Giao khoán để bảo vệ rừng tốt hơn

02:07, 29/07/2020

Việc thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không những kéo giảm vi phạm luật mà còn tạo điều kiện cho người nhận khoán hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng.

Việc thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng (BVR) cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không những kéo giảm vi phạm luật mà còn tạo điều kiện cho người nhận khoán hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng.
 
Đồng bào DTTS tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng
Đồng bào DTTS tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng
 
Theo ghi nhận ở huyện Lâm Hà, lực lượng nhận khoán tham gia công tác BVR là đồng bào DTTS, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và công tác tuần tra, kiểm tra của ngành chức năng, đơn vị chủ rừng đã kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật mới phát sinh, các vụ vi phạm có chiều hướng giảm dần, giảm về số lượng, giảm về diện tích và khối lượng gỗ thiệt hại.
 
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, người nhận khóa BVR còn tham gia công tác phòng, chống chữa cháy rừng, huy động lực lượng phản ứng nhanh, tại chỗ, kịp thời, do vậy trong 5 năm qua trên địa bàn Lâm Hà không để xảy ra cháy lớn nên thiệt hại về tài nguyên rừng không đáng kể.
 
Người nhận giao khoán, trong đó nhiều hộ là đồng bào DTTS còn là lực lượng tham gia công tác giải tỏa các cây trồng, nhà tạm trên đất lâm nghiệp trái phép. Từ năm 2015-2020, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm canh tác nông nghiệp từ sau năm 2012 với diện tích giải tỏa là 142,9 ha/164 đợt.
 
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Lâm Hà từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào DTTS.
 
Những năm trước đây, Ban quản lý rừng thực hiện giao cho các hộ gia đình và tổ chức trên địa bàn bằng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách của tỉnh từ Chương trình 30a. Năm 2012 đến nay, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác giao khoán BVR gắn với trách nhiệm, quyền lợi của từng cá nhân, cụ thể là từng hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng, đặc biệt ưu tiên cho các hộ đồng bào DTTS nghèo tham gia nhận khoán BVR và được chi trả tiền nhận khoán. Qua đó, đã khuyến khích các hộ nhận khoán tham gia quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.
 
“Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện, bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng” - ông K’Định - hộ nhận khoán phấn khởi. 
 
Tính đến thời điểm này, diện tích rừng giao khoán bảo vệ ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà đã giao khoán 17.743,56 ha cho 817 hộ dân, trong đó có tới 506 hộ đồng bào DTTS, chiếm 59,74%.
 
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban QLRPH Lâm Hà đã thực hiện tốt công tác giao khoán BVR theo chính sách chi trả DVMTR, huy động được hơn 3.500 lượt người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; trong đó có khoảng 2.330 lượt là đồng bào DTTS. Bình quân mỗi năm có khoảng 750 hộ tham gia nhận khoán BVR, với thu nhập bình quân mỗi hộ từ 10 đến 20 triệu đồng/năm.
 
Ông Trương Quang Trung - Trưởng Ban QLRPH Lâm Hà khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR, đã đem lại hiệu quả thiết thực, số vụ vi phạm về luật bảo vệ rừng và cháy rừng đã giảm đáng kể, theo đó đời sống của người dân được hưởng lợi từ rừng cũng ngày càng cao. Nhờ thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Lâm Hà tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép giảm, người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; giờ đây những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng luôn được bảo vệ và phát triển xanh tốt.
 
Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhìn nhận, việc thực hiện công tác giao khoán BVR trong thời gian qua đã duy trì ổn định diện tích rừng trên lâm phần được giao quản lý, hạn chế được các hành vi phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng, đồng thời ngăn chặn được tình trạng người nhận khoán cấu kết với lâm tặc để khai thác gỗ trái pháp luật, tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Đồng thời giải quyết công ăn việc làm, đời sống của các hộ gia đình nhận khoán BVR được cải thiện và nâng cao, nguồn thu nhập từ việc nhận khoán BVR đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
HOÀNG YÊN