Dâu hữu cơ 2 màu ở Tà Nung

05:09, 10/09/2020

Vườn dâu tây Sweetie Bambi gần 600 m2 sản xuất 2 màu đỏ và trắng ở xã Tà Nung, Đà Lạt vừa hoàn thành quy trình sản xuất thuần hữu cơ phù hợp với sinh thái trong vùng, hy vọng sớm được chuyển giao rộng rãi cho nông dân địa phương.

Vườn dâu tây Sweetie Bambi gần 600 m2 sản xuất 2 màu đỏ và trắng ở xã Tà Nung, Đà Lạt vừa hoàn thành quy trình sản xuất thuần hữu cơ phù hợp với sinh thái trong vùng, hy vọng sớm được chuyển giao rộng rãi cho nông dân địa phương. 
 
Trái dâu Bạch tuyết được bao bọc một lớp lưới ngăn chặn côn trùng xâm nhập gây hại ở Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung
Trái dâu Bạch tuyết được bao bọc một lớp lưới ngăn chặn côn trùng xâm nhập gây hại ở Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung
 
Một ngày cuối tuần vừa qua, phóng viên được Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiệp (Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) hướng dẫn tiếp xúc vườn dâu tây đỏ và trắng Sweetie Bambi cách UBND xã Tà Nung, Đà Lạt chưa đầy 1.000 m. Đây là khu vườn nhà kính nằm giữa những thửa vườn cà phê, vườn cây ăn trái xanh ngát lâu năm của người dân địa phương. Bước chân đầu tiên qua cánh cửa nhà kính, phóng viên cảm nhận không khí trong lành bởi quy trình canh tác thuần hữu cơ, tức là hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ nguồn nước tưới được khai thác tầng ngầm xử lý sạch mầm bệnh trước khi bơm lên hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dâu đỏ và trắng ở đây. Tiến sĩ Hiệp cho biết, từ giữa tháng 3/2020, Vườn dâu tây Sweetie Bambi bắt đầu hình thành sau khi cải tạo 600 m 2/1.000 m 2 cà phê già cỗi để trồng khảo nghiệm các giống dâu tây đỏ và dâu tây trắng (còn gọi dâu tây Bạch tuyết) nguồn gốc từ Nhật Bản và Hàn Quốc bằng phương pháp địa canh hữu cơ. Trong đó bố trí tỷ lệ 70% diện tích canh tác dưới đất và 30% canh tác trên giàn cách ly trên đất khoảng 1 m. Việc xuống giống trồng theo tuần tự thời gian khác nhau, cây có lứa tuổi nhiều nhất từ 3 - 5 tháng, trái căng mọng trên cành; cây trồng gần nhất hơn 2 tuần, bắt đầu tạo ngó (cây con) tua tủa. Phóng viên quan sát khu vực dưới đất gồm 6 luống dâu đỏ và 3 luống dâu Bạch tuyết (mỗi luống có chiều rộng 0,6 m, chạy dài 14 m) đang sinh trưởng khá tốt trên môi trường hỗn hợp đất đồi tự nhiên ở Tà Nung, Đà Lạt phối trộn với các tỷ lệ cân đối lượng phân bò, phân trùn quế, xơ dừa… Và trên giàn cao đều trồng thuần dâu Bạch tuyết gồm 5 luống, chiều rộng, chiều dài bằng nhau với luống dâu trồng dưới đất. Riêng mật độ dâu Bạch tuyết trồng cây cách cây từ 20-25 cm. “Ở đây, chúng tôi sử dụng tấm bạt địa chất phủ đều trên mặt đất và tạo thành hệ thống đường máng chứa đựng hỗn hợp đất cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho các loại dâu tây màu đỏ và màu trắng. Bạt địa chất được sản xuất bằng chất liệu vừa đảm bảo thông thoáng không khí, vừa ngăn chặn côn trùng xâm hại từ dưới mặt đất, nên hiệu quả canh tác đã cải thiện rõ rệt so với các giải pháp thông thường…”, một cử nhân sinh học phụ trách kỹ thuật ở đây nhận định. 
 
Phóng viên được trải nghiệm hái xuống thưởng thức tại chỗ các giống dâu tây đỏ và trắng ở Vườn dâu Sweetie Bambi với vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng hữu cơ kết tinh từ môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng của xã Tà Nung, Đà Lạt. Tiến sĩ Hiệp cho rằng, để đạt kết quả ban đầu quan trọng này, trước hết là việc chọn các loại giống dâu đỏ và dâu trắng cấy mô chất lượng cao. Tiếp theo phải phối trộn đảm bảo các thành phần dinh dưỡng trong đất trồng, nhất là tạo môi trường đất tơi xốp, bảo vệ sinh thái tốt tươi cho bộ rễ cây. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc, phòng trừ bệnh hại đều sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học được sản xuất trực tiếp từ Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
 
Dâu đỏ kết trái căng mọng ở Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung
Dâu đỏ kết trái căng mọng ở Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung
Đến đầu tháng 9/2020, ước tính cây trồng Vườn dâu Sweetie Bambi đạt tỷ lệ sinh trưởng tốt hơn 90% đối với các giống dâu đỏ và hơn 80% đối với giống dâu Bạch tuyết. Riêng tỷ lệ cây ngó chiết tách để trồng dặm hàng tháng đạt tỷ lệ cây sống gần như tuyệt đối, tỷ lệ đậu trái chất lượng và số lượng tương đương từ cây mẹ. Thời gian từ khi xuống giống đến khi thu hoạch hàng ngày đối với 2 màu dâu đỏ và trắng khoảng 75 ngày. Nếu chăm sóc đúng quy trình hữu cơ có thể thu hoạch liên tục đến 2 năm sau mới xuống giống trồng mới. 
 
Tính toán sơ bộ hiệu quả sản xuất dâu tây hữu cơ ở Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung cho thấy: mật độ trồng 4.000 cây/1.000 m2, đạt năng suất 1 kg/cây dâu đỏ và 0,5 kg/cây dâu trắng (Bạch tuyết). Với giá thị trường 400.000 đồng/kg dâu đỏ và 2 triệu đồng/kg dâu trắng, thành tổng doanh thu lần lượt mỗi năm trên diện tích 1.000 m2 là 1,6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng. Trừ tổng chi phí giống, vật tư, công chăm sóc khoảng 30%, còn lại là mức lợi nhuận chứng tỏ bước đột phá khá lớn so với các loại cây trồng khác đang vào thời kỳ kinh doanh ở vùng Tà Nung, Đà Lạt. 
 
Dự kiến từ nay đến đầu tháng 10/2020, Vườn dâu Sweetie Bambi, Tà Nung tiếp tục mở rộng thành tổng diện tích nhà kính 1.200 m 2 trồng dâu đỏ và dâu trắng theo quy trình hữu cơ hoàn chỉnh. Nông dân quanh vùng được thêm cơ hội tham khảo, tiếp cận với mô hình mới này. Và đây được xem như một tín hiệu khả quan góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị cao ở vùng nông nghiệp “kết tinh kỳ diệu từ đất lành” xã Tà Nung nói riêng, thành phố Đà Lạt nói chung.
 
VĂN VIỆT