huyện hoạt động nông nghiệp là chủ yếu như Lâm Hà. Trong năm 2019, UBND huyện đầu tư xây dựng xong 1 kho lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại bãi rác của huyện tại tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, đồng thời triển khai thí điểm lắp đặt 25 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn xã Nam Hà. Năm 2020, dự kiến lắp đặt thêm các bể chứa trên địa bàn các xã, thị trấn còn lại nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh An cũng cho biết, chuyện môi trường ở địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Lâm Hà khó ở vấn đề xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng như hệ thống bể chứa chưa đầy đủ, số lượng được lắp đặt còn hạn chế nên công tác thu gom chưa được triển khai đồng bộ. Nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn đổ rác thải sinh hoạt và các loại rác khác vào bể chứa, làm gia tăng lượng chất thải nguy hại phải xử lý. Công tác thu gom, xử lý chất thải ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thu gom rác bởi đơn vị có chức năng chưa cao. Địa bàn thu gom chỉ mới tập trung được ở khu vực trung tâm 13 xã, thị trấn. Các xã còn lại và khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có tuyến thu gom rác thải sinh hoạt. Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt của huyện chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt 100% tiêu chuẩn kỹ thuật của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định. Nhiều cơ sở chăn nuôi còn để mùi từ chất thải ảnh hưởng tới xung quanh, nhất là những hộ chăn nuôi trong khu dân cư. 
 
Để thúc đẩy hoạt động môi trường, Lâm Hà đang tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường, tăng lượng rác thải được thu gom và xử lý đúng kỹ thuật. Lắp đặt thêm các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, nâng tổng số bể chứa được lắp đặt lên trên 100 bể và triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện theo quy định. Các biện pháp lâu dài như xã hội hóa, kêu gọi đầu tư xây dựng bãi rác, đơn vị thu gom rác thải… đang có kế hoạch thực hiện với mục tiêu đưa giữ gìn môi trường trở thành việc của toàn dân. Và nhiệm vụ thường xuyên nhất chính là tuyên truyền, vận động mỗi người dân trở thành một người bảo vệ môi trường, giữ gìn cuộc sống xanh cho mỗi gia đình, mỗi xóm phố.
 
DIỆP QUỲNH