Tăng cường công tác ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh

10:10, 14/10/2020

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới trên biển Đông kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây ra mưa rất lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác ứng phó để chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và tính mạng của người dân.

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới trên biển Đông kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây ra mưa rất lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác ứng phó để chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và tính mạng của người dân.
 
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc phải thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến bất thường của thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24 giờ/24 giờ trong thời điểm ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới để kịp thời chỉ đạo, xử lý có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra. Các cơ quan truyền thông phải kịp thời thông tin về tình hình mưa, lũ để các cơ quan chức năng và Nhân dân biết, chủ động ứng phó và triển khai phương án di dời người dân đến nơi an toàn. 
 
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tăng cường công tác thông tin, dự báo, kịp thời cảnh báo nhanh chóng đến tận thôn, bản, người dân; hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để chính quyền cấp cơ sở và Nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với các hiện tượng thiên tai có thể xảy ra. Các phòng, cơ quan chức năng liên quan và UBND cấp xã khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực dân cư, địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như các khu vực sườn đồi núi, khu vực trũng thấp, ven sông suối, hạ lưu các hồ đập… và có biện pháp cảnh báo, giúp Nhân dân phòng tránh, kịp thời di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Cần phải đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đoạn đường, bến đò ngang, đò dọc tại các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Kiểm tra, chặt hạ những cây có nguy cơ ngã, đổ và tỉa cành, mé nhánh những cây dọc hai bên đường, khu vực dân cư có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân; đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và kịp thời bố trí lực lượng để dọn dẹp, xử lý, khắc phục khi xảy ra tình trạng cây hai bên đường bị ngã, đổ; sạt lở đất gây ách tách, mất an toàn giao thông.
 
Lực lượng công an, quân đội tại địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra và đưa người dân đến nơi an toàn.
 
LAN HỒ