Nguy cơ ngập úng rau màu ven sông Đa Nhim

05:09, 22/09/2020

Câu chuyện hành lang thoát lũ hạ du sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương) bị thu hẹp nghiêm trọng, đang làm tăng mối lo cả trăm ha rau màu người dân trồng chưa thu hoạch ven bờ sông có thể bị ngập úng nặng, khi tâm điểm mùa mưa lũ năm 2020 đang cận kề.

Câu chuyện hành lang thoát lũ hạ du sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương) bị thu hẹp nghiêm trọng, đang làm tăng mối lo cả trăm ha rau màu người dân trồng chưa thu hoạch ven bờ sông có thể bị ngập úng nặng, khi tâm điểm mùa mưa lũ năm 2020 đang cận kề.
 
Một vị trí người dân thị trấn D’Ran xây nhà, trồng rau màu trong hành lang thoát lũ hồ Đơn Dương
Một vị trí người dân thị trấn D’Ran xây nhà, trồng rau màu trong hành lang thoát lũ hồ Đơn Dương
 
Đây không phải là bài học cảnh báo thiếu sức thuyết phục, bởi đã nhiều năm mưa lớn, lũ về bất thường đã khiến người dân không kịp “trở tay”.
 
Bài toán nan giải
 
Theo thống kê sơ bộ, diện tích bãi bồi ven sông Đa Nhim, phía dưới hạ du hồ Đơn Dương vào khoảng 150-250 ha. Hàng năm, người dân các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, thị trấn D’Ran, thị trấn Thạnh Mỹ,... đều sử dụng diện tích đất giáp 2 bờ sông để tiến hành canh tác nông nghiệp, chủ yếu là cây rau ngắn ngày. Tuy nhiên, đối với những năm mưa ít, thủy điện không xả lũ hoặc xả điều tiết nước lòng hồ lưu lượng thấp, đã khiến người dân có phần chủ quan. Đơn cử như tháng 11/2016, dù đã được cảnh báo trước đó, nhưng một trận mưa lớn đã làm lượng nước mặt tại chỗ tăng nhanh, cộng với thủy điện xả lũ điều tiết, khiến cả 100 ha rau màu của người dân bị mất trắng.
 
Là người sống hơn 30 năm tại thị trấn Thạnh Mỹ, ông Trần Hữu Tình (71 tuổi) cho hay cả gia đình ông có 4 sào đất canh tác ven sông Đa Nhim, nhưng nhiều lần ông đã dự đoán sai thời điểm mưa lũ đổ về. Theo ông Tình, do đất canh tác ven sông nên chất đất màu mỡ, rau trồng cho năng suất cao. Nếu năm mưa lũ về nhỏ, thời tiết và giá cả thuận lợi thì trừ các chi phí, tiền trồng xà lách, bắp sú cho gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/sào/năm.
 
“Thuận lợi là đất màu mỡ, nước dồi dào, nhưng rủi ro ngập úng sẽ cao hơn các vị trí khác. Tôi thường chọn loại rau ngắn ngày trồng luân phiên cả năm, lỡ mưa gió lớn, nước ngập có thể cơ động thu hoạch nhanh, giảm bớt thiệt hại”- ông Tình chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo lão nông này, đã hai lần lũ về làm 4 sào rau của ông bị ngập úng, gần như mất trắng khi mưa lớn kết hợp với việc hồ Đơn Dương phía thượng nguồn xả lũ.
 
Trong khi đó, cách Thạnh Mỹ hơn 10 km, tại thôn Kankin thuộc thị trấn D’Ran, là khu vực nằm gần hồ Đơn Dương, theo ghi nhận tới thời điểm này, diện tích trồng rau màu ven sông Đa Nhim chưa thu hoạch vẫn còn rất lớn. Một lãnh đạo UBND thị trấn D’Ran chia sẻ với chúng tôi, năm 2019, do mưa nhỏ nên không xảy ra hiện tượng ngập lụt, đồng thời Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi không xả nước điều tiết hồ Đơn Dương. Chính vì vậy, có thể nhiều hộ dân năm nay chủ quan hơn, trong khi đó, cao điểm mùa mưa lũ năm 2020 đang cận kề. Hiện chính quyền thị trấn D’Ran cũng như huyện Đơn Dương đang tiếp tục tuyên truyền tới người dân hạn chế trồng, tạm ngừng canh tác rau màu quanh bãi bồi ven sông, nhưng nhiều người dân vì bài toán kinh tế nên vẫn chấp nhận rủi ro. Diện tích rau mới trồng ven sông được khoảng 1 tháng theo ghi nhận vẫn còn nhiều.
 
