Đơn Dương: "3 tại chỗ", "4 sẵn sàng" ứng phó mùa mưa bão

05:09, 09/09/2020

Là vùng sản xuất rau chủ lực của toàn tỉnh, hàng năm, huyện Đơn Dương đều lên kế hoạch chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng con người.

Là vùng sản xuất rau chủ lực của toàn tỉnh, hàng năm, huyện Đơn Dương đều lên kế hoạch chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng con người.
 
Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp ven sông Đa Nhim, người dân được vận động trồng cây ngắn ngày trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế thiệt hại do ngập úng
Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp ven sông Đa Nhim, người dân được vận động trồng cây ngắn ngày trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế thiệt hại do ngập úng
 
Trong những tháng đầu năm 2020, nắng nóng kéo dài, từ đầu tháng 3 đã xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy và mưa đá. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hồ chứa thủy điện Đa Nhim thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, hàng năm hồ Đa Nhim xả điều tiết và xả lũ về hạ du, thường gây tình trạng ngập úng, thiệt hại về nông sản.  
 
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, thiệt hại do cơn bão số 8, 9 xảy ra vào tháng 11, 12/2018 và việc xả lũ hồ Đơn Dương vào đầu tháng 1/2019 ước tính khoảng 26 tỷ đồng; tổng diện tích lúa, rau, màu thiệt hại là 471,69 ha, hư hỏng nhiều công trình thủy lợi và đường giao thông. Trong quý I/2020, mưa đá kèm theo lốc xoáy vào ngày 8/3 đã gây thiệt hại về nhà lưới, nhà kính, rau màu của Nhân dân với ước tính thiệt hại khoảng 8,85 tỷ đồng. 
 
Với yêu cầu phòng, chống thiên tai (PCTT) phải mang tính khoa học, khả thi, lấy phương châm “phòng là chính, chống là biện pháp tích cực”, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện, các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện công tác PCTT & TKCN. Đồng thời, huyện đã triển khai và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), không để bị động, lúng túng, bất ngờ khi có thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. 
 
Hàng năm, UBND huyện Đơn Dương phân bổ cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện 300 triệu đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai như: Bảo trì, bảo dưỡng ca nô, mua sắm trang thiết bị cấp phát cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các xã, thị trấn, các cá nhân có liên quan, hỗ trợ vùng bị thiên tai,... Ngoài ra, khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất; báo cáo và trình UBND tỉnh, các ngành cấp trên hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, kinh phí phục vụ công tác PCTT & TKCN trên toàn huyện là 924 triệu đồng, mua sắm các trang thiết bị gồm: 400 áo đi mưa, 19 nhà bạt, 200 áo phao, 200 phao cứu sinh, 300 đôi ủng, 100 giường xếp, 1 loa cầm tay, 1 động cơ ca nô Yamaha 60HP và 170 đèn pin.
 
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, huyện Đơn Dương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cắm tiêu biển báo lũ vùng ngập lụt hạ du khi xả lũ hồ Đơn Dương tại 5 vị trí: Cầu ông Thiều, cầu 13, cầu 14, cầu Tràn (xã Lạc Xuân), cầu Châu Sơn (xã Lạc Xuân); lắp đặt trang thiết bị theo dõi trực tiếp mực nước hồ Đơn Dương tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện để chủ động ứng phó với việc xả điều tiết, xả lũ từ hồ Đơn Dương.
 
Ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù trên địa bàn xã ít xảy ra thiên tai, chủ yếu chỉ là ngập úng cục bộ, nhưng hàng năm, xã đều chủ động các kế hoạch ứng phó, thành lập 2 tổ xung kích do lực lượng dân quân làm chủ lực, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết, vận chuyển gấp nông sản, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp,... nhất là khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng năm, xã đều vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng để lưu thông dòng chảy. Xã Lạc Lâm hiện có 470 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 50 ha ven sông Đa Nhim. Đối với diện tích này, UBND xã vận động người dân trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, chủ động thu hoạch sản phẩm, thu dọn tài sản, trang thiết bị phục vụ sản xuất trong mùa mưa lũ để hạn chế thiệt hại do ngập úng. Ngoài ra, trước mỗi đợt xả lũ của đập Đa Nhim, hệ thống truyền thanh của xã đều tích cực thông báo kế hoạch xả lũ để người dân chủ động sắp xếp, ứng phó.
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Đơn Dương còn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hạ lưu dọc sông Đa Nhim trước, trong và sau khi xả lũ, nhằm kịp thời xử lý những vướng mắc, tồn đọng khu vực hạ du sông Đa Nhim. Kiểm tra hiện trạng của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, đề xuất kinh phí sửa chữa các công trình cấp bách trước mùa mưa lũ, tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, ứng phó với thiên tai... 
 
Tuy nhiên, thiên tai thường xảy ra bất ngờ, chính vì vậy, bên cạnh các phương án phòng chống, huyện Đơn Dương chủ động phối hợp, sẵn sàng phương án và chủ động sơ tán Nhân dân ở vùng trọng điểm bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá; hướng dẫn người dân thu hoạch cây trồng khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
 
VIỆT QUỲNH