Người Phi Có lo chữ cho con

06:09, 18/09/2020

Rất xa, nơi đầu nguồn con sông K'rông Nô, ở vùng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông có một thôn nhỏ mang tên Phi Có (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông)...

Rất xa, nơi đầu nguồn con sông K’rông Nô, ở vùng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông có một thôn nhỏ mang tên Phi Có (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông), với ngôi chợ trung tâm và một dãy dài hàng quán sầm uất. Người trong thôn phần lớn là tiểu thương bán buôn, sớm hôm tảo tần chạy chợ, nhưng chuyện học hành của con cháu chưa bao giờ họ xem nhẹ. 
 
Thôn Phi Có, điểm sáng của một cộng đồng học tập
Thôn Phi Có, điểm sáng của một cộng đồng học tập
 
Cộng đồng học tập thôn Phi Có không chỉ là điểm sáng của xã Đạ Rsal, của huyện Đam Rông mà ở một góc độ nào đó còn là của cả Lâm Đồng.
 
Mỗi năm chuyện Bưu điện gửi giấy báo trúng tuyển đại học cho các gia đình trong thôn đã là chuyện thường tình. Niềm vui ấy, giống như thành quả gieo trồng chờ ngày thu hái quả ngọt mà người dân thôn Phi Có đã gầy dựng từ rất lâu.
 
Phi Có là thôn trung tâm của Đạ Rsal, một xã có điều kiện phát triển kinh tế vào loại bậc nhất của huyện vùng sâu Đam Rông. Tuy không thể so sánh với những địa phương khác có điều kiện thuận lợi, nhưng với vị trí đặc biệt, là nơi giáp ranh, giao thương giữa các vùng nên Đạ Rsal gần như là một thị tứ đầu mối sôi động với đa dạng các dịch vụ hàng hóa, thương mại. Thôn Phi Có nằm trong vùng lõi của hệ sinh thái ấy với dân cư đông nhất và nền tảng nội lực kinh tế vững chắc, ổn định.
 
Do tất bật với chuyện buôn bán, kinh doanh, nên người dân ít có thời gian quán xuyến chuyện học hành của con cái. Nhưng thật sự ngạc nhiên, khi phần lớn con em trong thôn đều có ý thức tự giác cao, đều đặn đến trường với nỗ lực học tập đáng trân trọng. Liên tục trong nhiều năm, thôn Phi Có đều có các em học sinh (các cấp) đạt được danh hiệu học sinh giỏi thông qua các kỳ thi của huyện, của tỉnh tổ chức.    
 
Chỉ tính riêng xã Đạ Rsal, đã có 2 trường mầm non công lập, 3 trường mầm non tư thục, 1 trường tiểu học với hai điểm trường, 2 trường THCS và 1 trường THPT với gần 450 học sinh, đủ để thấy mức độ quan tâm của người dân Đạ Rsal với chuyện học hành của con em mình như thế nào. Đặc biệt, gần một nửa học sinh trong tất cả các cấp học phổ thông của xã thì học sinh là người trong thôn đã chiếm tới non nửa. 
 
Ông Trần Văn Hương - Trưởng thôn Phi Có chia sẻ: “Các gia đình có ý thức cao lắm, không vì vướng bận chuyện buôn bán, kinh doanh mà lơ là chuyện học hành của con cháu mình. Dưới nhiều hình thức, nhiều chương trình họ đều hết mình hỗ trợ cho công tác khuyến học, dù có thể không trực tiếp tham gia”.
 
Mỗi năm các gia đình trong thôn đều sẵn sàng đóng vài trăm đến hàng triệu tiền quỹ khuyến học để trao học bổng cho các em học sinh giỏi, mua xe đạp, các phần quà có giá trị giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thuận lợi nhất để đến trường học tập. Không những thế, trong các dịp trao thưởng, nhiều gia đình có kinh tế phát triển còn tự nguyện bỏ thêm tiền túi để trực tiếp trao thưởng cho các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc.
 
Không chỉ có học sinh giỏi ở các cấp phổ thông, học sinh người thôn Phi Có còn được các gia đình tạo điều kiện, khuyến khích học lên đại học, thạc sĩ và chuyển hướng gửi con đi học tại các trường điểm ở những thành phố lớn, kể cả du học ở các nước phát triển. 
 
Cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của xã Đạ Rsal là người thôn Phi Có cũng luôn là những người đi đầu trong công tác khuyến học của thôn, của địa phương. Không ít con em của họ đã xuất sắc giành được học bổng của các trường đại học tên tuổi ở nước ngoài. Nhiều học sinh của thôn Phi Có học hành đỗ đạt đã quay về trở lại phục vụ cho địa phương ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, an ninh. Những thành quả chăm lo cho giáo dục của người dân Phi Có với nhiều người thờ ơ có thể rất đỗi bình thường, nhưng chắc sẽ không khỏi ngạc nhiên và trân trọng nếu biết câu chuyện của Phi Có của những năm về trước.
 
Là khu dân cư có điều kiện kinh tế phát triển, lại là điểm giao thương của các vùng, nhiều năm về trước Phi Có là địa bàn khá phức tạp với đủ các loại tệ nạn, từ ma túy cho đến trộm cướp, gây rối cho đến mại dâm, đã từng có vụ va chạm dẫn đến tử vong... mà đối tượng chủ yếu là tầng lớp thanh thiếu niên.
 
Việc tiến hành xây dựng thôn văn hóa kiểu mẫu, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, cũng như tiến hành xây dựng Phi Có thành điểm Cộng đồng học tập tiêu biểu đã giúp cho thôn có sự “lột xác” ngoạn mục. Phi Có không những là điểm sáng về việc xây dựng nông thôn mới, tiên phong trong phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, đi đầu trong việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thôn thật sự còn là điểm sáng trong việc xây dựng các phong trào khuyến tài, khuyến học.
 
Ở vùng giáp ranh, nơi đầu nguồn dòng K’rông Nô, vùng biên mậu Phi Có người ta có quyền nghĩ về những điều tốt đẹp, về những đổi thay, về sự no ấm, bởi lớp cháu con của họ vẫn đều đặn, vẫn miệt mài mỗi ngày đến lớp kiếm tìm tri thức.
 
TUẤN LINH