Lâm Hà: Khi bộ phận một cửa huyện cũng là bưu điện

04:07, 10/07/2020

Là một trong 4 huyện của tỉnh thí điểm chuyển giao việc tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính cho Bưu điện công ích từ tháng 4/2019, đến đầu năm 2020, bộ phận một cửa UBND huyện Lâm Hà bắt đầu bàn giao toàn bộ nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cấp huyện cho Bưu điện huyện. 

Là một trong 4 huyện của tỉnh thí điểm chuyển giao việc tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính cho Bưu điện công ích từ tháng 4/2019, đến đầu năm 2020, bộ phận một cửa UBND huyện Lâm Hà bắt đầu bàn giao toàn bộ nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cấp huyện cho Bưu điện huyện. 
 
Tiếp nhận và trả kết quả tại Bưu điện Lâm Hà
Tiếp nhận và trả kết quả tại Bưu điện Lâm Hà
 
Bưu điện tiếp nhận và trả hồ sơ 
 
Cùng Lâm Hà, trong tỉnh còn có 3 huyện, thành khác là Lạc Dương, Đơn Dương và Đà Lạt cùng thực hiện thí điểm chuyển giao việc tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho Bưu chính công ích, tạo điều kiện để Bưu điện công cộng tham gia cung cấp các dịch vụ công, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh hiện nay. 
 
Cũng như 3 huyện, thành trên, Lâm Hà trong năm 2019 cũng chỉ chuyển giao cho Bưu chính công ích tiếp nhận và trả kết quả trong 5 lĩnh vực gồm: Văn hóa thông tin, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục - Đào tạo và Nội vụ; đến đầu năm nay đã mở rộng việc chuyển giao và tiếp nhận TTHC các lĩnh vực còn lại cho Bưu điện. 
 
Theo UBND huyện Lâm Hà, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, Lâm Hà đã chuyển bộ phận một cửa của UBND huyện sang đặt tại Bưu điện huyện, đồng thời bố trí những cán bộ, công chức có kinh nghiệm của huyện trực tiếp huấn luyện cho nhân viên Bưu điện theo phương châm “vừa học vừa làm”.
 
Để hỗ trợ Bưu điện huyện, Lâm Hà đã cử một chuyên viên giàu kinh nghiệm là bà Trương Thị Mến - người từng nhiều năm làm việc tại bộ phận một cửa của UBND huyện qua đây phụ trách. 
 
Theo bà Mến, sau khi phổ biến về lý thuyết, huyện đã cho các nhân viên Bưu điện thực hành ngay trên hồ sơ trong những ngày đầu triển khai, bắt đầu từ các loại hồ sơ đơn giản rồi dần đến các hồ sơ phức tạp. Chỉ cần sau hơn 1 tháng khi tất cả các nhân viên Bưu điện vào guồng, Lâm Hà đã chính thức bàn giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả cho Bưu điện huyện, gần như toàn bộ TTHC cấp huyện, chỉ trừ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
 
Về phía Bưu điện Lâm Hà, đơn vị đã bố trí 4 nhân viên có trình độ đại học để tiếp nhận hồ sơ TTHC tại quầy, đồng thời cũng có phương án thay thế khi những nhân viên này có việc nghỉ đột xuất. 
 
Là một huyện rộng với dân số đông, hằng năm lượng hồ sơ cấp huyện của Lâm Hà cũng khá lớn, nhiều nhất trong số này vẫn là hồ sơ đất đai. Từ khi chuyển sang cho Bưu điện huyện phụ trách, tính đến đầu tháng 6/2020, Bưu điện Lâm Hà đã đảm nhận tổng cộng 9.985 hồ sơ; việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được thực hiện theo đúng quy định; sau khi tiếp nhận nhân viên Bưu điện sẽ bàn giao hồ sơ lại cho các phòng, ban của huyện theo quy trình; toàn bộ việc luân chuyển hồ sơ và nhận kết quả của các phòng ban cũng được nhân viên Bưu điện đảm nhận.
 
