Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc quy hoạch 3 loại rừng

05:07, 23/07/2020

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đối với quyết định về việc quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các cấp, các ngành chức năng đang nỗ lực tháo gỡ tại cơ sở.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đối với quyết định về việc quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các cấp, các ngành chức năng đang nỗ lực tháo gỡ tại cơ sở.
 
Nhiều diện tích có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp
Nhiều diện tích có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp
 
Từ năm 2007 đến nay, Lâm Đồng đã có nhiều thay đổi về quy hoạch 3 loại rừng. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đầu tư, các phương án sản xuất mới có sử dụng đất lâm nghiệp đòi hỏi phải bố trí, cân đối quỹ đất lâm nghiệp theo các loại rừng một cách hợp lý. Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là hết sức cần thiết. 
 
Hiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã triển khai tại tất cả các huyện, thành phố. Tổng diện tích quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp 596.476 ha, trong đó, rừng đặc dụng 84.119 ha, rừng phòng hộ 172.800 ha, rừng sản xuất 339.557 ha.
 
Trên thực tế, việc thực hiện quy hoạch 3 loại rừng ở các địa phương còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay trong diện tích quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp còn 52.060 ha người dân đang sản xuất nông nghiệp nằm xen trong đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 8,73% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và ổn định xã hội.
 
Giữa quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020 và quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp, nhất là việc cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 có những vị trí quy hoạch chưa thống nhất, đồng bộ. Một số diện tích đất có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp, một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) - mà mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm, lâu năm hoặc các mục đích không phải là lâm nghiệp… - nằm trong quy hoạch lâm nghiệp.
 
Sau khi phát hiện những bất cập trên, UBND tỉnh đã triển khai giải pháp khắc phục. Cụ thể, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng một cách cụ thể thông qua khảo sát thực địa, lấy ý kiến Nhân dân, chính quyền cơ sở để xác định đâu là rừng tự nhiên, đâu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất một cách rõ ràng, minh bạch.
 
HƠN 24 HA DIỆN TÍCH CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG
 
Cơ quan thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác quặng bauxit giai đoạn 2020-2024 của Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV tại huyện Bảo Lâm. 
 
Cụ thể, tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng hơn 24 ha. Nguồn gốc rừng trồng thông 3 lá bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối tượng rừng sản xuất, cây rừng nằm xen kẽ trong các lô đất trống, đất sản xuất nông nghiệp không đủ tiêu chí để tách lô trạng thái rừng. Loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. 
 
Vị trí đất chuyển đổi mục đích tại Tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, bao gồm các lô, khoảnh đủ và không đủ diện tích tiêu chí thiết kế lô trạng thái rừng.
 
MẠC KHẢI

Đơn cử như tại huyện Đức Trọng, hiện nay sau khi có thông báo kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi làm việc về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp; quản lý, sử dụng diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp giao cho địa phương quản lý còn nhiều diện tích trong và ngoài đất lâm nghiệp bất hợp lý. Vì vậy, UBND huyện Đức Trọng cũng đã đề nghị: Chu chuyển toàn bộ diện tích đất có rừng và đất đang thực hiện giao khoán theo các nghị định với diện tích 129,33 ha vào quy hoạch lâm nghiệp; chu chuyển diện tích 95,37 ha đất lâm nghiệp đã được cấp giấy CNQSDĐ ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp; giao diện tích 76,41 ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có chủ quản lý cho các ban quản lý rừng phòng hộ tại địa phương quản lý; điều chỉnh về phạm vi ranh giới quản lý của các đơn vị chủ rừng với diện tích 247,24 ha. Và, đến nay UBND huyện tiếp tục rà soát bổ sung diện tích 33,96 ha để đề nghị chu chuyển ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp, đảm bảo cân bằng diện tích chuyển vào và ra quy hoạch lâm nghiệp là 129,33 ha.

 
Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, việc rà soát và quy hoạch lại 3 loại rừng là cơ hội để điều chỉnh quy hoạch đúng theo thực địa sau thời gian xảy ra nhiều biến động, khắc phục tình trạng “trên hồ sơ một đằng, ngoài thực địa một nẻo” gây khó khăn cho công tác quản lý như trong thời gian qua. Do đó, cần thiết phải bổ sung, cập nhật và thay thế bản đồ, số liệu chi tiết ban hành kèm theo Quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
 
Tại buổi làm việc về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp; quản lý, sử dụng diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp giao về địa phương quản lý, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương, các đơn vị chủ rừng, đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh những thiếu sót, bất cập. Đến nay, đã có 8 huyện, thành phố báo cáo kết quả rà soát và 4 huyện chưa có báo cáo.
 
Theo ông Tuyên, đối với diện tích 52.060 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp nằm trong đất lâm nghiệp phải lập nhiều phương án. Các phương án đề ra bao gồm: Phương án 1: Thực hiện Đề án “Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” sau khi được phê duyệt. Trong đó, nhiệm vụ khôi phục rừng trên diện tích 52.060 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp nằm trong đất lâm nghiệp sẽ thực hiện trồng khoảng 20.000 ha (giai đoạn 2021-2025) và trồng khoảng 32.060 ha (giai đoạn 2025-2030). 
 
Phương án 2: Ngày 8/7/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 1103/TB-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị “Chỉ đạo rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn toàn tỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp đối với diện tích đất thực tế người dân đã sử dụng vào sản xuất nông nghiệp...”. Từ kết luận này, trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 2021-2030, UBND tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm chỉ tiêu đất lâm nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng xuống còn 544.416 ha, nghĩa là đưa toàn bộ diện tích 52.060 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp để đảm bảo ổn định được đất sản xuất nông nghiệp và các loại đất khác, nhằm giữ vững cơ cấu đất lâm nghiệp lâu dài. Việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu đất lâm nghiệp nêu trên không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp và kế hoạch tăng độ che phủ rừng của tỉnh. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục đôn đốc các địa phương khẩn trương báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng và tiến hành kiểm tra kết quả rà soát, điều chỉnh tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. 
 
Có thể nói, quá trình khắc phục những bất cập từ quyết định quy hoạch 3 loại rừng đã được các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện một cách nhanh chóng.
 
HOÀNG YÊN