Đạ Huoai thoát nghèo ngoạn mục

05:07, 01/07/2020

Huyện Đạ Huoai có 27 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 7.500 người, chiếm 22% dân số. Sau giai đoạn 4 năm (2016-2019) thực hiện chủ trương giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, Đạ Huoai đã đạt được những kết quả ngoạn mục. 

Huyện Đạ Huoai có 27 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 7.500 người, chiếm 22% dân số. Sau giai đoạn 4 năm (2016-2019) thực hiện chủ trương giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, Đạ Huoai đã đạt được những kết quả ngoạn mục. 
 
Kết cấu hạ tầng cơ sở xã Phước Lộc, nơi có đến 80% DTTS gốc Tây Nguyên
Kết cấu hạ tầng cơ sở xã Phước Lộc, nơi có đến 80% DTTS gốc Tây Nguyên
 
“Thoát nghèo ngoạn mục” là nhận xét của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Huoai Hồ Ngọc Hải khi nói về ba “xã nghèo” duy nhất của huyện này trong dịp làm việc với chúng tôi. Ông Hải đánh giá rõ hơn về một chặng đường 5 năm (2015-2020) của huyện trong phát triển kinh tế-xã hội: “Một nhiệm kỳ rất khởi sắc. Đó là 3 chỉ tiêu đề ra đều vượt: thu ngân sách; giá trị gieo trồng trên ha; thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo”. Chia sẻ niềm vui của lãnh đạo huyện Đạ Huoai, chúng tôi tìm về cả 3 “xã nghèo” Đoàn Kết, Đạ P’loa và Phước Lộc của huyện Đạ Huoai. Đây là xã khu vực III, thuộc vùng DTTS gốc Tây Nguyên và miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định số 50/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 3 xã cuối cùng này của huyện Đạ Huoai đang rơi vào tình trạng “nghèo” vì có 2 tiêu chí: số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên và tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Theo số liệu công bố mới nhất, huyện Đạ Huoai có tổng diện tích tự nhiên 49.529 ha, khoảng 33.998 người; trong đó, đồng bào DTTS có 7.487 người, chiếm 22% (20% thuộc dân tộc gốc Tây Nguyên là Mạ và K’Ho). Toàn huyện có 27 dân tộc sinh sống đan xen ở thôn, tổ dân phố thuộc 8/9 xã, thị trấn; riêng đồng bào gốc Tây Nguyên là Mạ và K’Ho hiện sinh sống tại 8/9 xã, thị trấn, 22/61 thôn, tổ dân phố; trong đó tập trung tại 3 xã: Phước Lộc, Đoàn Kết và Đạ P’loa. Một thách thức đối với huyện và 3 xã này là làm thế nào để đưa được đời sống của cộng đồng dân cư DTTS vượt qua khó khăn để thoát nghèo. Đó là nhiệm vụ chính trị mà cả Đảng bộ, chính quyền huyện nói chung và 3 “xã nghèo” nói riêng quán triệt sâu sắc, hành động quyết liệt. Cùng đó là nội lực tự vươn lên của đồng bào Mạ, đồng bào K’Ho. 
 
Cũng như nhiều vùng đồng bào DTTS khác, khâu quan trọng đầu tiên là dồn tổng lực đầu tư từ Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Nguyễn Linh Hoạt, các nguồn vốn phân bổ 3 “xã nghèo” và một “thôn đặc biệt khó khăn” ở xã Mađaguôi theo Chương trình 135 trong năm 2016 là 3.830 triệu đồng. Tính chung cả giai đoạn 2016-2019, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS toàn huyện lên đến 78.798 triệu đồng. Số kinh phí này được sử dụng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... Đây vừa là yếu tố tích cực, thúc đẩy phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa; vừa là điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định an sinh xã hội. Cùng đó là hỗ trợ phát triển sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng. Bao gồm hỗ trợ phân bón cho gần 9,5 ha cây trồng đối với 10 hộ nghèo của 3 xã Đạ P’loa, Đoàn Kết, Phước Lộc với tổng kinh phí gần 42 triệu đồng; giao khoán bảo vệ rừng cho 450 hộ nghèo và cận nghèo 6 xã hơn 11.809 ha; riêng 3 “xã nghèo” 8.089 ha… Hoạt động này vừa giảm áp lực lên tài nguyên rừng, vừa tăng thu nhập để đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo. Trong 4 năm (2016-2019), Đạ Huoai còn hỗ trợ 1.370 triệu đồng xây mới và sửa chữa nhà cho 48 hộ nghèo và cận nghèo là DTTS. Tính đến ngày 18/3/2020, chương trình tín dụng ưu đãi đã cho vay 643 lượt hộ với số vốn 16.961 triệu đồng… Còn rất nhiều chính sách khác về kinh tế, y tế, giáo dục…, hoặc lồng ghép hoặc ưu đãi, lên đến hàng trăm tỷ đồng đã giúp các hộ đồng bào DTTS trong huyện nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 38,23 triệu đồng/năm 2019. Năm 2019, hai xã Đoàn Kết và Đạ P’loa đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Đặc biệt, xã Phước Lộc đã về đích nông thôn mới từ năm 2017 như một kỳ tích. Đối với đồng bào DTTS toàn huyện, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của hộ nghèo là 2,80% và tỷ lệ giảm bình quân hàng năm của hộ cận nghèo là 0,68%. Nếu năm 2016, hộ nghèo là 272 hộ, chiếm tỷ lệ 14,29%; hộ cận nghèo là 127 hộ, chiếm tỷ lệ 6,67% thì vào năm 2019 hộ nghèo chỉ còn 79 hộ, đạt tỷ lệ 4,39% và hộ cận nghèo còn 89 hộ, đạt tỷ lệ 4,95%.
 
Những con số vừa nêu trên dĩ nhiên là niềm vui chung của huyện Đạ Huoai, nhưng không thể tự bằng lòng, phía trước còn nhiều thách thức. Đạ Huoai vừa triển khai Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, những bài học thực tiễn quý báu tiếp tục đúc kết để phát huy cũng như khắc phục. Đó là, công tác giảm nghèo đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, nhất là mô hình “Phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo” đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được đặc biệt quan tâm đồng bộ, từ kết cấu hạ tầng, các dự án, chính sách về phát triển sản xuất, nhà ở, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, giao khoán quản lý bảo vệ rừng... Song song là chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa được chú trọng. Mặt khác, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. An ninh chính trị, an ninh nông thôn được ổn định, các vấn đề phát sinh được giải quyết dứt điểm. Tất cả những giải pháp, những hoạt động nêu trên đã đưa huyện Đạ Huoai đến nay không còn xã, không còn thôn “đặc biệt khó khăn”. Đó là kỳ tích, đó là “ngoạn mục”; và là nền tảng để mục tiêu của nhiệm kỳ mới (2020-2025) đặt ra sẽ hoàn thành: tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn dưới 2%. Và, một trong 4 chương trình trọng tâm sẽ hiện thực như mong đợi: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
 
MINH ĐẠO