Đập tràn hồ Đơn Dương thuộc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi
Đập tràn hồ Đơn Dương thuộc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi
 
Hành lang thoát lũ bị lấn chiếm nhiều nơi
 
Đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp đi thực địa với Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty ĐHĐ), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cùng huyện Đơn Dương kiểm tra hiện trạng dòng chảy hạ du sông Đa Nhim để có phương án ứng phó, cảnh báo cho người dân trước mùa mưa lũ. Điều bất ngờ là hầu như các vị trí xung yếu nơi đoàn kiểm tra, rà soát đều phát hiện hành lang thoát lũ bị xâm chiếm.
 
Ngay tại khu vực thị trấn Thạnh Mỹ, đoạn giáp cầu Quảng Tân, đoàn ghi nhận 1 doanh nghiệp đổ hàng trăm m3 đất cao từ 5-7 m, rộng hàng ngàn m2 sát mép sông Đa Nhim và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại khu vực trên, nhiều vị trí dòng sông bị bó hẹp chiều ngang chỉ còn khoảng trên 30 m, trong khi những năm trước đó chiều ngang lòng sông rộng từ 60 tới 100 m. Ngoài ra, cách đó không xa, đi về phía đầu nguồn sông Đa Nhim, nhiều hộ dân vẫn vô tư đổ đất, rác thải lấn chiếm lòng sông để trồng bắp sú, xà lách, đậu…
 
Theo ghi nhận, việc xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm trong vùng thấp ven sông khá phổ biến, chưa kể một số vị trí của lòng sông, có nhiều bãi tre gây cản trở dòng chảy khi nước lũ dâng cao. Kết quả kiểm tra của đoàn xác nhận những tồn tại vi phạm dòng chảy thoát lũ từ năm 2019 trên sông Đa Nhim vẫn chưa được các cơ quan chức năng huyện Đơn Dương giải quyết. Cụ thể, qua kiểm tra còn tồn tại 1 nhà tạm ở thượng lưu cầu D’Ran; 3 hộ tại thôn Đường Mới xây dựng nhà kiên cố, bán kiên cố sát lòng sông; nhiều vị trí người dân cơi nới đất trồng hoa màu, trồng cỏ gây bó hẹp dòng sông. Tại thôn Kankin, xuất hiện 1 nhà dân đang xây dựng trong giai đoạn hoàn thiện nằm trên mảnh đất cơi nới lấn dòng gây bó hẹp dòng chảy,… 
 
Ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc ĐHĐ đánh giá, những tác động nêu trên sẽ gây nguy cơ mất an toàn, cản trở dòng chảy trong trường hợp hồ Đơn Dương xả lũ. “Từ đập tràn Đơn Dương tới thượng nguồn đập thủy điện Đại Ninh dài khoảng 40 km nhưng nhiều nơi bị xâm lấn, bó hẹp, khiến hành lang thoát lũ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thiết kế Thủy điện Đa Nhim từ phía Nhật Bản, hồ Đơn Dương khi đi vào vận hành có thể xả với lưu lượng 4.500 m 3/s, khẩn cấp có thể lên tới 5.500 m 3/s do phía hạ du hành lang thoát lũ rộng, khi xả lũ thoát rất nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mưa lớn, hồ Đơn Dương xả ở mức 200 m 3/s trở lên thì thực tế trục đường tiêu thoát lũ hạ du đã rơi vào tình trạng quá tải”- ông Lộc phân tích.
 
Như vậy, với tình hình mùa mưa bão năm nay có diễn biến thất thường, Công ty ĐHĐ đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đơn Dương tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo, có giải pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân bạt đất, đổ đất vùng tiếp lòng sông để trồng hoa màu, cơi nới nhà ở gây mất an toàn khi có lũ trên sông,... Trong đó, mới đây Công ty ĐHĐ đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng sớm ban hành quyết định phạm vi hành lang thoát lũ của sông Đa Nhim, đoạn hạ lưu hồ Đơn Dương và quy định sản xuất, nuôi trồng trong vùng hành lang trên.
 
Khuyến cáo không trồng rau màu ven sông mùa mưa lũ
 
Hồ Đơn Dương có diện tích mặt nước 9,7 km2, dung tích chứa khoảng 165 triệu m3. Tới ngày 17/9, hồ đã tích nước đến cao trình 1.037,5 m gần đến cao trình mực nước dâng bình thường 1.042 m, cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 10 m. Theo Sở Công thương Lâm Đồng, đây là thời điểm rơi vào mùa lũ chính vụ năm 2020, hồ Đơn Dương có thể xả lũ gây ngập lụt hai bên bờ sông thuộc địa bàn huyện Đơn Dương. Do đó, Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu huyện Đơn Dương khẩn trương có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân có kế hoạch sản xuất và thu hoạch mùa màng hợp lý, không trồng rau màu ven sông mùa mưa lũ, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do xả lũ gây ra.
 
CHÍNH THÀNH