Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Sở Công thương

05:10, 16/10/2020

Giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,8%, không để trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, Sở Công thương Lâm Đồng gần đây còn đang nỗ lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh.

Giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,8%, không để trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, Sở Công thương Lâm Đồng gần đây còn đang nỗ lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh.
 
Hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận một cửa Sở Công thương Lâm Đồng
Hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận một cửa Sở Công thương Lâm Đồng
 
99,8% hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn
 
Một con số đầy ấn tượng của Sở Công thương Lâm Đồng trong nhiều năm nay chính là việc giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đạt tỷ lệ rất cao.
 
Tính từ năm 2011 đến tháng 5/2020 vừa qua, Sở Công thương tiếp nhận 10.785 hồ sơ, đã giải quyết đúng và trước hạn 10.764 hồ sơ, đạt tỷ lệ đến 99,8%. 
 
Trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 vừa qua, Sở Công thương Lâm Đồng đạt 96,32 điểm, đứng thứ 3 trong tổng số 20 sở, ban, ngành của tỉnh, tăng 9 bậc so với bảng xếp hạng của năm 2018.
 
Để đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ cao như trên, Sở Công thương cho biết, trong những năm qua đã không ngừng cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh CCHC, tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch trong quy trình giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị.
 
Hằng năm, Sở ban hành kế hoạch đồng thời triển khai kịp thời, có hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác CCHC; đảm bảo chế độ báo cáo đúng thời hạn; xây dựng và áp dụng các tiêu chí thực hiện CCHC gắn với việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.
 
Sở định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết công tác CCHC tại đơn vị, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế; đưa ra những giải pháp nâng cao chỉ số CCHC của đơn vị.
 
Trong hoạt động, Sở chú ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy trình, kịp thời công bố công khai các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận; thường xuyên tiến hành rà soát hệ thống văn bản thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đã đề ra, xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra. 
 
Sở cho biết cũng thực hiện tốt việc kiểm soát TTHC, tăng cường rà soát, kiến nghị đơn giản hóa đối với các thủ tục còn chồng chéo, bất hợp lý, nhằm cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ. 
 
Trong hoạt động, Sở yêu cầu những người đứng đầu bộ phận, các công chức, viên chức trực tiếp giải quyết hồ sơ phải phát huy tinh thần trách nhiệm; chủ động theo dõi, kiểm tra chặt chẽ quy trình, thúc đẩy hồ sơ giải quyết kịp thời, đúng tiến độ.
 
Hồ sơ trực tuyến tăng nhanh 
 
Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, Sở Công thương trong nhiều năm nay đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa quy trình giải quyết hồ sơ, đồng thời tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
 
Đến nay, Sở đã xây dựng quy trình giải quyết thủ tục trực tuyến, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong từng khâu, cách thức thực hiện, quá trình giải quyết một cách rõ ràng, cụ thể.
 
Sở cũng tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến được xây dựng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; kết nối, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp đầu mối hỗ trợ người dùng và đăng tải công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đồng thời phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thuận lợi, thông suốt và hiệu quả trong quá trình giải quyết.
 
Sở lâu nay cũng tăng cường vận động cộng đồng doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp nhận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi cần; quảng bá hiệu quả về dịch vụ công trực tuyến của cơ quan để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại.
 
Đến giữa năm nay, Sở đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với 33/123 TTHC, trong đó có 21 thủ tục áp dụng mức độ 3; 12 thủ tục áp dụng mức độ 4. Nhờ vận động, đến nay số lượng thủ tục giao dịch trực tuyến tại Bộ phận một cửa của Sở Công thương đã tăng lên rất nhanh. Tính trong cả năm 2019, Sở tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đối với 1.850/2.163 hồ sơ, trong đó có 2 hồ sơ mức độ 3; có 1.848 hồ sơ mức độ 4, thì trong 6 tháng đầu năm 2020 này, Sở đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 1.551/1.685 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 88%.
 
“Hầu hết hồ sơ chúng tôi đến nay đều nhận và giải quyết qua hệ thống điện tử nên số người đến nộp hồ sơ giấy tại Sở ngày càng giảm dần, chỉ ai chưa quen đến đây sẽ được hướng dẫn cách thức làm hồ sơ qua mạng” - ông Cao Ngọc Thạch, Phụ trách Bộ phận một cửa của Sở Công thương cho biết.
 
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tại một hội nghị về CCHC của tỉnh vừa qua, Sở Công thương đã đề nghị tỉnh nên kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành có giải pháp tích hợp sử dụng chung một phần mềm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tránh tình trạng sử dụng nhiều phần mềm như hiện nay. Đồng thời cũng nên có giải pháp hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện thành thạo TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 
 
Sở Công thương trong dịp này cũng đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách thức giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác CCHC, đặc biệt là các TTHC mang tính liên thông. Sở cũng đề nghị tỉnh trong thời gian đến, triển khai chương trình đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với các mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% chi phí tuân thủ; áp dụng các giải pháp đo kiểm bằng phương pháp, công cụ phổ biến từ các quốc gia tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức quản lý.
 
Sở cũng đề nghị tỉnh tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện TTHC trực tuyến; xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên các TTHC có nhu cầu lớn của người dân và doanh nghiệp; số hóa các kết quả giải quyết TTHC; có các giải pháp để người dân và doanh nghiệp không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khi thực hiện hồ sơ trên môi trường điện tử, cấp và sử dụng bản sao điện tử. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính trực tuyến mức độ 4, không mất chi phí, thời gian để nộp hồ sơ giấy.
 
VIẾT TRỌNG