Quản lý an toàn hồ, đập để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân

05:09, 14/09/2020

Quản lý an toàn hồ, đập và các công trình thủy lợi là việc làm cần thiết thường xuyên, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

Quản lý an toàn hồ, đập và các công trình thủy lợi là việc làm cần thiết thường xuyên, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trong mùa mưa lũ.
 
Nuôi cá lồng trên hồ Thủy lợi Próh (Đơn Dương)
Nuôi cá lồng trên hồ Thủy lợi Próh (Đơn Dương)
 
Số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) cho biết, Lâm Đồng hiện có 430 công trình thủy lợi (47 công trình cấp tỉnh quản lý, 383 công trình do cấp huyện quản lý). Trong đó, có 20 hồ chứa, 87 đập dâng, 19 trạm bơm, 92 đập tạm, chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác.
 
Theo đánh giá từ cơ quan này, ngoài một số các công trình được đầu tư xây dựng 10 năm trở lại với cơ sở thiết bị đồng bộ đảm bảo an toàn theo quy định như hồ Đạ Sị (huyện Cát Tiên), Đạ Lây, Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh),... phần lớn các hồ, đập trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng và có thời gian sử dụng từ 30 - 40 năm. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư thời điểm đó nên các hạng mục không được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố. Qua thời gian sử dụng lâu dài, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 60 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, có 40 công trình hư hỏng nặng tại nhiều hạng mục. Ngoài ra, các hệ thống, thiết bị quan trắc lượng mưa trên lưu vực hồ chưa được đầu tư đầy đủ nên ít nhiều ảnh hưởng đến quy trình quản lý, vận hành và khai thác. Trong số 40 công trình trên mới chỉ có 13 công trình được bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện có 4 công trình đang trong giai đoạn xây dựng bao gồm: hồ Đạ Sị, hồ Ma Am, hồ Thôn 9 Hòa Trung, hồ Đạ Lây. 
 
Nhu cầu kinh phí để thực hiện sửa chữa, nâng cấp công trình và thực hiện các nội dung về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa như kiểm định an toàn đập, lập quy trình vận hành, cắm mốc chỉ giới, lắp đặt thiết bị quan trắc… là 158,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, nên đến nay chưa hoàn thành thực hiện các nội dung trên theo đúng quy định của Luật Thủy lợi.
 
Việc bảo vệ hồ chứa, đập tràn là hết sức quan trọng, không thể lơ là, chỉ cần sơ suất nhỏ thì hậu quả cũng rất khó lường. Bởi vậy, đối với việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước 57 công trình; lập quy trình vận hành 37 công trình (trong đó có 2 công trình có cửa van); cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước 35 công trình; xây dựng phương án bảo vệ hồ đập 19 công trình, phương án ứng phó thiên tai 52 công trình, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp 6 công trình; kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước 47 công trình.
 
Ông Nguyễn Văn Huề - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện nay, Chi cục Thủy lợi hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn về lập kiểm định an toàn đập, hướng dẫn lập và sử dụng quy trình vận hành hồ chứa, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn… Chú trọng nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa theo quy định. Tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa. Rà soát, phân loại, phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các đập, hồ chứa, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra, đánh giá chuyên sâu công trình. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
 
Cũng theo ông Huề, việc quản lý hồ, đập thủy lợi của địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ở những công trình này, lực lượng chức năng đã bố trí những cán bộ có đủ trình độ chuyên môn và năng lực để đảm nhiệm công việc. 
 
Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 phấn đấu 100% công trình đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành và khai thác đảm bảo an toàn theo quy định. Trong đó, tất cả các hồ, đập thủy lợi đều có đầy đủ hồ sơ thủ tục quy định về an toàn (kiểm định an toàn đập, quy trình vận hành được phê duyệt…). Để đảm bảo an toàn công trình và hạ du các đập, hồ chứa thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đối với các hồ chứa có van, tổ chức kiểm tra ngay thực trạng thiết bị vận hành tràn xả lũ (kể cả thiết bị dự phòng). Vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ, tham mưu bố trí kinh phí sửa chữa thiết bị hỏng... để đảm bảo vận hành công trình trong mọi tình huống. Bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa. Đối với các hồ chứa còn lại, cũng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ, đập chứa theo quy định. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, dự báo, cảnh báo nguy cơ mất an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Thống kê đầy đủ danh mục 100% các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, nhu cầu kinh phí, để có giải pháp huy động nguồn lực sửa chữa, nâng cấp theo thứ tự ưu tiên...
 
Việc thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn hồ, đập và các công trình thủy lợi giúp các địa phương chủ động trong mọi tình huống, không để xảy ra những sơ suất, thiếu sót dẫn đến hậu quả khôn lường. Bởi những diễn biến bất ngờ của thời tiết không cho phép con người có thể chủ quan, khinh suất. 
 
HOÀNG MY