Giữ tiếng chiêng ở lại bon, làng

09:07, 02/07/2020

Già làng K'Tiếu (dân tộc K'Ho) ở Bon Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh được nhiều người kính trọng. Bằng uy tín của mình, ông đã góp công lớn khôi phục, duy trì các hoạt động văn hóa cồng chiêng của người K'Ho ở địa phương. 

Già làng K’Tiếu (dân tộc K’Ho) ở Bon Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh được nhiều người kính trọng. Bằng uy tín của mình, ông đã góp công lớn khôi phục, duy trì các hoạt động văn hóa cồng chiêng của người K’Ho ở địa phương. 
 
Đội chiêng Bon Duệ tại Giao lưu văn hóa cồng chiêng xã Đinh Lạc, huyện Di Linh
Đội chiêng Bon Duệ tại Giao lưu văn hóa cồng chiêng xã Đinh Lạc, huyện Di Linh
 
Già K’Tiếu là người có trách nhiệm với cộng đồng. Những năm qua, ngoài việc vận động bà con đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, ông còn tuyên truyền, vận động và cảm hóa nhiều thanh thiếu niên hư hỏng. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt cộng đồng ở vùng quê này dần được trở lại bình yên, an ninh trật tự xã hội trong bon được đảm bảo, bà con yên tâm chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới. 
 
Điều mà già làng K’Tiếu luôn trăn trở là làm thế nào để bà con cảm thấy tự hào văn hóa truyền thống của dân tộc mình; đặc biệt là làm sao để giữ được tiếng chiêng ngân vang, những điệu múa (tam nia) đẹp mắt. Từ suy nghĩ đó, già K’Tiếu đã tập hợp một số người trước đây đã từng tham gia diễn tấu cồng chiêng trong bon để thành lập nhóm cồng chiêng, rồi thành lập đội chiêng nữ, đội chiêng thiếu nhi. Muốn truyền dạy cho các cháu, già làng K’Tiếu phải đến từng nhà vận động người đi học, mượn từng chiếc chiêng, rồi mượn nhà nuôi dạy trẻ để sinh hoạt.
 
Nhớ lại những ngày đầu gian khó, già làng K’Tiếu cho biết: “Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do không có bộ cồng chiêng và nơi sinh hoạt, truyền dạy, nên phải mượn nhà nuôi dạy trẻ để làm lớp học. Nay đã được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và đây là cơ hội để tôi truyền dạy cho các cháu. Các cháu rất đam mê sinh hoạt cồng chiêng, nên khi tôi truyền dạy các cháu tiếp thu rất nhanh”.
 
Khi được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, rồi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp bộ cồng chiêng cho Bon Duệ thì những nỗi lòng chất chứa bấy lâu nay của già K’Tiếu được giải tỏa. Niềm vui đến với bà con được nhân lên gấp bội và đây là điều kiện cần và đủ để già K’Tiếu thực hiện ước mơ duy trì, nối dài tiếng chiêng ngân vang. “Tôi đam mê cồng chiêng từ hồi mới 13, 14 tuổi. Khi thấy gia đình tổ chức sinh hoạt cồng chiêng, chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau một thời gian vắng bóng, thiếu tiếng chiêng ngân trong lòng chúng tôi cảm thấy thiếu thốn nên mong muốn được sinh hoạt cồng chiêng mang niềm vui cho buôn làng. Hiện nay, khi tiếng chiêng đã ngân vang trở lại tự nhiên trong lòng tôi sung sướng và hạnh phúc. Đặc biệt tôi rất hãnh diện với việc làm truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho thế hệ con cháu, được thế hệ trẻ đón nhận bằng sự nhiệt tình và hân hoan, tôi rất hạnh phúc”, già K’Tiếu phấn khởi. 
 
Đội chiêng Bon Duệ xã Đinh Lạc liên tục được cử đi tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc ở các xã, huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. Đó là những dịp để các thành viên đội chiêng Bon Duệ được giao lưu, học hỏi. Chị Ka Thồnh, thành viên đội chiêng và là một trong những “cánh chim” đầu đàn dẫn dắt các thiếu nữ Bon Duệ cho biết, nhờ có sự dìu dắt của già làng K’Tiếu nên thế hệ trẻ mới biết biểu diễn cồng chiêng và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chị Ka Thồnh chia sẻ: “Trước đây, thế hệ trẻ chúng tôi không biết gì về chiêng, từ khi được Nhà nước quan tâm bảo tồn, mở lớp truyền dạy nên anh chị em trong bon đã biết đánh cồng chiêng. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống có giá trị của dân tộc. Sau này chúng tôi có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ con cháu ý thức trong gìn giữ, bảo tồn, duy trì sinh hoạt cồng chiêng, để tiếng chiêng ngân vang mãi với bon làng”.
 
Bằng nhiệt huyết và niềm đam mê cồng chiêng của mình, già làng K’Tiếu đã truyền cảm hứng yêu thích văn hóa truyền thống K’Ho cho các thế hệ trẻ ở Bon Duệ nói riêng, xã Đinh Lạc và huyện Di Linh nói chung. Những người tham gia lớp truyền dạy sử dụng cồng chiêng của già K’Tiếu có độ tuổi từ 18 đến 50, trong đó cũng có những cặp vợ chồng cùng tham gia sinh hoạt như vợ chồng anh A Ky và anh K’Bối. 
 
Khác so với các lớp truyền dạy sử dụng cồng chiêng trước đây đều có nam, nữ thanh thiếu niên tham gia, thì lớp học này có những nét mới, khác biệt hơn, đó là già K’Tiếu ưu tiên dành cho các thiếu nữ. Bởi đơn giản, theo quan niệm của già, khi dạy cho nữ dù sau này họ lập gia đình thì họ vẫn giữ tiếng chiêng ở lại với bon làng và có thể truyền cảm hứng dạy lại cho chồng. Còn nếu truyền dạy cho nam giới, khi họ đi lấy vợ chưa chắc gì họ đã giữ lại tiếng chiêng. 
 
Em Ka Quỳnh (17 tuổi) là một trong 12 học viên của Bon Duệ đang theo học lớp truyền dạy cồng chiêng của xã, cho biết: “Thấy các anh, chị diễn tấu cồng chiêng, múa xoang rất hấp dẫn. Qua theo dõi trên truyền hình các hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng đúng là nét đẹp văn hóa rất đặc sắc luôn cuốn hút chúng em. Hầu hết thế hệ trẻ K’Ho hiện nay đã lãng quên văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, thông qua lớp học cồng chiêng của già làng K’Tiếu, góp phần giúp chúng em tham gia trong công tác bảo tồn, lưu truyền lại cho thế hệ sau được tốt hơn”.
 
Trong xu thế xã hội phát triển, giao thoa và hội nhập, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bị tác động, có nguy cơ bị thu hẹp. Việc các già làng, nghệ nhân ở các vùng đồng bào dân tộc bản địa có tâm huyết truyền dạy cồng chiêng, thành lập đội chiêng cho các thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số là việc làm hết sức thiết thực và đáng trân trọng. Trong đó, già K’Tiếu là một trong những tấm gương tiêu biểu.
 
NDONG BRỪM