Để chuyên nghiệp hóa
 
Có không ít những khó khăn xuất hiện khi Bưu điện đứng ra đảm trách công việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của huyện. Trước nhất, trong bố trí của Bưu điện cho số nhân viên làm việc tại đây vẫn chưa có sự ổn định và chưa đúng theo tiêu chuẩn bằng cấp quy định. Một số TTHC khá phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ chuyên ngành mới tiếp nhận được, vì vậy, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ các nhân viên còn lúng túng trong quá trình hướng dẫn cho người dân và tổ chức, phải cần đến sự trợ giúp của huyện. 
 
Một khó khăn khác chính là việc người dân đến nay vẫn chưa có thói quen, hay nói chính xác là chưa đủ độ “tin tưởng” khi sử dụng dịch vụ bưu chính công, sợ mất giấy tờ gốc. Một số thủ tục có yêu cầu cao về mặt hồ sơ, người dân vẫn muốn gặp trực tiếp cán bộ huyện để được tư vấn và giải quyết. Bộ phận một cửa huyện tại Bưu điện Lâm Hà vẫn còn khá chật, chưa đủ diện tích để có thể bố trí thêm quầy tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của ngành công an. 
 
Tuy nhiên, như UBND huyện Lâm Hà đánh giá, có không ít những ưu điểm có thể nhận thấy được. Cái được lớn nhất chính là hầu hết nhân viên Bưu điện được đào tạo về nghiệp vụ khách hàng, giao tiếp khá ân cần, hòa nhã, chịu khó học hỏi, tiếp cận nhanh với công việc nên người dân đến đây cảm thấy thoải mái, hài lòng hơn rất nhiều so với khi phải đến làm việc tại bộ phận một cửa của UBND huyện.
 
UBND huyện cho biết, trong thời gian đến vẫn tiếp tục bố trí cán bộ có kinh nghiệm để hỗ trợ tại đây, ít nhất là 2 năm. Đồng thời, huyện cũng sẽ tiếp tục bố trí cán bộ có nghiệp vụ đại học quản lý đất đai hoặc đại học luật để hướng dẫn, giải thích, tư vấn và tiếp nhận TTHC thuộc lĩnh vực đất đai (trên 90% hồ sơ hằng ngày nơi đây thuộc lĩnh vực đất đai). 
 
Huyện cũng lên kế hoạch chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên - Môi trường cho Bưu điện huyện đảm nhận, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dần với dịch vụ bưu chính công, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát tận nhà. Đồng thời, huyện đang kiến nghị với tỉnh cho phép Bưu điện công ích chuyển giao toàn bộ kết quả giải quyết TTHC đến tận địa chỉ cho người dân, tổ chức, nhằm giảm bớt lượng người đến giao dịch và giảm bớt lượng nhân viên làm việc tại bộ phận một cửa của huyện hằng ngày, tiến tới không trả kết quả tại bộ phận một cửa. 
 
Lâm Hà cũng đề nghị tỉnh nên có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn nhân viên Bưu điện làm việc tại bộ phận một cửa (do nhân viên của Bưu điện làm việc tại bộ phận một cửa và tiêu chuẩn của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ không đồng nhất nhau).
 
Như ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhận xét: “Nhìn chung cho đến nay mọi việc đều ổn, chỉ có một số lĩnh vực như tài chính, xây dựng... với nhiều quy định phức tạp trong hồ sơ nên đòi hỏi nhân viên Bưu điện phải có bằng cấp cùng loại, phù hợp để thẩm định khi tiếp nhận hồ sơ”. 
 
Chính vì vậy, theo ông Chí, huyện kiến nghị tỉnh sớm đưa ra quy chuẩn bằng cấp cho nhân viên Bưu điện trong tiếp nhận hồ sơ để ngành lựa chọn nhân lực bố trí vào vị trí này. “Hiện nay việc chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho Bưu điện chỉ là cầm tay chỉ việc, học việc dựa trên kinh nghiệm, nên cần có nhân viên Bưu điện có trình độ để tiếp cận công việc một cách hệ thống và chuyên nghiệp hơn về lâu dài” - ông Chí cho biết.
 
GIA KHÁNH