Người lưu giữ văn hóa Mường

10:10, 14/10/2020

Nhiều năm qua, ông Bùi Văn Sòn (ở Thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh) đã dày công nỗ lực gầy dựng lại nhà sàn truyền thống của dân tộc, trang bị bộ cồng chiêng và truyền dạy cho thế hệ trẻ cách sử dụng, diễn tấu cồng chiêng, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Nhiều năm qua, ông Bùi Văn Sòn (ở Thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh) đã dày công nỗ lực gầy dựng lại nhà sàn truyền thống của dân tộc, trang bị bộ cồng chiêng và truyền dạy cho thế hệ trẻ cách sử dụng, diễn tấu cồng chiêng, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
 
Ông Bùi Văn Sòn (giữa) là người truyền “lửa” cho đồng bào dân tộc Mường ở xã Tân Lâm
Ông Bùi Văn Sòn (giữa) là người truyền “lửa” cho đồng bào dân tộc Mường ở xã Tân Lâm
 
Biết ông Bùi Văn Sòn là người có tâm huyết với văn hóa dân tộc Mường đã khá lâu, giờ tôi mới thu xếp được thời gian đến thăm, tìm hiểu về công tác bảo tồn văn hóa của ông. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đã nhiều năm nay, ông Bùi Văn Sòn luôn được đồng bào Mường nơi đây kính trọng và xem là “cây đại thụ”, người truyền “lửa” cho bà con trong phát triển kinh tế, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
 
Thăm gia đình ông, chúng tôi không khỏi thán phục người đàn ông dân tộc Mường đã bước sang tuổi 80 nhưng nhiều năm luôn nỗ lực vượt khó, để tạo dựng cho gia đình một cơ ngơi khá bề thế với mô hình kinh tế nông lâm kết hợp: vườn cà phê, cây ăn quả, dâu tằm, cây dổi, ao cá và giàn hoa lan… Ông Vũ Hồng Phúc - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm, chia sẻ: Những năm qua, ông Bùi Văn Sòn luôn là “cây cao bóng cả”, tích cực tuyên truyền, vận động bà con ở khu dân cư xây dựng khối đại đoàn kết, bảo tồn văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, bà con đã chuyển đổi từ độc canh cây cà phê sang mô hình đa canh, nên đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã được nâng cao, hộ nghèo là người Mường đã giảm đáng kể.
 
Với uy tín của mình, ông Bùi Văn Sòn không những làm tốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào Mường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, mà còn tích cực đi đầu trong công tác phục dựng, sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống. 
 
Khi điều kiện kinh tế gia đình dần ổn định, ông đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng xây dựng nhà sàn truyền thống theo nguyên bản có diện tích gần 100 m2 khá tiện nghi. Có nhà rồi, ông còn đầu tư thêm trên 40 triệu đồng mua sắm bộ cồng chiêng và các trang phục để phục vụ sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng. Ông Bùi Văn Sòn tâm sự: “Bộ cồng chiêng của người Mường có từ 7 - 20 chiếc. Riêng bộ cồng chiêng của gia đình tôi mới chỉ có 7 chiếc, đây là chiêng cổ, nên giá trị khá cao, âm thanh thanh thoát, vang xa và nghe trong trẻo hơn so với các bộ cồng chiêng được đúc sau này. Dự tính trong thời gian tới tôi sẽ tìm mua thêm 5 chiếc chiêng nữa để đủ bộ cho con cháu sinh hoạt”.
 
Cũng theo ông Sòn, từ khi có nhà sàn truyền thống, việc duy trì sinh hoạt mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường đã được đi vào nề nếp, tôn ti, trật tự trong gia đình luôn được thực hiện. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi mà ông thường tổ chức các buổi sinh hoạt cồng chiêng, tổ chức các buổi dạy cho các cháu biết sử dụng, diễn tấu cồng chiêng. Người Mường có 7 bài chiêng truyền thống chủ yếu để phục vụ trong các ngày đám cưới, ma chay và đặc biệt là trong ngày lễ tết của dân tộc, của đất nước. Hiện tại, các cụ bà, các mẹ, con dâu, cháu dâu trong gia đình ông đều biết đánh thành thục các bài chiêng của dân tộc Mường và là lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ sử dụng cồng chiêng. Đến nay, gia đình ông Bùi Văn Sòn đã truyền dạy miễn phí cho khoảng 60 người, trong đó có 30 phụ nữ trên dưới 50 tuổi và số còn lại là thế hệ trẻ. Đội cồng chiêng của ông Bùi Văn Sòn cũng thường tham gia biểu diễn giao lưu, đặc biệt các ngày hội, lễ và Tết độc lập. 
 
“Theo chân ông Bùi Văn Sòn, hiện ở xã Tân Lâm đã có một số hộ dân trên địa bàn cũng đã đầu tư tiền tỷ xây dựng ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường bằng xi măng, cốt thép. Địa phương rất quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ có giải pháp hỗ trợ để tiếp sức cho ông Bùi Văn Sòn giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống được tốt hơn”, ông Phạm Ngọc Hậu - Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm cho biết. 
 
Tạm biệt gia đình ông Bùi Văn Sòn, bản Mường xã Tân Lâm ra về, trong lòng chúng tôi như thêm hân hoan và thật trân trọng những tâm huyết, sự cống hiến của ông vì cuộc sống cộng đồng. Hy vọng rằng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh ngày càng có nhiều tấm gương điển hình luôn tận tụy với công việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, vì sự phát triển của cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh.   
 
NDONG BRỪM